Phó Thủ tướng: "Nên có cách thức hỗ trợ để mọi người thấy vui với việc học"
(Dân trí) - Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới giáo dục, điều quan trọng nhất hiện nay là phải làm sao để mọi người dân, từng đơn vị thấy nhất thiết phải học tập, thấy vui khi học.
Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo: "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập" do Hội Khuyến học phối hợp với Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 24/5.
Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, hội khuyến học các tỉnh, thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học giáo dục…
Làm sao cho mọi người thấy "cần học", "thích học"
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là hoạt động rất thiết thực, tiếp theo buổi làm việc trước đó của Hội Khuyến học Việt Nam với Bộ GD-ĐT, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thi đua - Khen thưởng TƯ. Hai hoạt động tiếp nối này có ý nghĩa quan trọng để thực hiện Quyết định 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030".
Phó thủ tướng nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới giáo dục, điều quan trọng nhất hiện nay là phải làm sao để mọi người dân, từng đơn vị thấy nhất thiết phải học tập. Giải pháp đầu tiên vẫn là tăng cường việc tuyên truyền, tăng cường nhận thức về xây dựng xã hội học tập. Cần làm sao cho người dân thấy rằng, nếu không học thì những người đang làm việc có thể sẽ không có việc làm ổn định, không có thu nhập nữa. Với người làm trong bộ máy, nếu không học, không đáp ứng được yêu cầu công việc, thậm chí có thể không còn được giữ cương vị hiện tại.
Bên cạnh đó, phải để mọi người cảm thấy thích học bằng việc làm thật tốt công tác tôn vinh những người có kiến thức, hiểu biết, những người giỏi trong xã hội. "Tôn vinh có thể chưa cần bằng giấy khen, huân huy chương mà đầu tiên là bằng việc đánh giá cao và tạo điều kiện để những người học nhiều được mang kiến thức của mình ra đóng góp cho xã hội. Ở các nước phát triển, họ đã làm điều này rất tốt", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong việc khuyến khích học tập, nên có cách thức hỗ trợ để mọi người thấy vui với việc học. Trước đây, chúng ta đã làm điều này với Chỉ thị tăng cường hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động trên chỉ được khơi dậy trong một đợt, sau đó có rất nhiều trung tâm phát huy không tốt. Hội Khuyến học đã đưa ra con số giật mình: Trên 80% các trung tâm này hoạt động không thực chất, không tốt. Đây là điều cần nhìn thẳng và thay đổi.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngoài làm sao cho mọi người thấy "cần học", "thích học", cũng phải làm sao để người dân có thể học được. Đây là điểm phải làm đầu tiên.
"Tôi đã rất nhiều lần họp với Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và nhiều bộ, ngành, ngoài việc xây dựng pháp luật chung thì phải có các cơ chế chính sách rất cụ thể để hệ thống giáo dục của chúng ta thực sự là một hệ thống mở. Làm sao cả hệ thống trường nghề của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý, lẫn hệ thống các trường và các trung tâm thuộc Bộ GD-ĐT quản lý không có sự phân biệt. Tất cả đều là các cơ sở giáo dục, chúng ta phải phát huy tốt nhất có thể. Những gì liên quan vướng về cơ chế thì các Bộ phải cùng nhau tháo gỡ", Phó thủ tướng nói.
Ông cũng nhấn mạnh, cần có những điều kiện quy định bằng pháp luật để các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động, cán bộ công nhân viên tiếp tục học tập.
Tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục cho mọi người
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào việc đầu tư phát triển giáo dục hiện đại, thể hiện trong chiến lược phát triển một xã hội học tập. Và về bản chất, đó là một ngành giáo dục mở, tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục cho mọi người, cũng như tạo cơ hội để phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực cá nhân, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, ở Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ. Đây là cơ sở cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, là tiền đề quan trọng để xây dựng các mô hình học tập trong các đơn vị học tập, gia đình học tập, cộng đồng học tập, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về khuyến học, khuyến tài, thúc đẩy cuộc vận động xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ mới.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị thời gian tới, Hội Khuyến học Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban ngành quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo "đối mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo"; hướng vào mục tiêu cốt lõi, bao trùm là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo con người cả về phẩm chất, kỹ năng cần thiết để giúp con người tự học, học tập suốt đời, đáp ứng trình độ phát triển của đất nước trong mỗi giai đoạn cụ thể, lĩnh vực cụ thể.
Đồng thời, xây dựng mô hình "Công dân học tập" có nhân cách, đạo đức, lối sống, có trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội; có ý thức dân tộc, khát vọng cống hiến chấn hưng đất nước; có năng lực đổi mới, sáng tạo, tự chủ, làm chủ, vượt qua thách thức; có tri thức khoa học công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách.
Gắn với giải pháp thực hiện 2 mô hình: "Công dân học tập" và "Đơn vị học tập"
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho biết, nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển đất nước, tuy vấn đề nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ được Đảng ta quan tâm đặc biệt, song các chỉ tiêu về nhân lực chất lượng cao hầu như chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng xã hội học tập 2021 đã chỉ ra có tới 3/4 chỉ tiêu không hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao.
GS Doan nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp 4.0 với 3 trụ cột chính là kỹ thuật số, khoa học công nghệ và tự động hóa. 3 trụ cột này đang tác động toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội từng gia đình, từng con người, đặc biệt là đến thị trường lao động.
Trong cách mạng 4.0, nhân công giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh, thị trường lao động sẽ bị phân hóa mạnh mẽ. Tất cả các nhóm lao động từ trình độ thấp đến trình độ cao đều bị đe dọa về việc làm. Nếu không được trang bị các kỹ năng cần thiết, mang tính sáng tạo thì người lao động sẽ không tìm được chỗ đứng của mình vì các lĩnh vực của nền kinh tế đều chủ yếu sử dụng lao động có các kỹ năng thuần thục (cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm).
Và nếu không nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua đổi mới nhận thức của các cấp và người lao động, đổi mới giáo dục - đào tạo, trước tiên là đào tạo nghề và sự nỗ lực học tập của từng người thì chúng ta sẽ tự đào thải mình.
Theo Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nhiệm vụ của hội thảo là phân tích, làm rõ thực trạng của chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ ở tất cả lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội; làm rõ mối quan hệ giữa yêu cầu chất lượng nhân lực với 10 tiêu chí đưa ra; xác định các giải pháp nhằm thực hiện tốt 3 năng lực cốt lõi của công dân học tập với 10 kỹ năng cụ thể.
Ngoài các giải pháp, các nhóm thuộc chính sách để kích thích người lao động, GS Doan đề nghị các nhà khoa học tham dự hội thảo phân tích và gắn với giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua thực hiện 2 mô hình: "Công dân học tập" và "Đơn vị học tập". Đây là giải pháp mới, chưa được đề cập ở các cuộc hội thảo trước đây.
Tại hội thảo, các đại biểu đã có những báo cáo tham luận về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập.
Qua các ý kiến tại hội thảo, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành làm tốt hơn nữa việc tạo điều kiện thuận lợi để người lớn học tập, từ xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để hệ thống giáo dục mở thực sự, phát huy tối đa các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, cho đến chương trình để người lao động được học tập thuận lợi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Đồng thời cần lưu ý đến những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội như người khuyết tật, người có khó khăn, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.