Nhìn lại "năm học online" 2021: Những giải pháp nổi bật cho giáo dục trực tuyến

Trường Thịnh

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến học sinh, sinh viên 57/63 tỉnh thành không thể đến trường, ngành Giáo dục đứng trước thách thức lớn khi mọi hoạt động dạy và học bắt buộc phải gấp rút chuyển đổi số trong một khoảng thời ngắn.

Giáo dục trực tuyến được kỳ vọng là giải đáp được 3 vấn đề lớn của giáo dục truyền thống: (1) khả năng tiếp cận đội ngũ giáo viên giỏi, (2) chi phí hợp lý, và (3) có khả năng tăng trưởng cao - đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu.

Tối ưu hóa các trải nghiệm học tập cá nhân bằng công nghệ

Ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực giáo dục trở thành xu hướng mới thay đổi phương pháp học truyền thống. Quá trình tương tác của người học với các sản phẩm công nghệ sẽ tạo ra các lộ trình học tập cá nhân hóa, kể đến như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), hội nghị truyền hình (telepresence), DILIVE (livestream 2 thầy 1 trò), công nghệ nhận diện cảm xúc (emotion detection), phân tích sóng não (brainwave),… Việc ứng dụng các công nghệ trên sẽ tạo ra các cơ hội tương tác trong không gian đa chiều, tăng khả năng tiếp cận, xử lý thông tin.

Nhìn lại năm học online 2021: Những giải pháp nổi bật cho giáo dục trực tuyến - 1
Minh họa: Thử nghiệm cô giáo AI của Clevai Math.

Trong số giải pháp về công nghệ hiện đại hỗ trợ tăng mức độ tương tác cũng như sự tập trung của các bạn nhỏ trong giờ học, phải kể đến Cô giáo trợ giảng A.I lần đầu tiên xuất hiện trong giáo dục Việt Nam của startup Clevai Math. Theo ông Trần Mạnh Thắng - Co-founder & CEO Clevai Math:" Cô giáo A.I có nhiệm vụ cổ vũ, động viên cũng như nhắc nhở học sinh tập trung học tập, bên cạnh đó cô giáo A.I sẽ phân tích và dựa vào mức độ tiếp thu kiến thức của học trò sau đó đưa ra những dạng bài tập hợp lý để ôn tập."

Các thầy cô nên giảm thời gian giảng trên lớp học trực tuyến

Muốn dạy học sinh phát triển năng lực, giờ học tích cực là giờ học mà thầy cô tạo thời gian và cơ hội cho học sinh tư duy độc lập, tương tác nhiều. Nói rõ hơn về giải pháp này, trong buổi tọa đàm của Báo Lao Động phối hợp với Trung tâm dịch vụ số MobiFone, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học Bộ Giáo dục và Đào tạo - PGS-TS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: "Các video không cần tốn kém, trong 5, 10 phút gửi học sinh nghiệm thu với những câu lệnh rõ ràng. Như vậy, không phải ngồi trước màn hình để nghe cô giảng. Học sinh có thể chủ động nghe trước, khi lên lớp học trực tuyến giảm thiểu được thời gian ngồi nghe cô giảng bài. 1 tiết học 45 phút có thể rút xuống 30 phút."

Nâng cao chất lượng hệ thống kiểm tra, đánh giá năng lực

Cũng trong buổi tọa đàm trên, Cô Nguyễn Bích Thủy - giáo viên Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đưa ra giải pháp đến từ thực trạng tại ngôi trường mình đang giảng dạy: "Giải pháp nâng cao chất lượng của việc kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến là nhà trường phải cố gắng tạo ra hệ thống quy chuẩn, có lộ trình giám sát, đảm bảo tính trung thực và sự công bằng cho học sinh. Theo đó, thầy cô phải thay đổi, thay đổi hình thức đưa ra câu hỏi kiểm tra, thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá. Từ đó, giảm bớt áp lực cho giám thị trông thi - sợ học sinh gian lận''.

Cân bằng cảm xúc cho học sinh

Chị Bùi Cẩm Vân Hachi - Chủ nhiệm Chuỗi webinar Edtech nổi bật của năm 2021 "TechForStudy - Giải quyết các nhức nhối trong học online" chia sẻ: "Đối với cha mẹ hay thầy cô, đôi khi chúng ta thể hiện sự quan tâm bằng cách hỏi con hôm nay đi học được mấy điểm, có tiếp thu được bài không, có được điểm cao không,... tuy nhiên điều chúng ta nên làm là bỏ qua chủ nghĩa hành vi và thực hành việc bước vào cảm xúc của con để đồng cảm. Ví dụ như hỏi xem hôm nay con đi học có cảm thấy vui vẻ và thoải mái hay không, có gì vui/ không vui với con đã diễn ra trong ngày. Trong thời đại này cảm xúc là một thứ hay bị lãng quên, nhưng có một sự thật rằng chính cảm xúc lại dẫn dắt mọi hành vi của chúng ta. Khi các con có cảm xúc cân bằng thì các bạn sẽ tiếp thu được kiến thức trong bài giảng một cách tốt hơn, đón nhận những gì người lớn dạy với thái độ hợp tác hơn."

Nhìn lại năm học online 2021: Những giải pháp nổi bật cho giáo dục trực tuyến - 2

Thường xuyên đặt các câu hỏi mở

Các câu hỏi mở truyền cảm hứng cho học sinh suy nghĩ sâu sắc và đưa ra nhiều góc nhìn. Không chỉ có một câu trả lời đúng hoặc sai. Các câu hỏi mở giúp học sinh phác thảo một tình huống cụ thể hoặc đặt ra các mối quan tâm và câu hỏi. Th.S Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: "Trong buổi dạy tỉ lệ thuận, tỉ lệ nghịch cho học sinh lớp 5, tôi sẽ hỏi học sinh lấy ví dụ về 2 đại lượng cùng tăng trong thực tế. Học sinh đưa ra rất nhiều ví dụ, tỉ lệ thuận như là học nhiều thì não nhiều nếp nhăn, học nhiều thì càng ngày càng giỏi; tỉ lệ nghịch như tiêm vắc-xin nhiều thì số lượng người chết sẽ giảm. Nói chung là sẽ vô vàn các bạn giơ tay để nói các ví dụ của mình, để tương tác".

Kết

Với rất nhiều công nghệ và giải pháp mới cho giáo dục trực tuyến, mục tiêu sẽ không phải là làm thế nào để từ chối mà là cân bằng giữa công nghệ mới với cuộc sống, giữa việc tương tác trực tuyến và tương tác vật lý, giúp học sinh phát triển toàn diện. Tuy rằng đại đa số các thầy cô vẫn quen với việc dạy học truyền thống và việc học trực tuyến còn nhiều khó khăn, nhưng đây chính là cơ hội để chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục, mà ở đó nhiều giải pháp công nghệ thông minh sẽ giúp xóa bỏ những thực trạng đang gặp phải.