Cà Mau:

Tập trung đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Theo Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, trong thời gian tới, mục tiêu tỉnh đặt ra là đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động của vùng kinh tế trọng điểm.

Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, theo kế hoạch của Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh đào tạo nghề cho 140.000 người.

Trong đó, trình độ cao đẳng 10.400 sinh viên, trung cấp 3.025 học sinh, 126.575 học viên học nghề. Bình quân 28.000 học sinh, sinh viên, người học nghề/năm.

Trên 90% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, 85% học sinh tốt nghiệp trung cấp, trên 80% người lao động tốt nghiệp sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng có việc làm sau đào tạo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 60%.

Tập trung đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp - 1

Công nghệ thông tin là một trong những ngành nghề tỉnh Cà Mau tập trung đào tạo có trình độ cao khi thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, đến năm 2025, phát triển Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau đủ điều kiện về quy mô và chất lượng đào tạo là trường chất lượng cao, có năng lực đào tạo các ngành nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận.

Các trường có nghề trọng điểm được đầu tư trọng điểm đảm bảo đào tạo theo chuẩn quốc gia và khu vực. 

Theo Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, mục tiêu tỉnh đặt ra là đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động của vùng kinh tế trọng điểm.

Chú trọng rà soát, chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp, bố trí đủ cho các dự án quan trọng, quy mô lớn, nhất là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tăng cường hoạt động xúc tiến hợp tác với các nước, vùng lãnh thổ và các địa phương nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, liên kết đào tạo các nghề tỉnh đang có nhu cầu thuộc các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,…

Nhiều giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ được ngành LĐ-TB&XH Cà Mau đưa ra, trong đó tăng cường kết nối thông tin thị trường lao động với các tỉnh, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp để tiếp tục mở rộng ngành nghề.

Tăng số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động của cả 3 trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội.

Tập trung đào tạo nghề trình độ cao trong những ngành trọng yếu, như: cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin…; các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, như: du lịch, thương mại…

Quy hoạch ngành, nghề theo hướng gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp, các đối tượng chính sách, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện và nông dân chuyển đổi nghề nghệp để cung ứng lực lượng lao động có tay nghề, nhất là nguồn lao động trình độ cao đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động.

Cà Mau cũng khuyến khích các trường cao đẳng công lập xây dựng đề án tự chủ theo lộ trình, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm.