Những con số cần lưu ý về chất lượng giáo dục phổ thông, xếp hạng đại học

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Mức đầu tư cho giáo dục có xu hướng tăng đều trong từng năm của giai đoạn 2011-2020, trung bình đạt khoảng 17-18%, có năm gần 19%. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục của Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Đầu tư cho giáo dục của Việt Nam tăng dần đều trong 10 năm

Mức đầu tư cho giáo dục có xu hướng tăng đều trong từng năm của giai đoạn 2011-2020, trung bình đạt khoảng 17-18%, có năm gần 19%.

So với Mỹ (13%), Indonesia (17,5%), Singapore (19,9%) và nhiều quốc gia khác, mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục của Việt Nam không thấp.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi công bố Báo cáo phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020, do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 8/8.

Cụ thể, theo Báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Năm năm 2011-2020 mà GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam công bố tại hội thảo, mức đầu tư cho giáo dục có xu hướng tăng đều trong từng năm của giai đoạn 2011-2020, trung bình đạt khoảng 17-18%, có năm gần 19%, không thấp so với một số quốc gia. 

Những con số cần lưu ý về chất lượng giáo dục phổ thông, xếp hạng đại học  - 1

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Ảnh: T.L).

Dù vậy theo chuyên gia này, mức chi cho giáo dục chưa đạt 20% tổng chi ngân sách mà Luật Giáo dục 2019 đã đề ra. Bên cạnh đó, con số phần trăm nghe thì cao, nhưng khi quy về số tuyệt đối thì thấp.

Chất lượng giáo dục Việt Nam vẫn ở mức thấp

Nhận định chung về chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam, GS Lê Anh Vinh cũng chia sẻ, giáo dục tiểu học thành công trong việc trang bị cho học sinh lớp 5 các kỹ năng đọc, viết và làm Toán cơ bản.

Cụ thể, trong năm học 2013-2014, 70-84% học sinh lớp 5 đạt chuẩn tối thiểu môn Toán (Trắc nghiệm) và Tiếng Việt.

Tuy nhiên, học sinh THCS và THPT không duy trì được tỷ lệ này và gặp nhiều hạn chế trong kết quả học Toán và Tiếng Anh.

Đặc biệt, theo kết quả khảo sát phân tích chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam do GS Lê Anh Vinh công bố, Việt Nam đã đạt những kết quả ấn tượng theo chương trình đánh giá PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).

Tại PISA 2012 và 2015, điểm trung bình của học sinh Việt Nam vượt trội so với học sinh OECD ở tất cả môn, trừ đọc hiểu (2015).

Trong đó, năm 2015 các em thể hiện sự vượt trội với môn Khoa học, khi xếp thứ 8 trên 70 quốc gia. Thứ hạng môn Toán và Đọc hiểu lần lượt đạt 22 và 32.

Tại hội thảo, GS. Lê Anh Vinh cũng đưa ra số liệu cơ sở giáo dục đại học (gồm cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng - trừ cao đẳng nghề, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) tăng mạnh sau năm 2005.

Theo đó, từ sau năm 2010, quy mô đào tạo chỉ tăng nhẹ và giảm ở giai đoạn từ năm 2014-2019. Cụ thể, so với năm 2010, chỉ số phát triển quy mô đào tạo đại học là 105,3%. Tỉ lệ này ở năm 2015 là 53,7% và ở năm 2019 là 52,7%.

Tương tự, so với năm 2010, quy mô sinh viên cũng tăng trưởng mạnh hơn vào năm 2014 (bằng 109,3%). Chỉ số này giảm nhẹ vào năm 2018 (70,2%) và lại tiếp tục nhích lên vào năm 2019 (79%).

Các chỉ số về nghiên cứu khoa học, xếp hạng trường đại học tại báo cáo trên cho thấy, Việt Nam bị bỏ xa so với nhiều nước trong khu vực.

Cụ thể, theo bảng xếp hạng Times Higher Education gần đây, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lọt vào top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới.

Nhưng theo bảng tổng hợp vị trí các cơ sở đại học trong một số bảng xếp hạng top 1.000, Việt Nam vẫn ở vị trí cuối cùng.

Việt Nam chỉ có 2 trường trong top 1.000 trường đại học bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) và 2 trường lọt vào top 1.000 trường đại học bảng xếp hạng THE (xếp hạng Times Higher Education).

Trong khi đó, con số này của Trung Quốc lần lượt là 40 và 63, Vương quốc Anh là 76 và 92, Đức là 45 và 47, Nhật Bản là 44 và 51, Hàn Quốc là 30 và 24…