"Kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu"

Quang Trường

(Dân trí) - "Ngày nay, kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu. Nâng cao kỹ năng lao động là chìa khóa đưa Việt Nam vươn tới thịnh vượng", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nói.

Ngày 4/10, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức chương trình kỷ niệm ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam năm 2022.

Chương trình nhằm khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng, trình độ của học sinh, sinh viên (HSSV) và người lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề xuất sắc.

Phát biểu tại chương trình, ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: "Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam 4/10 hằng năm đã trở thành sự kiện đặc biệt đối với giáo dục nghề nghiệp (GDNN), là sự ghi nhận, tôn vinh đối với lao động có kỹ năng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu - 1

Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại chương trình kỷ niệm (Ảnh: Quang Trường).

Theo Thứ trưởng, sau 2 năm kể từ thời điểm công bố Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam năm 2020, đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức xã hội về tầm quan trọng và giá trị của kỹ năng lao động.

Nhận thức của người dân nói chung, người lao động và người sử dụng lao động nói riêng đối với phát triển kỹ năng từng bước được cải thiện. Kỹ năng nghề được coi là động lực để phát triển nghề nghiệp, nâng cao thu nhập và duy trì việc làm bền vững cho người lao động.

Cộng đồng doanh nghiệp đã dần thay đổi trong tư duy và hành động, tuyển dụng và sử dụng lao động dựa vào trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề, chủ động tham gia phát triển kỹ năng một cách có trách nhiệm; doanh nghiệp đang tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng chính sách và đào tạo kỹ năng cho người lao động.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phá trong Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội của Việt Nam.

"Ở những quốc gia có năng suất lao động cao, lực lượng lao động nhất thiết cần có kỹ năng nghề cao và thái độ, động lực làm việc tích cực. Ngày nay, kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu. Nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa để đưa Việt Nam vươn tới thịnh vượng", ông Lê Tấn Dũng khẳng định.

Thứ trưởng cho biết, vấn đề nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xác định là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, là một trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia trên thế giới.

Một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải vượt qua để trở thành quốc gia thịnh vượng là phải tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu - 2
54 nhà giáo GDNN tiêu biểu năm 2022 (Ảnh: Quang Trường).

Chương trình kỷ niệm năm nay còn là dịp tôn vinh 54 nhà giáo GDNN tiêu biểu; 100 học sinh, sinh viên (HSSV) GDNN xuất sắc.

54 nhà giáo được tôn vinh đến từ 63 tỉnh, thành phố, đại diện cho hơn 83 nghìn nhà giáo đang giảng dạy trong hơn 1.900 cơ sở GDNN trên toàn quốc.

Từ những nhà giáo tuổi đời còn trẻ (người trẻ nhất sinh năm 1990) đến những nhà giáo lâu năm, có thâm niên gắn bó với nghề (người lâu nhất là 38 năm), đều có nhiều thành tích đóng góp cho GDNN và trong việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề cho thị trường lao động, được Đảng, Nhà nước, địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

Kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu - 3
Một trong những nhà giáo được tôn vinh (Ảnh: Quang Trường).

100 HSSV được tuyên dương đến từ 48 cơ sở GDNN của 32 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó có 62 nam và 38 nữ, 79 HSSV người dân tộc Kinh và 21 HSSV là người dân tộc thiểu số.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự đổi mới của GDNN, đội ngũ nhà giáo GDNN đã tỏ rõ bản lĩnh vững vàng về chính trị, ý thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Họ không chỉ là những người đào tạo nghề mà quan trọng hơn, họ chính là người truyền cảm hứng và khát vọng cho các thế hệ học trò trên con đường xây dựng và kiến tạo tương lai.

Kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu - 4
100 HSSV GDNN tiêu biểu, xuất sắc năm 2022 (Ảnh: Quang Trường).

54 thầy, cô được tôn vinh ngày hôm nay là những người ưu tú nhất, tiêu biểu nhất của hệ thống GDNN trong năm 2022.

Các em HSSV GDNN chính là những chiến sĩ tiên phong trong lực lượng lao động có kỹ năng nghề trong tương lai, là nguồn lực quý giá, chìa khóa mở ra hướng phát triển cho quốc gia, dân tộc.

100 em HSSV được tuyên dương hôm nay đều là những người ưu tú trong học tập và rèn luyện, nỗ lực vượt khó để đạt thành tích học tập xuất sắc, là minh chứng tích cực và là thành quả cụ thể trong công tác đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN trên cả nước.

Kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu - 5
Một trong những HS được tuyên dương (Ảnh: Quang Trường).

Tại Chương trình kỷ niệm, đại diện cho người lao động, ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ: "Việc Bộ LĐ-TB & XH tổ chức kỷ niệm Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam là một điểm nhấn, việc làm ý nghĩa khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao trình độ cho HSSV và người lao động, nâng cao vị thế và tầm quan trọng của GDNN và phát triển kỹ năng cho người lao động".

Theo ông Trần Văn Thuật, Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập đang làm tăng tính cạnh tranh về khả năng, kỷ luật lao động trong khu vực và quốc tế. Nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh, tận dụng thêm lao động có kỹ năng, trình độ nghề nghiệp, khả năng thích ứng với trình độ phát triển của khoa học, công nghệ.

Kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu - 6
Ông Trần Văn Thuật phát biểu tại Chương trình kỷ niệm (Ảnh: Quang Trường).

Vì vậy, yêu cầu nâng tầm trình độ, kỹ năng, tính kỷ luật cho người lao động đang trở nên hết sức quan trọng với các quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc nâng tầm kỹ năng lao động làm gia tăng chất lượng, hiệu quả sản xuất của người lao động, là nhân tố hết sức quan trọng, quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục phát động phong trào thi đua, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, tổ chức tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, tay nghề cao, kỹ năng nghề xuất sắc", ông Trần Văn Thuật nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm