Linh hoạt đào tạo, tuyển sinh giúp giáo dục nghề ứng phó với "bão" Covid-19

Quang Trường

(Dân trí) - Tuyển sinh trên truyền hình, mô phỏng dạy thực hành trực tuyến, công nhận kết quả thi, kiểm tra trực tuyến là những cách làm, đề xuất được đưa ra để giáo dục nghề nghiệp ứng phó với "bão" Covid-19.

Tuyển sinh trên truyền hình, dạy thực hành trực tuyến

Tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác dạy nghề 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm mới đây, đại diện các trường nghề, các Sở LĐ-TB&XH đã nêu những khó khăn của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cả nước trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có những khó khăn chung về công tác tuyển sinh, đào tạo, đồng thời đưa ra những phương án ứng phó.

Linh hoạt đào tạo, tuyển sinh giúp giáo dục nghề ứng phó với bão Covid-19 - 1

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng chủ trì Hội nghị.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đánh giá, mạng lưới GDNN thủ đô đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.

Từ ngày 3/5, toàn bộ hệ thống GDNN phải cho học sinh dừng đến trường, học tại nhà. Kí túc xá của một số trường được trưng dụng làm khu cách ly tập trung của thành phố. Việc hoàn thành được tất cả kế hoạch đào tạo, tuyển sinh trong năm học mới là vô cùng khó khăn.

"Ở cấp độ quản lý, Hà Nội đồng hành cùng các nhà trường làm công tác tuyên truyền, thông qua một hội nghị lớn gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động, đẩy mạnh truyền tải hình ảnh, hoạt động, chất lượng GDNN đến người dân thủ đô, các doanh nghiệp để nâng cao chỉ tiêu tuyển sinh.

Chúng tôi phối hợp với Đài PT-TH Hà Nội, nhà trường và các doanh nghiệp để tuyển sinh trực tuyến qua truyền hình, hỗ trợ các cơ sở GDNN trong công tác tuyển sinh.

Về đào tạo trực tuyến, từ năm ngoái khi dịch diễn biến phức tạp, các cơ sở GDNN đã đẩy mạnh đào tạo trực tuyến.

Rõ ràng là dạy lý thuyết thì dễ, nhưng dạy thực hành thì khó. Chúng tôi đã chỉ đạo đến các cơ sở GDNN thủ đô xây dựng các mô hình mô phỏng để có thể truyền tải một số nội dung thực hành bằng hình thức trực tuyến. Trên cơ sở đó hỗ trợ sinh viên hình dung các kĩ năng thực hành cơ bản khi học trực tuyến.

Đã có những trường cao đẳng, trung cấp tham gia nghiên cứu đề tài, đề án liên quan đến đào tạo trực tuyến, mô hình E-Learning", đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết.

Ông Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông TPHCM đánh giá, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TPHCM khiến các cơ sở GDNN lúng túng trong tuyển sinh.

Linh hoạt đào tạo, tuyển sinh giúp giáo dục nghề ứng phó với bão Covid-19 - 2

Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông TPHCM.

"Phần lớn sinh viên đến từ các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng tình hình giãn cách như vậy khiến tâm lý học sinh, phụ huynh lo lắng, không muốn ly hương. Tôi cho rằng cần có biện pháp quyết liệt hơn để đảm bảo kế hoạch tuyển sinh năm 2021.

Hiện nay Bộ GD-ĐT đã quyết định công nhận kết quả thi, kiểm tra trực tuyến. Nhưng chúng ta chưa có hướng dẫn nào chính thức công nhận kết quả của hình thức thi và kiểm tra này.

Chúng ta cần thể chế hóa việc này, đặc biệt ở các môn lý thuyết và môn vừa thực hành vừa lý thuyết, có thể cho phép thi và kiểm tra trực tuyến trước, khi dịch bệnh ổn định sẽ cho thực hành lấy điểm sau", ông Hải nói.

Trường Cao đẳng Long An cũng kiến nghị giảm tải chương trình học để ứng phó với tình hình dịch bệnh kéo dài.

"Sinh viên đã dừng đến trường từ 17/5 đến nay, để cho sinh viên khóa cũ tốt nghiệp đúng tiến độ, sớm có việc làm ổn định cuộc sống, vừa giảm tải cho nhà trường trong việc đào tạo, tôi kiến nghị Tổng cục có văn bản cho phép các trường giảm bớt một số giờ học trong chương trình đào tạo, mà việc giảm tải này không ảnh hưởng đến chất lượng, mục tiêu đào tạo", đại trường diện CĐ Long An kiến nghị.

Đại diện trường Cao đẳng Kỹ Thuật Đắk Lắk nêu ra một số nguyên nhân khiến tuyển sinh khó khăn.

"Một trong những nguyên nhân là chuẩn đầu vào, điểm sàn đại học không còn. Tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT cần quy định chuẩn đầu vào đại học. Vì đây là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng lại bỏ chuẩn, nên chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể vào đại học. Mà hiện nay ưu tiên vào trường nghề vẫn là sau cùng.

Các cơ sở GDNN dàn trải, quá nhiều trên một địa bàn, chưa thực hiện sáp nhập.

Linh hoạt đào tạo, tuyển sinh giúp giáo dục nghề ứng phó với bão Covid-19 - 3

Đại diện trường Cao đẳng Kỹ Thuật Đắk Lắk.

Thứ ba là về quản lý dạy văn hóa phổ thông. Tôi có theo dõi nhiều ý kiến chỉ đạo, nhưng cuối cùng vẫn là Bộ GD-ĐT, trung tâm GDTX quản lý, các trường cao đẳng phải ký hợp đồng. Mặc dù 10 năm qua, các trường cao đẳng vẫn tổ chức quản lý và báo cáo cho Sở GD-ĐT.

Hiện nay trường muốn ký kết thì toàn bộ người dạy, chương trình, đánh giá học sinh phải là trung tâm GDTX. Mà một trung tâm nhỏ, số lượng con người ít, không đủ cơ sở vật chất. Chúng tôi phải lấy người của chúng tôi dạy nhưng người khác lại quản lý, đây là điều bất hợp lý.

Tôi kiến nghị sớm có sự thống nhất để đảm bảo quyền lợi của người học, thúc đẩy quá trình đào tạo, đây cũng là một nguyên nhân khiến tuyển sinh khó khăn".

Covid-19 khiến trường nghề khó tự chủ

Đại diện CĐ Kỹ thuật Đắk Lắk đặt vấn đề "Nên chăng, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các cơ sở GDNN nói chung trên toàn quốc, song song với các đối tượng là người lao động? Vì họ cũng là các cơ sở chịu ảnh hưởng.

Việc dừng dạy học, không tuyển được người học, có tuyển được nhưng không đào tạo được, thất thu nhưng lại giao tự chủ. Vậy cần có cơ chế từ trung ương đến tỉnh để hỗ trợ cho các cơ sở khi gặp dịch bệnh như hiện nay, không tổ chức đào tạo được".

Đại diện trường Cao đẳng Lào Cai cho biết, quan điểm của lãnh đạo một số địa phương là các trường nghề có thể tự chủ như đại học.

"Nhưng đây là 2 vấn đề khác nhau, tôi có thời gian làm giám đốc doanh nghiệp, làm lãnh đạo huyện. Tôi thấy rằng chúng ta ở một phân khúc giáo dục khó khăn hơn. Nếu giáo dục phổ thông, đại học được hưởng ứng của toàn dân, thì GDNN vẫn phải chủ động vận động sự ủng hộ.

Đề nghị các địa phương làm rõ rằng các trường cao đẳng, trung cấp nghề tự chủ ở một mức độ nào đó, hoặc làm rõ mô hình tự chủ.

Nếu tự chủ tài chính hoàn toàn thì khó khăn. Như Lào Cai chúng tôi năm nay tuyển được khoảng 1300 học sinh THCS, dự kiến năm nay tuyển xấp xỉ 1000 học sinh cho cao đẳng. Với mức tuyển như thế thì chúng tôi không thể tự chủ được. Và tôi tin rằng các địa phương khác cũng khó khăn tương tự.

Mong cơ quan quản lý có văn bản hướng dẫn cho UBND các tỉnh, thành phố về tự chủ cho trường cao đẳng. Bản thân tôi đang phải báo cáo, làm rõ các vấn đề liên quan tới tự chủ. Nhưng quan điểm của ngành Tài chính, ngành LĐ-TB&XH, ngành Giáo dục là khác nhau, mà phải đi báo cáo hết thì rất khó. Một hành động của Bộ sẽ giúp các trường dễ thở hơn trong vấn đề tài chính".

Linh hoạt đào tạo, tuyển sinh giúp giáo dục nghề ứng phó với bão Covid-19 - 4

Các đại biểu tham dự trực tuyến.

Nói thêm về tự chủ tài chính trong trường nghề, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, khi thí điểm tự chủ tài chính trong trường nghề, cũng phải cân nhắc xem có khả năng làm được không? Có đủ các điều kiện triển khai không?

Hiện tại cũng phải chọn các trường có vị trí, điều kiện khá, thuận lợi để triển khai. Ví dụ như ở TPHCM là nơi có thể thu được học phí cao, nhưng nếu đưa lên các tỉnh miền núi phía Bắc, hay Tây Nguyên thì rất khó.

"Nhìn chung trong hệ thống, tự chủ tài chính trong GDNN là vấn đề khó khăn, thách thức. Giám đốc World Bank khi làm việc với Bộ LĐ-TB&XH có nói rằng, các nước trên thế giới không có nước nào tự chủ tài chính trong trường nghề 100%.

Đây là vấn đề chúng ta đặt ra theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trong đó có những đặc thù. Để tự chủ được phải đồng thời với đó là các điều kiện về kỹ thuật, tài chính", ông Dũng nói.