Không phải mọi lời khen đều có tác dụng khích lệ, động viên trẻ

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Hầu hết các bậc cha mẹ nghĩ rằng, việc khen ngợi, dưới bất kỳ hình thức nào, cũng giống như một lời khích lệ con cái ngay lập tức. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Theo một số nghiên cứu, khi giáo viên đưa ra đánh giá cho học sinh, họ truyền tải những thông điệp tác động đến nhận thức của học sinh về bản thân và thành tích học tập.

Carol Dweck - nhà tâm lý học trẻ em, Giáo sư tại ĐH Stanford (Mỹ) nhận thấy rằng, một số kiểu khen ngợi có thể gây hại nhiều hơn là có lợi cho sự độc lập, động lực học tập, tự tin và khả năng phục hồi của trẻ.

Lời khen tác động như thế nào đến suy nghĩ của trẻ?

Giáo sư Carol Dweck đã nghiên cứu tác động của lời khen ngợi đối với trẻ em trong nhiều thập kỷ.

Trong nghiên cứu của mình, bà đã xác định 2 tư duy cốt lõi - hay niềm tin về những đặc điểm riêng biệt của một người. Những tư duy này định hình cách mọi người tiếp cận thách thức:

- Tư duy cố định: Niềm tin rằng khả năng của một người không thể thay đổi và được xác định trước khi sinh ra.

- Tư duy phát triển: Niềm tin rằng các kỹ năng và phẩm chất của một người có thể được trau dồi thông qua nỗ lực và kiên trì.

Không phải mọi lời khen đều có tác dụng khích lệ, động viên trẻ - 1
Cha mẹ hãy dành lời khen cho quá trình chứ đừng chỉ tập trung vào kết quả của con (Ảnh: Shutterstock).

Vị chuyên gia này nhận thấy những người có tư duy cố định thường có xu hướng phớt lờ sự nhận xét, dễ dàng từ bỏ và đo lường thành công bằng cách so sánh mình với người khác. Ngược lại, những người có tư duy phát triển có khả năng chấp nhận thách thức và tự so sánh với bản thân.

Tập trung nhiều hơn vào việc khen ngợi quá trình chứ không phải kết quả

Bằng cách khen ngợi quá trình ("Bố/ mẹ rất thích cách con chọn màu sắc, rất chu đáo") chứ không phải kết quả ("Màu sắc trong bức vẽ của con thật đẹp! Con có một con mắt tốt đấy") là điều hữu ích giúp trẻ em phát triển một tư duy tăng trưởng, theo Dweck.

Cha mẹ khen ngợi kết quả sẽ ngăn cản trẻ phát triển tính kiên cường, sự tự tin và mong muốn học hỏi những điều mới mẻ.

Mục đích là để hỗ trợ các chiến lược học tập của con và cho chúng thấy những kế hoạch đó có thể dẫn đến thành công như thế nào.

Hãy tưởng tượng 2 đứa trẻ trong một đội đua. Đứa đầu tiên là một người đam mê chạy, trong khi đứa thứ hai kém thể thao hơn. Cậu bé thích chạy nỗ lực ít hơn khi luyện tập nhưng vẫn giành được chiến thắng trong hầu hết các cuộc đua. Cậu bé thứ hai tự động viên mình phải nỗ lực nhiều hơn, nhưng lại nản lòng vì thất bại.

Để khen ngợi quá trình này, phụ huynh của cậu bé dẫn đầu nên thừa nhận kỹ năng của con mà không tán dương hoặc khen ngợi quá mức. Điều này sẽ giúp cậu bé cảm thấy được hỗ trợ mà không cho thấy rằng khả năng bẩm sinh là yếu tố chính quyết định sự thành công.

Cha mẹ của đứa trẻ chưa giỏi thể thao nên khen ngợi con vì sự chăm chỉ và kiên trì. Điều này giúp trẻ duy trì lòng tự trọng và luôn có động lực để hướng tới thành công.

Dạy con rằng thất bại tạo ra cơ hội

Để hỗ trợ thêm cho sự phát triển tư duy của con, hãy chuyển sự tập trung ra khỏi thành tích và hướng đến những điều chưa hoàn hảo.

Khuyến khích trẻ nhận ra, chấp nhận và khắc phục điểm yếu của chúng. Nhắc con rằng chúng có các công cụ và sự hỗ trợ để phát triển theo cách chúng muốn.

Giả sử con bạn đã trượt bài kiểm tra toán 2 lần liên tiếp. Thay vì trả lời "Điều này thật đáng thất vọng" hoặc "Con học chưa đủ chăm chỉ", cha mẹ hãy phản ứng với thất bại như thể đó là thứ có thể giúp con nâng cao khả năng học tập.

Không phải mọi lời khen đều có tác dụng khích lệ, động viên trẻ - 2
Cần tạo cho con bài học "thất bại là mẹ thành công" (Ảnh: Shutterstock).

Nói chuyện thông qua các câu hỏi như: "Điều này dạy chúng ta điều gì?" "Chúng ta nên làm gì tiếp theo?" "Có lẽ chúng ta có thể nói chuyện với giáo viên để con có cách học tốt hơn?"... Bằng cách này, con bạn có thể hiểu rằng khả năng và kỹ năng không bị giới hạn. Chúng có thể được trau dồi, làm như vậy có thể là một trải nghiệm hiệu quả và tuyệt vời.

Những đứa trẻ coi trọng việc học và nỗ lực sẽ biết cách thực hiện và duy trì cam kết với mục tiêu của chúng. Trẻ không ngại làm việc chăm chỉ và con biết rằng những mục tiêu bao giờ cũng sẽ đi kèm cùng những thất bại. Đây là những bài học ý nghĩa, giúp con hiểu ra nhiều điều trong cuộc sống.

Theo www.cnbc.com