Nam sinh được bạn cõng đi học 10 năm và “gia đình" đặc biệt ở kí túc xá

Mỹ Hà

(Dân trí) - Ở kí túc xá Đại học Bách Khoa Hà Nội có một “gia đình” đặc biệt. Vốn không thân thiết nhưng hai ông bố chọn cách đồng hành cùng nhau trong những tháng ngày tiếp theo ở giảng đường đại học này.

Trong căn phòng rộng khoảng 25m2 của kí túc xá (KTX) tầng 1, toà nhà B6, ĐH Bách Khoa Hà Nội có một “gia đình” đặc biệt với hai “ông bố” của sinh viên Nguyễn Tất Minh và Nguyễn Đức Quân.

Sinh viên Nguyễn Tất Minh là nhân vật trong câu chuyện "Nam sinh 10 năm cõng bạn tới trường" ở Thanh Hóa, gây xôn xao cộng đồng mạng vừa qua.

Minh được tới trường nhờ vào “đôi chân” của người bạn thân Ngô Minh Hiếu.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua, Tất Minh đỗ Ngành Khoa học máy tính, một trong những ngành học có điểm đầu vào cao nhất nhì trường ĐH Bách Khoa Hà Nội còn Hiếu đỗ vào ĐH Y Thái Bình.

Nam sinh được bạn cõng đi học 10 năm và “gia đình đặc biệt ở kí túc xá - 1

Bữa cơm của "gia đình" đặc biệt của Quân- Minh, trong kí túc xá ĐH Bách Khoa Hà Nội. (Ảnh: T.N).

Sau khi cân nhắc một số lời mời của trường khác, Minh và gia đình vẫn quyết định chọn ĐH Bách Khoa Hà Nội và mong đây là nơi em gửi gắm ước mơ.

Cùng phòng kí túc xá với Nguyễn Tất Minh là em Nguyễn Đức Quân. Quân quê ở Hải Phòng, bị chứng xương thuỷ tinh khiến em hay bị gãy tay chân và kém hấp thụ.

Trước ngày khai giảng, gia đình Quân quyết định cho con ở lại trong ký túc xá, đồng thời bố trí người thân tới cùng để tiện đưa đón em đi học.

Đồng cảm với câu chuyện của gia đình Quân, anh Nguyễn Tất Mây - bố của Minh quyết định dọn đến ở cùng để tiện việc học hành đi lại.

Nam sinh được bạn cõng đi học 10 năm và “gia đình đặc biệt ở kí túc xá - 2

Anh Nguyễn Tất Mây và con trai Nguyễn Tất Minh (Ảnh: T.N).

Bốn người gồm hai tân sinh viên, hai phụ huynh được ban quản lý sắp xếp trong một căn phòng rộng hơn 25 m2, cùng đi chợ nấu ăn, sinh hoạt giống như một gia đình.

Để thuận tiện cho việc đi lại, phòng của Minh và Quân được bố trí ở tầng 1 với lối đi riêng được thiết kế độ dốc vừa phải, giúp xe lăn có thể lên được. Các giờ học của em cũng được bố trí ở tầng 1 để tiện đi lại.

Chia sẻ với PV Dân trí, anh Mây cho biết, vợ anh là công nhân giày da, lương tháng 3 triệu đồng còn anh vốn là công nhân mỏ đá.

“Nếu làm việc nguy hiểm, đu dây lên cao ở mỏ đá thì tiền công mỗi ngày được khoảng 300.000- 400.000 đồng.

Nam sinh được bạn cõng đi học 10 năm và “gia đình đặc biệt ở kí túc xá - 3

Gia đình Minh chỉ có vài sào ruộng nên cuộc sống khá chật vật. (Ảnh: T.N). 

Người nào nhận việc nhẹ nhàng ở dưới mặt đất, tiền công rẻ hơn. Vì thế, tôi đành đánh cược tính mạng, nhận làm các việc có đu dây rất nguy hiểm”, anh Mây cho biết.

Một lần, bố của Minh bị tai nạn khi đu dây khai thác trên cao, bị gãy chân. Từ đó, mọi thu nhập trong gia đình phải phụ thuộc vào đồng lương 3 triệu đồng trong công ty giày da của mẹ.

Ngoài Minh, còn một em trai đang theo học lớp 9. Gia đình Minh chỉ có vài sào ruộng nên cuộc sống khá chật vật.

Theo Trường ĐH Bách Khoa, nhà trường đã tính chuyện bố trí công việc cho hai ông bố trong ký túc xá để có thêm thu nhập.

Nam sinh được bạn cõng đi học 10 năm và “gia đình đặc biệt ở kí túc xá - 4

Chiếc xe lăn điện được một đơn vị tặng Minh trước khi em nhập học. 

Tuy nhiên, việc này cần tính toán kỹ, bởi lịch học hàng ngày của các em không cố định.

PGS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (SoICT), Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, khi có thông tin Minh đỗ ngành khoa học máy tính của Viện SoICT, một tập đoàn công nghệ toàn cầu đã hỗ trợ em 55 triệu đồng.

Trong đó, có 1 chiếc xe lăn điện 3 bánh (trị giá hơn 30 triệu đồng); học bổng là học phí 1 năm đầu tiên của ngành công nghệ thông tin - khoa học máy tính (khoảng 24 triệu đồng).