“Mẹ của trẻ vạn đò”

(Dân trí) - Đó là cách gọi trìu mến của những người ở khu phố 6, phường Kim Long- thành phố Huế dành cho cô Bạch Thị Ngọc Hạnh - người phụ nữ 30 năm nay vẫn lặng lẽ dạy người, dạy chữ cho hàng trăm trẻ vạn chài trên dòng sông Hương.

Khuôn mặt chị thật hiền hậu, có một chút gì đó khắc khổ, nhớ về lần đầu tiên dạy học, chị bồi hồi kể: "Đó là vào năm 1975, lúc ấy mình vừa tròn 17 tuổi, tham gia phong trào Đoàn thanh niên dạy chữ cho bà con những xóm vạn chài thuộc phường Phú An, dần dần tạo cho mình niềm đam mê và gắn bó từ đó đến nay. Ngày ấy, mình tập hợp các em, rồi chọn một khu nhà kho ẩm thấp làm lớp học. Thời gian đầu, mình chỉ dạy lũ nhỏ trò chơi, tập hát, dạy những bài học về đạo đức làm người, rồi sau đó, thấy chúng thích thích, mình mới chuyển sang dạy a- bờ- cờ". 

 

Chị Hạnh kể, buổi ban đầu  lớp học có chừng 30 em, nhưng để có số học sinh ấy, chị phải mất gần tháng trời đi vận động, nhiều khi còn bị một số gia đình xua đuổi. Vậy là, trẻ vạn đò bắt đầu đến lớp  học i tờ. Cái xóm nhỏ hàng đêm cứ vang lên tiếng a, bờ, cờ nghe thật dễ thương...

 

Năm 1984, lúc ấy cô giáo Hạnh đã bước qua tuổi  ba mươi. Tưởng rằng, cuộc đời sẽ lặng lẽ mãi vậy, nhưng có một chàng thanh niên nghèo trong xóm, thương cô giáo Hạnh miệt mài đã mang lễ  sang  dặm hỏi. Trớ trêu thay, anh lại nhỏ hơn chị những 6 tuổi, cái khoảng cách ấy cùng với sự phản đối của gia đình chàng trai đã khiến chị rất đắn đo. Cuối cùng, bằng tình cảm chân thành, hai người đến được với nhau dù chỉ bằng hai bàn tay trắng.

 

Lúc bấy giờ, chị còn kiêm nhiệm thêm cộng tác viên dân số, tham gia hội phụ nữ phường, công việc vì thế càng thêm bề bộn. Năm 1995, khu phố 6 phường Kim Long được chọn làm khu vực tái định cư cho những xóm vạn chài ven sông Hương và gia đình chị cũng thuộc trong diện đó. Chị bèn trưng dụng luôn căn nhà tranh vất đất của mình tại nơi ở mới để làm lớp học. Nhà thì nhỏ mà học trò thì đông, chị phải chạy xuôi chạy ngược để mượn cơ sở. May mắn được trường tiểu học Kim Long cho mượn một phòng học khá " đàng hoàng". Thế là, cứ hàng đêm, cô giáo Hạnh lại lặng lẽ đạp xe đến trường, học trò cứ lần lũ kéo đến, rộn ràng cả xóm nhỏ.

 

Năm 2000, được sự tài trợ của tổ chức quốc tế Plan, một lớp học tình thương được xây dựng, thoả niềm mong ước của cô và trò. Có được lớp học mới, cô giáo Hạnh càng thêm miệt mài. Gần 30 năm đưa chữ như thế, cô giáo Hạnh mới cầm được đồng lương trong tay với 350 ngàn/tháng. 

 

30 năm lặng lẽ  miệt mài, tính ra, cũng đã có trên 600 em nhỏ vạn chài được học  chữ. Nhiều em đã được đưa vào học cùng lớp với các học sinh chính quy. Đến với những bài học của cô giáo Hạnh, các em không chỉ biết đọc bài thơ, giải bài toán mà còn biết học về đạo làm con, phận làm trò, được biết thế nào là tình yêu quê hương đất nước. Có lẽ vì thế mà trước đây khu vực Bến Me nổi tiếng với những tệ nạn xã hội thì nay đã vắng bóng dần cảnh trộm cắp, mại dâm, cờ bạc...

 

Cứ mỗi dịp lễ tết hay ngày thường, nhà cô giáo Hạnh luôn đầy ắp tiếng cười bởi những lời thăm hỏi của bà con nơi đây. Họ đến tặng cô mớ tép, mớ rau, bởi cô đã mang đến niềm vui cho chính gia đình, con em họ.

 

 

Quốc Tiến - Thu Nguyên