Nữ sinh gần 10 năm đến trường trên đôi chân của mẹ

Thanh Tùng

(Dân trí) - Bị khuyết tật bẩm sinh, Thùy không đi lại được như bạn bè cùng trang lứa. Gần 10 năm qua, em đến trường trên đôi chân của mẹ.

Nguyễn Thị Thùy là con út trong gia đình có 3 anh em ở vùng quê miền biển thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thùy năm nay 17 tuổi, là cựu học sinh lớp 12A3, Trường THPT Hậu Lộc 4.

Nữ sinh gần 10 năm đến trường trên đôi chân của mẹ - 1

Bị khuyết tật bẩm sinh, đôi chân của Thùy bị co quắp, không thể đi lại được bình thường (Ảnh: Thanh Tùng).

Do bị nhau thai quấn chân nên khi sinh ra đôi chân của em đã bị dị tật, co quắp, không thể duỗi ra được. Ngày sinh Thùy, cả gia đình như sụp đổ khi nhìn cô bé nằm trên giường với đôi chân dị thường.

Gần 10 năm đến trường trên đôi chân của mẹ

Thương em, nhiều lần gia đình đưa đi chữa trị nhưng không khỏi. Kể từ đó, tuổi thơ của Thùy gắn với 4 bức tường trong căn nhà nhỏ nằm dưới triền đê. Không có những buổi chiều vui chơi cùng chúng bạn, có những lúc em buồn tủi trước số phận của mình.

Nữ sinh gần 10 năm đến trường trên đôi chân của mẹ - 2

Đôi chân của Thùy co quắp, mặc dù đã chữa trị nhưng không thể khỏi được (Ảnh: Thanh Tùng).

"Đã có lúc em tự ti về bản thân, em sinh ra đã không được may mắn như các bạn. Em đã từng nghĩ vì sao các bạn may mắn có một đôi chân hoàn hảo, tại sao cuộc sống lại bất công với em như vậy, những lúc như thế em chỉ biết khóc một mình", Thùy chia sẻ.

Nữ sinh gần 10 năm đến trường trên đôi chân của mẹ - 3

Vượt qua khiếm khuyết cơ thể, Thùy luôn nỗ lực trong học tập (Ảnh: Thanh Tùng).

Vượt qua những khiếm khuyết của bản thân, Thùy luôn nỗ lực trong suốt quá trình học tập. Nói về hành trình đến lớp của con gái, bà Bùi Thị Tới cho biết, gia đình chưa từng nghĩ Thùy có thể học hết lớp 12.

"Từ nhỏ, do bị dị tật bẩm sinh, Thùy không được đến lớp học như các bạn cùng trang lứa. Năm cháu 8 tuổi, tôi đưa con đến lớp học tình thương của bà giáo Thông ở gần nhà, với hy vọng con xóa mù chữ", bà Tới tâm sự.

Nữ sinh gần 10 năm đến trường trên đôi chân của mẹ - 4

Bà Bùi Thị Tới khóc nghẹn mỗi khi nhắc về con gái (Ảnh: Thanh Tùng).

Ở lớp học tình thương, mặc dù khiếm khuyết đôi chân, nhưng Thùy thông minh vượt trội. Sau 3 năm theo học lớp tình thương, bà giáo Thông nhận thấy Thùy đã nắm vững kiến thức bậc Tiểu học nên đã xin cho cô học trò khuyết tật vào học tại Trường THCS xã Ngư Lộc. 

Theo bà Tới, để hỗ trợ con gái đi học, gần 10 năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, bà đều đặn dùng xe đạp đưa đón con gái đến trường.

Nữ sinh gần 10 năm đến trường trên đôi chân của mẹ - 5

Thùy chụp ảnh kỷ yếu cùng bạn bè (Ảnh: Thanh Tùng).

Bà Tới nhớ như in những kỷ niệm vui buồn mà hai mẹ con đã trải qua trong suốt từng ấy năm đưa con đến trường. "Vì không biết đi xe máy nên tôi phải dùng xe đạp để chở con. Ngày học cấp 2 thì còn gần nhà. Đến khi vào cấp 3 thì vất vả lắm. Từ nhà đến trường mất khoảng 20 phút đạp xe, những ngày nắng hai mẹ con về đến nhà thì mồ hôi đầm đìa, ngày mưa ướt cả người", bà Tới nói.

Cũng theo bà Tới, do đặc thù công việc nghề biển, bố của Thùy là ông Nguyễn Văn Thông thường xuyên vắng nhà. Hằng ngày bà Tới hay đi bóc vỏ tôm và cắt cá thuê cho các đại lý hải sản gần nhà, mỗi ngày cũng được từ 100-150 nghìn đồng. Có những hôm phải dậy từ rất sớm để nấu ăn sáng, đưa con đi học rồi mới bắt đầu đi làm. Trưa đến, bà lại vội vã đạp xe đến trường đón con về.

Nữ sinh gần 10 năm đến trường trên đôi chân của mẹ - 6

Gần 10 năm qua, bà Tới đón đưa con gái đi học trên chiếc xe đạp cũ kỹ (Ảnh: Thanh Tùng).

"Từ khi sinh Thùy đến nay, tôi không thể làm được công việc gì khác. Vì con không thể đi lại được nên phải tranh thủ làm gần nhà để tiện chăm sóc con. Nhiều lúc đến trường, nhìn bạn bè chạy nhảy mà con gái thì chỉ ngồi ở phòng nhìn ra đợi mẹ, những lúc như thế tôi thương con lắm", bà Tới chia sẻ.

Những vất vả của bà Tới và nghị lực vượt qua khiếm khuyết bản thân của Thùy đã được đền đáp. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Thùy xuất sắc đạt 25,5 điểm khối C00 với môn ngữ văn 8,75; lịch sử 8,5 và địa lý 8,25 điểm.

Chia sẻ về dự định tương lai, Thùy cho biết từ nhỏ em đã có ước mơ làm cô giáo. Nhưng vì những khiếm khuyết bản thân nên em đã lựa chọn nghề khác. Trong đợt vừa qua, mặc dù có kết quả 3 môn khối C00 cao, nhưng em không xét tuyển đại học vì em đã đậu vào khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Hà Nội bằng hình thức xét tuyển học bạ từ trước kỳ thi.

Nữ sinh gần 10 năm đến trường trên đôi chân của mẹ - 7

Nữ sinh cho hay, lựa chọn ngành công nghệ thông tin vì thấy phù hợp với bản thân (Ảnh: Thanh Tùng).

Nữ sinh cho hay, lựa chọn vào ngành công nghệ thông tin sẽ phù hợp hơn với bản thân vào lúc này. Tuy nhiên, nhìn về quãng thời gian sắp tới khi bước vào giảng đường đại học khiến em lo lắng nhiều hơn niềm vui.

"Mẹ đã theo em suốt thời gian đi học. Em vào đại học cũng từ đôi chân của mẹ. Thời gian tới, không có mẹ bên cạnh em rất lo lắng. Rồi chẳng còn ai đưa đón em mỗi ngày, tất cả em phải tự vận động ở một môi trường mới hoàn toàn xa lạ. Gia đình em thì không khá giả gì, bao năm nay mẹ đã vất vả nhiều rồi, giờ không biết có thể gắng gượng để nuôi em ăn học được nữa hay không, em thương mẹ nhiều lắm", nữ sinh chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Luân - Trưởng thôn Nam Vượng chia sẻ, gia đình nữ sinh Nguyễn Thị Thùy thuộc hộ khó khăn nhất trong thôn, nhiều năm trong diện nghèo hoặc cận nghèo.

"Cả xã khi nhắc đến Thùy ai cũng thương cháu. Mặc dù bị khuyết tật nhưng cháu rất chăm ngoan, luôn nỗ lực vươn lên, đạt thành tích học tập cao. Tuy nhiên, mấy năm trước anh trai của Thùy bất ngờ bị vấn đề về thần kinh nên chỉ nằm ở nhà, gia đình càng vất vả. Tương lai của cháu rồi chẳng biết có thể theo học được nữa không, hy vọng các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ cháu", ông Luân nói.