Nỗ lực giảm tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh

(Dân trí) - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 5 tháng đầu năm 2020 (15/12/2019 - 14/5/2020), cả nước có 5.508 vụ tai nạn giao thông, trong đó 2.667 người chết, 3.965 người bị thương.

Nếu so với 5 tháng đầu năm 2019, số vụ đã giảm 18,75% (tương đương 1.271 vụ), số người chết giảm 14,74% (giảm 461 người), số người bị thương giảm 1.289 người (tương đương với 24,53%). Tuy số ca TNGT có giảm so với năm ngoái nhưng tình hình trật tự giao thông nhìn chung vẫn diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt số ca tai nạn giao thông xảy ra ở độ tuổi vị thành viên, điển hình là lứa học sinh cấp 3 còn nhiều lo ngại.

Nỗ lực giảm tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh - 1

Học sinh cấp 3 có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em 

Theo thống kê, trung bình mỗi năm có tới 2.000 trẻ em thiệt mạng vì TNGT trên cả nước. Số liệu của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia năm 2017 cho biết: Học sinh cấp 3 có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng, cụ thể tỷ lệ tử vong là 7,39/100.000 học sinh.

Những tháng đầu năm 2020, cả nước cũng ghi nhận nhiều vụ tai nạn thương tâm, mà nạn nhân là những em học sinh vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Nguyên nhân nào khiến tỷ lệ tai nạn giao thông ở trẻ em gia tăng?

Trước đây, học sinh phần lớn đến trường bằng xe đạp hoặc phương tiện công cộng như xe buýt. Tuy nhiên với sự phát triển của xã hội, nhiều gia đình dần đầu tư cho con hơn bằng việc sắm những chiếc xe máy điện, xe đạp điện. Nếu đến bãi gửi xe của các trường THPT hiện nay sẽ thấy, số lượng xe đạp cực kỳ ít ỏi.

Nỗ lực giảm tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh - 2
Phương tiện giao thông cá nhân như xe máy điện ở lứa tuổi học sinh ngày càng nhiều

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Bách khoa TP. HCM dựa trên 2.300 học sinh, hơn 1.000 phụ huynh, gần 2.500 hộ gia đình, cộng với khảo sát hạ tầng của các trường học trên địa bàn TP Hà Nội: Chỉ 2% số học sinh THCS và 4% học sinh bậc THPT ở Hà Nội sử dụng xe buýt đi đến trường. Nếu như phần lớn học sinh tham gia giao thông ở độ tuổi 15 đều sử dụng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ tới trường (chiếm 67%) thì học sinh THPT lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện di chuyển thông dụng, với tỉ lệ lên tới 52%.

Cũng theo nghiên cứu tỷ lệ TNGT (vụ/học sinh), trong số các TNGT liên quan tới nhóm học sinh THPT, thì có tới 55% là do xe máy điện. Nghĩa là cứ 2 học sinh thì có 1 học sinh có xảy ra TNGT liên quan tới xe đạp điện và xe máy điện.

Thực tế, học sinh ngày này chỉ được bố mẹ dạy cho cách điều khiển những chiếc xe máy, xe đạp điện đắt tiền mà không hề nắm rõ luật giao thông. Nghiên cứu của trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cho thấy, 27% học sinh sử dụng phương tiện cho biết chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách.

Nỗ lực giảm tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh - 3
Giáo dục về luật ATGT cho các em học sinh là điều cần thiết

Các dữ liệu của CSGT cũng chỉ ra vi phạm tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT ở lứa tuổi này. Ngoài ra còn có đi sai làn đường và không quan sát các phương tiện khác. Một số lỗi cơ bản khác mà học sinh THPT mắc phải như: 34% xe môtô không có gương chiếu hậu, với xe máy điện tình trạng này là 81% và với xe đạp điện là 90%.

Ngoài việc không nắm rõ luật giao thông, thì yếu tố nhận thức cũng là nguyên nhân khiến nhiều học sinh gặp phải tai nạn. Tâm lý bốc đồng của tuổi mới lớn khiến các em cho rằng việc bốc đầu, lạng lách là một cách thể hiện cá tính riêng của mình. Từ đó nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, ảnh hưởng không chỉ chính người điều khiển phương tiện mà còn cả những người tham gia giao thông xung quanh.

Để xảy ra tình trạng này thì không thể không nhắc đến trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh. Việc thiếu sót các khóa huấn luyện về an toàn giao thông cũng như kỹ năng lái xe an toàn cơ bản ngay trong trường học và gia đình chính là nguyên nhân gián tiếp khiến tỷ lệ TNGT ở trẻ em ngày một gia tăng.

Làm thế nào để giảm thiểu tai nạn giao thông ở trẻ em?

Muốn giảm thiểu số ca tai nạn giao thông, trước hết chúng ta phải nâng cao nhận thức cho không chỉ học sinh mà cả phụ huynh. Điều này cần có sự kết hợp của cả "gia đình - nhà trường - xã hội". Về phía nhà trường cần tích cực tổ chức các lớp học an toàn giao thông, hướng dẫn học sinh các điều luật đảm bảo an toàn, cách điều khiển phương tiện giao thông đúng cách. Ngoài ra cần các biện pháp xử phạt nếu phát hiện học sinh vi phạm luật giao thông.

Nỗ lực giảm tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh - 4
Các cuộc thi về An toàn giao thông là hoạt động vừa vui vừa bổ ích

Về phía xã hội cần tăng cường các chương trình cộng đồng, truyền tải thông điệp ATGT hữu ích, như "An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai", "Năm an toàn giao thông",… Song song đó, phụ huynh cần có trách nhiệm với con em mình hơn. Trước mắt là việc chỉ cung cấp xe khi thấy con đã thực sự nắm rõ và chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông.

Sự chung tay của cộng đồng sẽ giúp học sinh có ý thức tuân thủ Luật pháp nói chung và Luật giao thông nói riêng. Từ đó giúp giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn, mang lại bình yên cho những con đường đến trường.

Trường Thịnh