Người đàn ông Ba Na chăm con nhỏ cho vợ đi thi đại học

(Dân trí) - Đợt thi đại học vừa qua, tại hội đồng thi Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định), nhiều bậc phụ huynh đưa con đi thi không khỏi cảm phục gia đình thí sinh khá đặc biệt người Ba Na vượt hàng trăm km đi thi đại học.

Đó là trường hợp vợ chồng anh Đinh Vu (32 tuổi) và chị Đinh Thị Gợi (30 tuổi, người dân tộc Ba Na, xã Chư Glong, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai).

Với ước mơ làm cô giáo dạy trẻ, chị Gợi đăng ký thi khối A và khối M vào hai ngành Giáo viên tiểu học và Giáo viên mầm non, Trường ĐH Quy Nhơn. Khác với những thí sinh khác, người phụ nữ ở tuổi 30 này được chồng và 2 cô con gái nhỏ “hộ tống” đi thi. Trong khi người vợ làm bài thi, người chồng cùng 2 cô con gái ngồi trước cổng trường hồi hộp chờ đợi.

Anh Vu và hai cô con gái nhỏ ngồi đợi vợ thi bên trong
Anh Vu và hai cô con gái nhỏ ngồi đợi vợ thi bên trong.

Anh Vu chị Gợi có tình cảm với nhau từ thời còn học ở trường nội trú ở Gia Lai. Năm 2004, khi chị Gợi còn học lớp 11 thì mẹ mất, cuộc sống khó khăn, chị phải tạm gác giấc mơ làm cô giáo để lên rừng làm nương rẫy.

Còn anh Vu, khi tốt nghiệp lớp 12, thương người yêu vất vả khó khăn, anh tình nguyện cho chị Gợi bắt về làm chồng và sinh được 2 cô con gái. Công việc nương rẫy vốn vất vả, thu nhập lại bấp bênh, anh Vu tiếp tục đi học ngành Quản lý nhà nước tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Gia Lai. Sau khi học xong, anh Vu về công tác tại UBND huyện Kông Chro.

Ngồi đợi vợ đang làm bài thi, anh Vu chia sẻ: “Khi đó mình đi học, một tay vợ cáng đáng công việc gia đình, nuôi con nhỏ. Thấy vợ đầu tắt mặt tối, làm quần quật trên nương rẫy, thương vợ lắm nhưng không giúp được vợ và con nhỏ nên mình chỉ còn cách chăm chỉ học hành để cuộc sống vợ chồng sau này đỡ khổ. Bây giờ cuộc sống tạm ổn, mình khuyên vợ đi ôn thi để thi đại học”.

Chị Gợi cùng chồng con xem lại kết quả bài thi
Chị Gợi cùng chồng con xem lại kết quả bài thi.

Nghe chồng khuyên vậy, năm 2013, gác lại công việc gia đình cho chồng đảm đương, chị Vu cặp sách đến trường học tiếp lớp 12, hệ bổ túc văn hóa để thực hiện ước mơ làm cô giáo của mình.

Trong thời gian chị Gợi làm bài thi bên trong, anh Vu đưa hai cô con gái nhỏ ra ngồi quán cóc trước trường chờ đợi. Vừa lo cho cô con gái nhỏ 2 tuổi đòi mẹ bế, anh Vu vừa hướng mắt vào trường như đang lo lắng không biết vợ có làm bài được không. “Ước mơ thành cô giáo của cô ấy có thành hiện thực không nhờ cả vào kỳ thi lần này. Thế nhưng, kiến thức bỏ lâu quá, thời gian ôn lại ít lại vừa phải lo chồng con nên không nắm chắc. Ba cha con chỉ biết mong vợ, mẹ thi tốt chứ biết làm gì hơn”, anh Vu hồi hộp tâm sự.

Vừa kết thúc môn thi cuối cùng khối A, chị Gợi hướng về phía chồng con, chạy lại âu yếm, vỗ về cô con gái 2 tuổi sáng giờ đòi mẹ bế. Dù kết quả thì không như mong đợi nhưng chị Gợi vẫn cười tươi tâm sự: “Trong 3 môn thi, môn Hóa mình làm bài không tốt lắm, có câu làm được, có câu không. Mình cũng tiếc lắm. Nhưng mà thấy chồng con đứng đợi cả buổi thấy thương quá, không buồn được nữa”.

Chị Gợi cùng chồng con xem lại kết quả bài thi
Sau khi thi xong 2 vợ chồng và con lại đèo nhau bằng xe máy về Gia Lai nghỉ ngơi tiếp tục cho đợt 2 khối M.

Sau khi ngồi nghỉ ngơi, rồi hai vợ chồng và 2 con ra đón xe về quê. Giữa cái nắng như đổ lửa, anh chị vẫy tay chào trong sự cảm phục của những phụ huynh cùng đưa con đi thi. Tiễn gia đình lên đường, những người ở lại ấn tượng mãi với nụ cười tràn đầy hạnh phúc của họ.

Được biết, chỉ ít hôm nữa, chị Gợi sẽ trở lại Quy Nhơn tham dự kì thi khối M vào ngành Giáo dục mầm non. Và có lẽ cũng như lần này, chị sẽ không đơn độc bởi bên chị luôn có chồng và hai cô con gái - động lực lớn nhất cho chị vững bước trên con đường đi đến ước mơ.

Đại Nguyễn - Doãn Công