Ngân sách toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3%

Nhật Hồng

(Dân trí) - Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỷ lệ theo quy định.

Theo đó, tỷ lệ chi cho con người (chi lương, các khoản theo lương) còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi thường xuyên tại các trường; nhiều địa phương chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 18% chi chuyên môn theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg, gây khó khăn cho công tác bảo đảm chất lượng dạy và học tại các địa phương.

Việc mua sắm bổ sung thiết bị theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 còn chậm. Đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 học sinh phải học trực tuyến, tại những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền Internet còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, năm qua, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ cân đối, bố trí các nguồn vốn để hỗ trợ các địa phương có điều kiện khó khăn thực hiện đầu tư cơ sở vật chất; nguồn vốn ngân sách địa phương để tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học...

Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2017-2020, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 9.866 phòng học với tổng số vốn trái phiếu Chính phủ được giao là 5.442,041 tỷ đồng, đạt 100% vốn của cả giai đoạn;

Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, đến nay tổng số vốn đã phân bổ là 2.012 tỷ đồng, đạt 67,06% tổng vốn cả giai đoạn.

Năm 2021, Chương trình tiếp tục được giao 380 tỷ đồng để thực hiện, Bộ GDĐT đã báo cáo Thủ tướng xin kéo dài thời gian triển khai Chương trình đến hết năm 2021. 

Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục đã có sự chuyển biến tích cực, các địa phương đã ưu tiên đầu tư một số hạng mục phục vụ triển khai Chương trình GDPT 2018  như phòng học, phòng chức năng, phòng học bộ môn, thư viện, thiết bị dạy học. Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa và tỷ lệ phòng học/lớp của cả nước các năm 2016 -2020, cụ thể như sau:

Ngân sách toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% - 1

Các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực của xã hội nhằm phát triển GDĐT; thực hiện quy định về ưu đãi đất đai, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Chính sách khuyến khích thực hiện đầu tư theo hình thức hợp tác đầu tư công - tư trong lĩnh vực giáo dục đang được nhiều cơ sở GDĐT quan tâm, triển khai và đã có một số mô hình hợp tác đầu tư công - tư đi vào hoạt động với nhiều lợi thế của việc nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng trường lớp, còn nhà trường cung cấp dịch vụ GDĐT, góp phần giải tỏa bớt khó khăn về kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học.

Vận động, thu hút nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Trong năm học tới, Bộ GD-ĐT cho biết, ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình GDPT 2018.

Tiếp tục thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình GDMN và GDPT giai đoạn 2017 - 2025; thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục.

Vận động, thu hút nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ phi chính phủ của các nhà tài trợ nước ngoài cho giáo dục và đào tạo; phát triển các hình thức liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng nghiên cứu; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, tài trợ cho giáo dục.

Huy động nguồn lực hỗ trợ học sinh, sinh viên gặp khó vì Covid-19

Bộ GD-ĐT cho biết, huy động các nguồn lực để thực hiện hỗ trợ học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, không để học sinh, sinh viên nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường.

 Ưu tiên đầu tư nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo;

Đồng thời, phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và phát triển nguồn học liệu để các nhóm người học này được thực hiện đầy đủ quyền học tập của mình theo luật định.