Sĩ tử cố "nhồi nhét" kiến thức trước ngày thi tốt nghiệp THPT

Văn Hiền

(Dân trí) - Chỉ còn 1 ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ chính thức bắt đầu. Đây là kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách của các si tử. Lo lắng, hồi hộp… là tâm lý của nhiều học sinh và bậc phụ huynh.

Sĩ tử cố nhồi nhét kiến thức trước ngày thi tốt nghiệp THPT  - 1

Lo lắng, hồi hộp… là tâm lý của nhiều học sinh và bậc phụ huynh trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2021. (Ảnh minh họa)

Tận dụng thời gian cuối cùng

Một năm học đầy biến động khi dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, học online, ôn luyện cũng online nhưng ngày mai các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời. Tâm lý hầu hết của các em sẽ là lo lắng, là hồi hộp… không biết liệu mình có đỗ vào trường đó hay không? Không biết mình đã ôn tập kỹ kiến thức hay chưa? Rất nhiều câu hỏi, những lo âu của các em được đặt ra. 

Tự đặt ra mục tiêu cao cho bản thân, em Bùi Thanh Loan, Trường THPT Lý Thánh Tông ( Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: "Mong muốn của em là đỗ vào Trường Đại học Ngoại Thương, ngành Tài chính - Ngân hàng cho nên ngay khi vào năm học 2020 - 2021, em đã phải cố gắng nỗ lực rất nhiều cho việc ôn luyện. Đến thời điểm hiện tại, dù chỉ còn 1 ngày nhưng em vẫn "nhồi nhét" sao cho hết những kiến thức đã học trước khi vào phòng thi. Bài vở, lịch học quá nhiều khiến em không còn có thời gian cho sở thích cá nhân hay đơn giản để nghỉ ngơi. Điều em hy vọng là các bài thi sẽ đạt kết quả cao nhất để có thể đỗ đúng nguyện vọng mong muốn".

Lê Thị Kim Khánh, học sinh Trường THPT Văn Lâm (Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) tâm sự."Em rất lo lắng vì kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 là mốc quan trọng nhất của cuộc đời, đây là cơ hội để chứng minh bản thân mình đã nỗ lực ra sao trong suốt 12 năm đèn sách cũng như việc mình cố gắng để vươn tới ước mơ. Không những vậy, kỳ thi còn là sự kỳ vọng của biết bao người ở phía sau đã động viên, lo lắng mình nữa".

Là thí sinh tự do từng thi trượt đến 2 lần, kỳ thi năm nay là sự quyết định đối với Nguyễn Nam Phương (2000, Trường THPT Sơn Động số 1, Sơn Động, Bắc Giang) cho hay: "Năm 2020, mình đã đăng ký thi vào trường Sỹ quan chính trị lần thứ 2 với tổng số điểm là 28,25 điểm. Tuy nhiên, may mắn không mỉm cười khi điểm chuẩn của ngành đó là 28.5 điểm. Để có thể chuẩn bị tốt cho kỳ thi lần thứ 3, mình đã học rất chăm chỉ và miệt mài, mọi người hay nói ngày cuối là để nghỉ ngơi và thư giãn, nhưng với mình thì dù chỉ còn 1 phút cũng phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều. Mình không mong muốn bản thân sẽ thi trượt một lần nữa".

Khác với tâm lý lo lắng, hồi hộp của nhiều bạn học sinh thì em Trần Duy Phát, Trường THPT Nhân Việt (Hòa Thanh, Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Em không đặt nặng về việc phải đỗ vào trường top đầu, hay phải đạt điểm cao. Sức học của mình đến đâu thì bản thân mình phải tự hiểu rõ nhất, em đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Trước ngày thi, em luôn tạo cho mình một tâm lý thoải mái nhất, ôn tập là cả một quá trình nên không cần thiết phải học quá nhiều".

Hồi hộp, lo lắng… chuyện bình thường

Cô Lê Thu May, giáo viên Hóa Học, Trường THPT Hiệp Hòa số 3 (Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết: "Các em phải hiểu rằng, đã đi học là phải trải qua kỳ thi. Bài thi là kết quả để đánh giá nỗ lực, trình độ nhận thức của từng học sinh. Kết quả thi phản ánh khả năng của từng học sinh, người vào đại học, người học cao đẳng, người đi học nghề… Đây là dấu mốc cực kỳ quan trọng trong cuộc đời của các em.

Tuy nhiên, các em không nên suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng tới sức khỏe, giảm khả năng ôn tập dẫn tới kết quả thi sắp tới không tốt. Hãy biến hồi hộp, lo lắng, run sợ,… trở thành động lực tích cực suy nghĩ tốt hơn về kỳ thi".

Anh Hoàng Trung Kiên ( Phụ huynh Bùi Thanh Loan) chia sẻ: "Gia đình không đặt kỳ vọng, đặt áp lực lên con. Kỳ thi là của con, việc của bố mẹ là làm chỗ dựa vững chắc, làm động lực cho con. Dù là không đỗ theo nguyện vọng thì bố mẹ vẫn luôn dang rộng đôi tay để chào đón con. Khi cánh cửa này khép lại, thì chắc chắn sẽ có cánh cửa khác mở ra, nên chỉ mong sao con có thể bình tĩnh tự tin và hoàn thành bài thi tốt nhất có thể".

"Làm thế nào để ổn định tâm lý trước khi vào thi? Nhiều bạn học sinh đã hỏi mình rất nhiều lần về câu hỏi này. Đề thi dù khó hay dễ sẽ tạo cho chúng ta cảm giác căng thẳng, đó không phải là vấn đề mà các em cần quan tâm. Chỉ cần cố gắng làm hết sức có thể, tự tin vào những kiến thức mà mình đã được học.

Không nên hoang mang khi nghe các bạn làm đề ngay sát ngày thi, không cần thiết phải xem trực tiếp hay xem lại những video thi nhồi nhét quá nhiều kiến thức áp lực. Các em chỉ cần "Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến", điều này sẽ giúp ích cho các em có được một tâm lý thật sự tốt để bước vào kỳ thi một cách tốt nhất", thầy Lê Đăng Khương chia sẻ.

Có thể thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 là một dấu mốc quan trọng của mỗi học sinh. Mười hai năm đèn sách sẽ được thể hiện trên giấy trắng mực đen, vào điểm số của kỳ thi lần này. Kết quả của kỳ thi là thành quả mà các em đã nỗ lực cố gắng hết mình trong cả một năm học biến động vì dịch bệnh Covid-19. Nhưng dẫu kết quả có thế nào, thì những gì các em đạt được đã cho thấy được sự trưởng thành của các em.