Bạn đọc viết:

Ngăn con xuống tay đánh bạn!

Nguyễn Thanh

(Dân trí) - Những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra cướp đi tính mạng của hai đứa trẻ trung học cơ sở và khiến nhiều bạn nhỏ bị tổn thương nghiêm trọng về cả thể xác lẫn tâm hồn.

Trưa 15-2, một học sinh lớp 6 tên H. của Trường THCS Phong An (Phong Điền, T.T.Huế) trong khi đi vệ sinh đã xảy ra xô xát với học sinh lớp 7. Kết quả, H. bị con dao rọc giấy đâm trúng bụng, dù được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong vì mất máu nhiều.

Trưa 19-2, nhóm thiếu niên 16 tuổi đến trước cổng trường THCS Nguyễn Du (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) chờ em Hiệp, một học sinh lớp 9 của trường. Thấy Hiệp vừa ra cổng trường, cả nhóm lao vào đánh hội đồng. Một em rút dao thủ sẵn trong người ra đâm Hiệp tử vong.

Mới đây nhất, hình ảnh cô bé nữ sinh lớp 10 Trường THPT Hương Trà (Thừa Thiên Huế) bị bạn học dùng mũ bảo hiểm tấn công dẫn đến chấn động não khiến chúng ta giật nảy mình. Vụ bạo lực này chưa kịp nguôi ngoai trong lòng người thì tiếc thay, clip bạo lực khác đã dội đến…

Những hình ảnh đắng lòng về cảnh con trẻ ra tay bạo lực với bạn nối tiếp nhau trưng ra khiến lòng người đau đáu trăn trở không dứt. Rồi thảng thốt. Bàng hoàng. Uất nghẹn. Và xót xa quá đỗi…

Nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra liên tiếp khi năm học đặc biệt đã đi qua hơn nửa chặng đường và việc học trong bối cảnh bình thường mới hạn chế một số hoạt động của học sinh, đây là điều đáng lo ngại!

Những vụ đánh đấm của bọn trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới" giờ đâu chỉ gói ghém trong vài cái bạt tai, kéo tóc! Bọn trẻ đang "ăn thua đủ" với muôn kiểu ra đòn bạo lực nhằm vào đối phương lại còn hùa theo nhóm đánh hội đồng, quay clip và tung lên mạng như ngầm khẳng định bản thân mình dám làm dám chịu.

Ôi! Cái tư tưởng "ra oai" trước đám đông bạn bè thấy tầm ảnh hưởng của chính mình, rằng ta là "chị đại", "anh đại" của bọn trẻ khiến chúng ta giật mình. Sau sự ngạc nhiên và sững sờ ấy là những nốt lặng buồn trước suy nghĩ non nớt và nông nổi của những đứa trẻ đang có những bước tiến dài về thể chất và cảm xúc, muốn khẳng định mình, thể hiện cái "tôi" của mình trước tập thể.

Bọn trẻ ra sức hành xử khác lạ so với tâm tính, biết sai vẫn cố làm, biết không nên vẫn mặc nhiên chọn lối cư xử tiêu cực. Nhiều trường hợp bố mẹ sững sờ và hoảng hốt cực độ khi phát hiện con ra tay đánh bạn tàn nhẫn, bởi trong mắt bố mẹ, con vẫn là đứa trẻ ngoan ngoãn, hiền lành, biết lắng nghe. Ai ngờ đâu, ra khỏi vòng tay gia đình, trẻ như biến thành một con người khác, sẵn sàng "xử đẹp" bạn bè bằng ngôn từ phản cảm và hành động bạo lực.

Nhiều phụ huynh vẫn chủ quan với suy nghĩ đơn giản về tâm tính của trẻ và hết sức xuề xòa trong ứng xử. Để rồi sau mỗi vụ bạo lực học đường xảy ra, mọi hành động "vớt vát" đều trở nên vụng về và khó khăn. Hai đứa trẻ đã tắt lịm sự sống, những đứa trẻ còn lại sẽ đối diện thế nào với lời phê phán và chỉ trích từ gia đình, nhà trường và cộng đồng? Tương lai nào cho các con? Trẻ lầm lỗi sẽ có nguy cơ trượt dài trong những cái sai liên tiếp!

Chính vì vậy, chúng ta đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"! Trước khi trông chờ các giải pháp hữu hiệu ngăn chặn nạn bạo lực học đường đang bùng lên dữ dội, bố mẹ hãy chủ động "cứu" lấy con trẻ. Hãy ngăn con xuống tay đánh bạn, ngăn con trở thành "kẻ tội đồ" khiến gia đình hoảng hốt, nhà trường ái ngại, cộng đồng đả kích!

Muốn thế, bố mẹ chúng ta phải dành cho con cái sự quan tâm đúng mực và chất lượng. Càng vào lứa tuổi "ẩm ương", con càng cần những lời hỏi han, chuyện trò, khuyên bảo và định hướng đúng đắn từ bố mẹ. Chúng ta đừng ngần ngại khơi chuyện và "tám" với bọn trẻ về mọi thứ, nhất là những hệ lụy lâu dài của việc ra tay đánh đấm để thỏa mãn cái tôi nhất thời, về giá trị của tình bạn và cách kiềm chế cảm xúc, hóa giải mâu thuẫn, tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên thứ ba…

Chỉ khi nào bố mẹ thật sự từ bỏ thái độ "bề trên" khi giao tiếp với con trẻ, đặt mình vào vị trí của con để lắng nghe, thấu hiểu và định hướng đúng đắn thì chúng ta mới có cơ hội đồng hành cùng con bước qua chặng đường chông gai của những đổi thay tâm tính ở lứa tuổi "ẩm ương"!

Ngăn con xuống tay đánh bạn! - Mong rằng mỗi phụ huynh hãy chú tâm hơn vào khâu "phòng bệnh" để vấn nạn bạo lực học đường vơi bớt cơn nhức nhối…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm