Ngành học Đông Nam Á sẽ đưa sinh viên ra nước ngoài trao đổi học tập

(Dân trí) - Ngày 14/11, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Đông Nam Á học ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức” với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước trong khu vực.

Đông Nam Á – ngành học đặc thù.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nêu vấn đề, từ sau chiến tranh lạnh thế giới kết thúc, sự quan tâm về khu vực Đông Nam Á (ĐNA) được quốc tế chú ý nhiều hơn đến lịch sử, văn hóa, tính thống nhất và đa dạng trong sự phát triển. ĐNA học với tư cách là một bộ môn khoa học và nghiên cứu các thể chế kinh tế - chính trị đang vươn lên mạnh mẽ trong khu vực.

GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)
GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Vấn đề ĐNA học ở Việt Nam được hình thành khá sớm so với các nước trong khu vực từ năm 1973 nhưng chương trình này phải đến năm 1995 mới được Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập và đưa vào giảng dạy với tên gọi khoa Đông phương học. Cho đến nay, ĐNA học đã trở thành một môn học độc lập nghiên cứu về ĐNA và mối liên hệ khu vực với tư cách là một môn khoa học có thị trường lao động đặc thù về khu vực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được thảo luận và tháo gỡ.

Sự hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước vào khu vực ASEAN đặt ra cơ hội lớn về thị trường lao động. Do đó, theo GS.TS Phạm Ngọc Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nói riêng luôn cố gắng thay đổi chương trình học, làm thế nào để đào tạo ra nguồn nhân lực mới có chất lượng để đảm bảo sự hội nhập của đất nước và nâng cao kiến thức, nhận thức của các nhà làm chính sách tại Việt Nam có cái nhìn đa chiều hơn.

Đưa ra các thách thức cụ thể, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, hiện nay chúng ta chưa có nhiều chuyên gia về ĐNA và rất ít các trường đại học có đào tạo các ngôn ngữ trong khu vực, điều này buộc sinh viên phải tự học và tự tìm tòi nên gặp rất nhiều khó khăn.

“Vấn đề đào tạo nhân lực mang tính khu vực chung là rất cấp thiết cho cộng đồng ASEAN. Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục, đặc biệt là các chương trình về ngôn ngữ. Các nước có thể chọn tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chung, để giúp chúng ta linh hoạt hơn trong hội nhập phát triển”, PGS Nguyễn Anh Tuấn đề xuất.

Trao đổi sinh viên trong khu vực.

TS Nguyễn Nhân Chính, Trưởng khoa Nhân học, chủ trì hội thảo cho rằng, ĐNA học là một ngành học khu vực điển hình. Mục tiêu đào tạo sinh viên cần nắm vững kiến thức cơ bản như hiểu biết văn hóa, tự tin giao tiếp quan hệ quốc tế bằng tiếng Anh và ngôn ngữ bản địa ở mức đọc hiểu. Cùng với đó nắm vững các vấn đề về lao động, dân cư, di trú và các chỉ số phát triển kinh tế, xã hội của từng nước ASEAN đang hướng tới.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Để việc đào tạo ĐNA học đạt kết quả thực tế cao hơn, việc hợp tác khu vực là vấn đề đang đặt ra lớn nhất. TS Nguyễn Nhân Chính cho rằng, các trường cần cân nhắc hình thức cùng đào tạo các ngành, mã ngành có liên quan bằng cách chia sẻ nguồn học liệu cho sinh viên, tiến hành trao đổi và gửi các đoàn thực tập sinh thực địa tại các nước để tận dụng các nguồn lực thuận lợi của khu vực.

Bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam.
Bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam.

Đến tham dự hội thảo có bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho rằng, các em sinh viên cần chủ động tự học, tự nghiên cứu để phát huy hết tiềm năng của mình, trở thành những công dân khu vực, sẵn sàng trước các thách thức của nên kinh tế và công nghệ 4.0 toàn cầu.

Đại sứ New Zealand đã trao tặng bộ sách nghiên cứu và giảng dạy của đại học Auckland cho Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn trên tinh thần mong muốn hợp tác và trao đổi sinh viên lâu dài.

Hà Cường.