Quốc tế hóa trong công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ Á - Âu

Quang Trường

(Dân trí) - Ngày 3/10, Hội thảo khoa học quốc tế "Tăng cường năng lực quốc tế hóa giáo dục đại học trong lĩnh vực vấn đề công nhận văn bằng - chuyển đổi tín chỉ giữa các nước châu Âu và châu Á" đã được diễn ra.

Hội thảo do Trường ĐH Hà Nội phối hợp với Dự án Hợp tác khu vực trong lĩnh vực công nhận văn bằng giữa các nước châu Á (RecoASIA) tổ chức.

Quốc tế hóa trong công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ Á - Âu - 1
150 đại biểu và khách mời đến từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục đại học trong nước và quốc tế (Ảnh: Anh Tuấn).

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ phương pháp tiếp cận các thủ tục đánh giá và công nhận văn bằng trên bình diện quốc gia và quốc tế; Thảo luận giải pháp đảm bảo chất lượng và sự công bằng trong công nhận văn bằng;

Các giải pháp hỗ trợ thường xuyên cho hoạt động quốc tế hóa và công nhận các văn bằng tốt nghiệp ở châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới; công bố các kết quả nghiên cứu của dự án RecoASIA.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Văn Trào - Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục đại học ngày càng sâu rộng, các trường đại học cần không ngừng nâng cao năng lực thể chế trong công nhận văn bằng, chứng chỉ quốc tế.

Hệ thống giáo dục đại học của các quốc gia trên thế giới rất khác nhau, vì vậy mỗi quốc gia sẽ xây dựng và áp dụng quy trình riêng trong việc công nhận văn bằng.

Quốc tế hóa trong công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ Á - Âu - 2
PGS. TS Nguyễn Văn Trào phát biểu khai mạc (Ảnh: Anh Tuấn).

Dự án RecoASIA là nền tảng và cơ hội hiếm có để các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ châu Á và châu Âu cùng trao đổi, chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này.

PGS. TS Nguyễn Văn Trào cho rằng, hội thảo góp phần nâng cao năng lực công nhận văn bằng, tăng cường hợp tác giữa các trường thành viên, để có thể thúc đẩy hơn nữa hoạt động trao đổi sinh viên giữa châu Âu và châu Á.

Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, kể từ năm 2019 đây là hội thảo quốc tế đầu tiên của dự án RecoASIA.

Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc tới việc dạy và học trên toàn thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững số 4 (Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người).

Trong bối cảnh đó, vào năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã thông qua ngân sách mới cho chương trình Erasmus+ (chương trình của hỗ trợ về giáo dục, đào tạo và thể thao cho giới trẻ châu Âu). Theo đó, từ năm 2021 đến 2027, Erasmus+ sẽ chi 26,2 tỷ Euro trên toàn cầu, trong đó sử dụng 30% để đầu tư vào các dự án hợp tác và các hoạt động phát triển chính sách.

Quốc tế hóa trong công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ Á - Âu - 3
Ông Giorgio Aliberti phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Anh Tuấn).

"Giáo dục đại học được xác định là trách nhiệm chung của 27 quốc gia thuộc EU. Vì vậy, EU luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực trao đổi, hợp tác học thuật, cam kết thúc đẩy giáo dục đại học ngày càng phát triển", ông Giorgio Aliberti nói.

Hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 03/10 đến ngày 06/10. Có 10 báo cáo tham luận của 10 chuyên gia, trong đó có 1 chuyên gia người Việt Nam và 9 chuyên gia người nước ngoài được trình bày.

Một số nội dung chính được thảo luận như: Giới thiệu về dự án RecoASIA; Hệ thống giáo dục đại học của các nước châu Âu, châu Á và Việt Nam; Các vấn đề công nhận văn bằng - chuyển đổi tín chỉ ở các nước;

Các quy tắc công nhận văn bằng - chuyển đổi tín chỉ ở các nước châu Á; Công nhận văn bằng đối với người tị nạn; Công ước toàn cầu về công nhận văn bằng liên quan đến giáo dục đại học ở châu Á; Công ước Lisbon và Công ước Toàn cầu; Quản lý tài chính dự án RecoASIA.