Sinh viên xuất sắc thế giới mong thầy cô như... đứa trẻ 5 tuổi
(Dân trí) - Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, cựu sinh viên giỏi nhất nước Anh, top 100 sinh viên xuất sắc thế giới, mong giáo viên khi tiếp cận với việc học sẽ xem mình như tờ giấy trắng, xem mình như đứa trẻ... 5 tuổi.
"Căn tính của người làm nghề giáo" là chủ đề được TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ tại Hội thảo PEN 2023 với chủ đề "Tìm về trái tim của giáo dục" (do Quỹ phát triển Giáo dục IEG và Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức ở TPHCM) đặt ra những góc nhìn, tâm tư về nghề thầy trong thời đại hiện nay.
TS Nguyễn Chí Hiếu là cựu sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004 theo kết quả của Hội đồng khảo thí A-level; top 100 sinh viên xuất sắc thế giới năm 2006 do Viện Giáo dục quốc tế IIE bình chọn. Anh đã lấy bằng Tiến sĩ từ Đại học Stanford (Mỹ), từng đạt thủ khoa MBA ĐH Oxford (Anh).
Mong thầy cô như đứa trẻ... 5 tuổi
Chia sẻ với PV Dân trí, TS Nguyễn Chí Hiếu bày tỏ, giáo viên hàng ngày đã quay cuồng với công việc, ở nhà cũng rất việc nên ông mong rằng khi đi học, họ sẽ như một tờ giấy trắng, như một đứa trẻ 5 tuổi.
Thầy cô là những người đã được đào tạo chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm. Nhưng bản chất của việc học, theo TS Nguyễn Chí Hiếu khi mang chủ nghĩa kinh nghiệm vào lớp học thì chúng ta sẽ bị hạn chế việc tiếp thu.
Không lấy kinh nghiệm của mình để đánh giá kiến thức mà mang tinh thần của một đứa trẻ 5 tuổi là sự tò mò, mong muốn tìm hiểu, mọi thứ đều là kiến thức thì người học có thể tiếp nhận, cởi mở hơn trước thông tin.
Còn khi là tờ giấy trắng, thầy cô sẽ không mang ý niệm nào đó vào đánh giá cái này cái nọ mà sẽ xem có cái gì hay không để mình tiếp thu.
Khi học, ông Hiếu cũng mong muốn thầy cô quay lại với thời vừa ra trường, chuẩn bị đứng lớp ngày đầu tiên; mong giáo viên xem mình như là lần đầu tiên tiếp xúc với nghề dạy.
Trước câu hỏi giáo viên mới ra trường khác với giáo viên "cũ" đã đi dạy lâu năm thế nào? TS Nguyễn Chí Hiếu trải lòng, dạy học là nghề vô cùng vất vả, đặc biệt trong bối cảnh của Việt Nam xã hội mong đợi nhiều thứ từ người thầy, những guồng quay công việc làm người thấy mệt mỏi và ngại học tập.
Còn giáo viên mới ra trường chưa tiếp xúc nhiều với thực tế, họ mang nhiều ước mơ, hoài bão của sức trẻ, thanh xuân. Người thầy lâu năm quay lại thời mới ra trường cũng là cách để xem ước mơ, lửa dạy còn đâu đó trong mình hay không.
Tuy nhiên, để giáo viên xem mình như "tờ giấy trắng" luôn là chuyện không dễ dàng. Ông Hiếu phân tích, bản chất của việc học là học rồi lại cởi bỏ, rồi lại học. Nếu không khó thì không đáng để làm. Chỉ khi, người thầy hiểu rằng "khó đấy nhưng tôi sẽ làm" thì họ mới dạy được tinh thần đó cho học sinh.
3 căn tính của người dạy học
Với kinh nghiệm giảng dạy hơn 5.000 học sinh và đào tạo hơn 25.000 giáo viên, TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ ông tự rút ra được 3 căn tính của người dạy.
Thứ nhất người dạy là một người đồng học. Người thầy học cùng học sinh, đó chính là đang dạy.
Thứ hai, người dạy là người chữa lành. Mỗi đứa trẻ đến với chúng ta có một lịch sử trước đó về quan hệ gia đình, bạn bè, ước mơ hoài bão, có những nỗi sợ hãi và còn rất nhiều thứ khác.
Nếu giáo viên chỉ quan tâm dạy cho xong giáo án mà không kết nối và thay đổi trẻ thì không thể chữa lành con người bên trong đứa trẻ.
Thứ ba, người dạy học là người bắt đầu. Dù là người nhiều kinh nghiệm, là thạc sĩ, tiến sĩ này kia nhưng với việc học với mỗi người luôn bắt đầu để học lại, làm lại để có tinh thần cởi mở, tìm đến tri thức thay cho việc "tôi chỉ biết thế này", "nhiệm vụ tôi chỉ có thế đó".
Sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004 cho rằng nếu chỉ đặt câu vì sao tôi là một giáo viên, vì sao tôi bước vào lớp mỗi ngày, vì sao tôi chọn nghề này để đi đến cả đời của mình thì chưa chắc là con đường trọn vẹn.
Người thầy cần nhất là xác định được vai trò của tôi với học sinh, sứ mệnh của tôi là gì, căn tính của tôi là gì, mỗi lần tôi tiếp xúc với một đứa trẻ tôi đã làm gì với nó, kể cả khi tôi có một giáo án đầy đủ hay cả khi không có giáo án trên tay.
Khi đó, phương pháp này kia sẽ không còn nhiều ý nghĩa vì chúng ta đã quay về bản chất rất nhân văn của con người.
Một khi giáo viên xác định được tôi là người đồng học cùng học sinh, học sinh có thể biết nhiều hơn tôi thì đó là lúc họ có thể tự đi tìm phương pháp. Còn không, người ta sẽ chỉ làm mọi việc như một cái máy hơn là xuất phát từ bên trong.
TS Nguyễn Chí Hiếu cho hay người thầy hay bất cứ nghề nghiệp nào sẽ đạt đến "Nhất nghệ tinh - nhất thân vinh" nếu xác định được căn tính của mình. Người thầy không chỉ thay đổi đứa trẻ về tri thức, điểm số mà thay đổi đứa trẻ bên trong tâm hồn.
Đau với chữ "vội" trong giáo dục
Có cơ hội ở khắp thế giới nhưng TS Nguyễn Chí Hiếu chọn về Việt Nam hoạt động giáo dục. Ở đất nước mình, ông mang hai nỗi đau đáu về giáo dục.
"Tôi rất ít thấy hình ảnh đứa trẻ của chúng ta điềm tĩnh, lắng đọng với việc học", TS Nguyễn Chí Hiếu.
Thứ nhất là chữ "vội". Theo ông, mọi người, kể cả nhà trường, thầy cô dù không phải tất cả nhưng thường vội, rất vội. Vội trong việc dạy học sinh, vội trong việc mong trẻ đạt được cái gì đó. Mọi người vội dạy cho thật nhiều vào, vội cho ra được kết quả, vội vàng cho ra điểm số.
"Chính vì vậy làm cho đứa cũng vội. Tôi rất ít thấy hình ảnh đứa trẻ của chúng ta điềm tĩnh, lắng đọng với việc học", ông Hiếu tâm tư.
Theo ông, mục tiêu là tốt, không sai nhưng như cũng một con ngựa, có 8 - 9 tròng mà tròng nào cũng muốn nó chạy theo hướng đó thì rất khổ sở. Ăn kem vội sẽ không tận hưởng được cái ngon việc ăn kem; đi hẹn hò, xem phim vội cũng không tận hưởng được cái hay của hẹn hò, xem phim. Học cũng vậy, học mà vội thì làm sao tận hưởng việc học.
Thứ hai, là mọi người tập trung quá nhiều vào mục tiêu ngắn hạn như điểm số, thi cử. Khi có quá nhiều mục tiêu ngắn hạn làm cho người ta quên đi giá trị thật sự bền vững của giáo dục. Giá trị của giáo dục không phải là chạy theo kiến thức, kỹ năng mà là xây dựng một con người; giáo dục là để xây dựng một con người chứ không phải là một cỗ máy học. Một con người sống có giá trị, sống tử tế, sống có niềm tin, lạc quan và biết đối nhân xử thế.
TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng các môn học chưa chắc đã mang đến được điều mà một đứa trẻ cần.
Điều gì từ người thầy có thể "chạm" đến học trò.
Đó là khi chúng ta ngừng nghĩ "giáo viên" và "học trò" mà nghĩ giữa một con người và một con người. Khi sống cuộc đời một con người, có phải chúng ta muốn hiểu về con người kia, người kia hiểu mình, cùng hiểu và hỗ trợ nhau, cùng xây dựng các giá trị tốt đẹp? Điều này khác và tốt hơn nhiều khi người thầy nghĩ tôi chỉ dạy học sinh môn này, kiến thức này.
Tốc độ phát triển của xã hội ngày càng nhanh, câu hỏi ngày càng nhiều, công cụ này càng nhiều. Nếu không có giá trị nền tảng sẽ dẫn đến việc học sinh ngày càng mệt mỏi, giáo viên cũng ngày càng rũ rượi. Dù phương pháp và công nghệ có nhiều đến đâu cũng không thể thiếu sự kết nối giữa một con người với một con người bằng sự thấu hiểu, đồng cảm.
Giáo dục phản ánh xã hội và xã hội phản ánh giáo dục, mối tương quan giữa giáo dục và xã hội sẽ luôn tồn tại. Những vấn đề của xã hội như lo âu, đạo đức... luôn muốn giáo dục giải quyết. Bản thân giáo viên phải gồng gánh những mong đợi, bất an, ước mơ của phụ huynh và xã hội.
Sau Covid-19, nhiều ngành nghề vất vả nhưng riêng nghề giáo, người thầy phải mặt với nhiều áp lực. Họ sẽ không chỉ dạy cầm bút, dạy chữ mà còn phải giải quyết các vấn đề tương tác, kết nối cho học trò cũng như sức khỏe tinh thần có thể bất ổn của trẻ sau đại dịch.
TS Nguyễn Chí Hiếu.