Bà Rịa - Vũng Tàu:

Sự sáp nhập hiệu quả từ 2 trung tâm

(Dân trí) - Đó là Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng thị trấn Long Hải, Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được hình thành trên cơ sở sát nhập Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Trung tâm học tập cộng đồng. Đây là một mô hình hay, hiệu quả được chính quyền và nhân dân ủng hộ.

Trung tâm Văn hóa thị trấn được thành lập từ năm 1999 với Ban Chủ nhiệm gồm 5 người do Trưởng ban Văn hóa thông tin thị trấn làm chủ nhiệm. Đến tháng 12/2003 thị trấn thành lập Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) với Ban quản lý gồm 9 người do Phó Bí thư thường thực Đảng ủy làm Trưởng ban.

 

Nhằm phát huy việc xây dựng một chỗ học tập, trong đó công tác khuyến học - khuyến tài được đẩy mạnh; hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao được phát triển; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được phổ biến rộng rãi; nhân dân được tiếp cận ngày càng nhiều hơn những thành tựu của khoa học - kỹ thuật góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, nâng cao thu nhập gia đình.

 

Do đó, lãnh đạo địa phương đã sát nhập hai trung tâm vào một, lấy tên là Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng (TTVH-HTCĐ) vào tháng 12/2004 . Thực tế cho thấy hoạt động của trung tâm từ khi hình thành đến nay đã hoạt động rất hiệu quả và không ngừng phát triển.

 

Đối với hoạt động văn hóa - văn nghệ, trung tâm đã tổ chức được nhiều đêm diễn văn nghệ quần chúng như liên hoan ca khúc hồng, đơn ca tài tử, hội thi toàn dân phòng chống ma túy... thu hút đông đảo người tham gia. Ngoài ra, trung tâm duy trì các hoạt động của 12 đội thông tin lưu động trong 9 khu phố và các đoàn thể. Trong năm vừa qua, trung tâm đã tổ chức 71 lần biểu diễn thông tin lưu động phục vụ nhân dân...

 

Đối với hoạt động giáo dục - học tập cộng đồng, trung tâm đã phối hợp với trung tâm khuyến nông - khuyến ngư và chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Phòng Tư pháp huyện... tổ chức nhiều buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, kỹ thuật đánh bắt và bảo quản hải sản, phòng chống tai nạn trên biển, Luật Đất đai, bảo vệ môi trường, y tế và phổ cập THCS... với hàng nghìn người tham gia.

 

Công tác khuyến học cũng phát triển mạnh. Đến nay, huyện có 13 chi hội khuyến học ở khu phố, trường học, thị trấn với 700 hội viên; đã xét và công nhận 55 gia đình hiếu học. Những năm qua, Hội Khuyến học thị trấn đã tổ chức cấp học bổng cho hơn 400 em học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

 

Từ khi thành lập TTVH-HTCĐ thị trấn đến nay, các hoạt động đã có nhiều tiến bộ, nhất là trong lĩnh vực học tập cộng đồng đã có sự điều hành tập trung dẫn đến sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ hơn với các ban, ngành, trường học.

 

Tuy nhiên, hiện nay kinh phí họat động của trung tâm chủ yếu vẫn từ ngân sách và phần hỗ trợ từ Sở VH - TT tỉnh. Còn lại chỉ có sự hỗ trợ một phần từ Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện trong việc tổ chức các lớp chuyên đề nên các hoạt động của TTHTCĐ nhất là các lớp chuyên đề còn ít và thiếu sự chủ động do hạn hẹp về kinh phí.

 

Quý Hậu