Tết này không lì xì bằng tiền nữa

Nhung Nhung

(Dân trí) - Thay vì đưa tiền hoặc bao lì xì, một số người mừng tuổi bằng các hình thức khác nhằm mang đến bất ngờ cho người thân mà vẫn mang đúng ý nghĩa của việc trao gửi may mắn đầu xuân.

Lì xì bằng sách 

Với hy vọng lan tỏa văn hóa đọc và truyền tải những thông điệp quý giá, một số gia đình lựa chọn sách để lì xì vào ngày Tết.

"Lì xì bằng sách hơi mất công, mất thời gian đi chọn, đi mua rồi viết lời đề tặng, bọc gói cho từng người.  

Nhưng chắc chắn một điều là trẻ hay người lớn sẽ không so bì, tính toán nhiều, ít, hơn thua nhau", anh Nguyễn Nguyên (Hà Nội) chia sẻ. 

Nói về lý do quyết định lì xì bằng sách anh Nguyên cho biết trước đây gia đình anh thông thường lì xì cho trẻ nhỏ một số tiền nhỏ để chúc may mắn. 

Tuy nhiên, những năm gần đây thì gia đình anh bắt đầu chuyển sang tặng sách vào dịp Tết.

Sự thay đổi này xảy ra khi cả hai vợ chồng anh thiết lập thói quen đọc sách hàng ngày và muốn lan tỏa tình yêu sách rộng rãi hơn tới mọi người, coi việc tặng sách như một "nghi thức" đẹp.

Vậy nhưng, việc làm sao để những cuốn sách được đem đi tặng ngày Tết trở thành một món quà ý nghĩa là một điều không phải đơn giản. 

Theo anh Nguyên là cần phải chú ý đến sở thích, độ tuổi của người được tặng để chọn lựa những cuốn sách tinh tế, phù hợp với nhu cầu của đối phương  thì món quà mới nhân đôi ý nghĩa. 

Tương tự, chị Trần Hoàng Yến (TP. HCM) cho rằng việc tặng sách ngày Tết không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn phù hợp để lưu giữ kỷ niệm.

Tết này không lì xì bằng tiền nữa - 1
Lì xì sách ngày Tết đang trở nên phổ biến và được xem là một nét đẹp văn hóa đang được nhiều người hưởng ứng. (Ảnh minh họa: Hà Anh)

"Tết tôi thường không mừng tuổi bằng tiền. Bởi tôi không thích cái cảm giác mắc nợ và phải trả nợ qua việc mừng tuổi bằng tiền. Trẻ con mở phong bao ra thì dễ tỏ thái độ không đúng mực nếu số tiền nhận được không như ý, người lớn thì tổng kết lỗ lãi thành ra mất vui!", chị Yến nêu suy nghĩ. 

Với quan điểm đó, chị Yến lựa chọn sách là món quà may mắn đầu năm mới và hy vọng người được lì xì sẽ tìm được những niềm vui trong sách vở và tận dụng tốt nhất tri thức có được từ món quà ý nghĩa ấy. 

Lì xì hạt giống 

Bên cạnh sách, lì xì hạt giống cũng trở thành lựa chọn ưu tiên của một số gia đình trong dịp Tết nguyên đán. 

"Tôi thích thú khi nghĩ rằng, những hạt giống bí ẩn nằm trong bao lì xì sẽ kích thích rất nhiều sự tò mò của người nhận.

Bởi mỗi phong bao lì xì với mỗi loại hạt giống khác nhau đều tượng trưng cho nhiều điều ý nghĩa tốt lành, thích hợp với cả trẻ con và người lớn tuổi. 

Đối với trẻ con, lì xì hạt giống mang thông điệp chúc chóng trưởng thành, hữu ích cho xã hội.

Đối với người lớn tuổi, lì xì hạt giống mang thông điệp sự hồi xuân trở lại", chị Trần Mai (Hà Nội) hào hứng nói. 

Tết này không lì xì bằng tiền nữa - 2
Thay vì lì xì bằng tiền, chị Mai lựa chọn lì xì bằng hạt giống cây trồng. (Ảnh minh họa: NVCC)

Theo chị Mai, việc tặng những bao lì xì hạt giống thể hiện mong muốn truyền tải thông điệp về gieo trồng may mắn, về sự trao đi và tình yêu thiên nhiên của người tặng đến người nhận. 

Vì vậy, 3 năm trở lại đây, chị Mai đều dành thời gian chuẩn bị những phong bao lì xì hạt giống khác nhau để đem tặng cho bạn bè và người thân vào dịp Tết.

Lì xì bằng chữ 

Xoay quanh việc làm gì để không còn phải khó xử khi thực hiện việc mừng tuổi đầu năm, chị Dương Thị Minh Hòa (Buôn Ma Thuột) cho rằng nên chọn một vật phẩm văn hóa thay cho tiền ví dụ như tặng chữ. 

Tết này không lì xì bằng tiền nữa - 3
Hóa thân thành "thầy đồ" vào những ngày Tết với bút nghiên, giấy mực, chị Hòa tỉ mỉ từng nét chữ để trao tặng món quà may mắn đầu xuân. (Ảnh minh họa: NVCC)

"Tôi rất thích tặng chữ. Bởi mỗi câu, mỗi chữ thư pháp đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó cũng là mong muốn của tôi khi gửi gắm đôi điều tốt đẹp đến mọi người vào dịp năm mới", chị Hòa bày tỏ.

Cho chữ, xin chữ là một nét văn hóa độc đáo của Tết cổ truyền. Với sự trân trọng giá trị truyền thống tốt đẹp ấy mà Tết năm nay chị Hòa bắt đầu luyện viết và tặng chữ. 

Chị Hòa vui vẻ nói rằng có rất nhiều người thích thú khi được khi nhận được lì xì là tấm phong bao hay cuộn giấy được trang trí bằng những chữ thư pháp như: bình an, thịnh vượng, hạnh phúc.

Cũng giống như nhiều người khác chia sẻ với Dân trí, chị Hòa mong rằng, thay vì biến tiền lì xì trở thành cuộc thi so bì vật chất của người lớn và trẻ nhỏ thì mọi người có thể lựa chọn hình thức thể hiện sao cho hợp lý, cốt để giữ nét đẹp truyền thống Tết cổ truyền của Việt Nam.