Khai trương Fablab USTH - "công xưởng" sáng tạo mở cho học sinh, sinh viên

Lệ Thu

(Dân trí) - Lễ khai trương Fablab USTH - "công xưởng" sáng tạo mở cho học sinh, sinh viên diễn ra ngày 17/12 tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Với mục đích tạo ra một "công xưởng" sáng tạo mở dành cho học sinh, sinh viên nhằm ươm dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo và niềm đam mê khoa học kỹ thuật, Fablab USTH được xây dựng với sự hỗ trợ của AUF vừa khai trương.

Chương trình có sự hiện diện của GS. Jean-Marc Lavest - Giám đốc châu Á Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF, ông Etienne Rolland-Piegue, Tham tán Văn hóa và Hợp tác, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; ông Chekou Oussouman, Đại diện của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF tại khu vực châu Á Thái Bình Dương cùng đại diện của các trường phổ thông, các trường đại học và các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Khai trương Fablab USTH - công xưởng sáng tạo mở cho học sinh, sinh viên - 1
Toàn cảnh buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, GS. Etienne Saur, Hiệu trưởng chính USTH chia sẻ: "Với mong muốn xây dựng một không gian sáng tạo mở dành cho thế hệ trẻ trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, FabLab USTH luôn đón chào, dù là sinh viên từ USTH, các trường đại học đối tác, học sinh phổ thông hay rộng hơn nữa là công chúng, đến tham quan, khám phá và cùng chia sẻ niềm đam mê khoa học kỹ thuật.

Khai trương Fablab USTH - công xưởng sáng tạo mở cho học sinh, sinh viên - 2
GS. Etienne Saur, Hiệu trưởng chính USTH.

FabLab, hay nói cách khác chính là một "phòng thí nghiệm kỹ thuật số", sẽ là không gian dành cho sự giao lưu, sáng tạo và phát minh. USTH hi vọng thông qua mô hình đặc biệt này, cung cấp cho bất kỳ ai có niềm đam mê chế tạo những kỹ năng, vật liệu và công nghệ tiên tiến cần thiết để làm ra (hầu hết) mọi thứ mà họ mong muốn.

Hôm nay, cùng với sự hợp tác của AUF, USTH tự hào khai trương không gian FabLab thứ 16 tại Việt Nam, cũng như quyết tâm phát triển không gian này thành cầu nối giữa các trường đại học, doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp và cá nhân để đánh thức niềm đam mê với sáng tạo và công nghệ trong cộng đồng".

GS. Jean-Marc Lavest, Giám đốc Châu Á Thái Bình Dương của AUF nhấn mạnh: "Đây là dự án tuyệt vời trong quan hệ giữa AUF và USTH. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hiện tại chúng tôi đã hỗ trợ cho 3 dự án tương tự. AUF rất vui mừng được tài trợ cho dự án Fablab USTH với tổng kinh phí khoảng 50.000 euro.

Việc thành lập những cơ sở Fablab đi theo tinh thần, định hướng của Chính phủ Việt Nam trong chương trình cải cách hệ thống đào tạo giáo dục đại học. "Công xưởng" này giúp cho học sinh, sinh viên có thể cụ thể hóa những kiến thức cơ bản các em học được ở giảng đường.

Một định hướng nữa của Chính phủ Việt Nam là tăng cường đào tạo theo định hướng giáo dục nghề nghiệp để giúp cho sinh viên có cơ hội và khả năng cao hơn trong việc tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp. Đồng thời, giúp giảng viên đại học có điều kiện xây dựng các chương trình giảng dạy tiên tiến hơn.

Khai trương Fablab USTH - công xưởng sáng tạo mở cho học sinh, sinh viên - 3
GS. Jean-Marc Lavest, Giám đốc Châu Á Thái Bình Dương của AUF.

Fablab USTH là Fablab thứ 16 tại Việt Nam. Mô hình này thực ra là cả mạng lưới được xây dựng với sự tham gia của đông đảo trường đại học ở nhiều nước trên thế giới để có thể đưa ra mô hình tiên tiến, hiện đại như hiện nay.

Việt Nam là một trong những đất nước hiếm hoi trên thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 dù đang đối mặt với dịch bệnh Covid-19. Các trường đại học có vai trò quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ, qua đó đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế.

Và Fablab sẽ giúp các em nâng cao trau dồi kỹ năng thực hành về khoa học, công nghệ để có thích nghi với thị trường lao động sớm nhất".

Fablab USTH là sự tổng hòa của 4 không gian: Không gian đào tạo, không gian làm việc chung, không gian thiết kế, không gian tiền sản xuất. Tại đây, sinh viên có thể tìm thấy các máy móc và công cụ hiện đại để hỗ trợ thử nghiệm, mô phỏng các ý tưởng sáng tạo và tìm tòi những điều mới.

Hệ thống trang thiết bị của FabLab USTH chủ yếu tập trung vào công nghệ in - cắt 3D, máy CNC, máy phay, máy tiện, bo mạch, các thiết bị tự động hóa (PLC), mặt Arduino, Wacom, các phần mềm bổ trợ tư duy thiết kế mô hình 2D, 3D trước khi thực hiện tạo ra sản phẩm.

Không chỉ là một không gian sáng tạo về mặt vật lý, FabLab USTH đang phát triển để xây dựng một cộng đồng gồm những con người cùng chung đam mê nghiên cứu sáng tạo, cùng chia sẻ với nhau kỹ năng và kiến thức kỹ thuật, qua đó, cùng thụ hưởng những lợi ích riêng từ việc hợp tác chung.

"Cụ thể, dù đặt trong một trường Đại học, nhưng Fablab USTH mở rộng đối tượng thụ hưởng tới cả các bạn học sinh phổ thông và cả các doanh nghiệp kỹ thuật. Điển hình, đối với các bạn học sinh PTTH, Fablab USTH sẽ là không gian thực hành thí nghiệm, bổ trợ cho chương trình STEM mà các bạn được giảng dạy tại nhà trường, ươm mầm tinh thần "can-do" từ khi các bạn còn ngồi trên ghế phổ thông.

Bên cạnh đó, nếu đang tìm kiếm một nơi sản xuất prototype với chi phí rẻ và chất lượng cao, các doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm, dự án mà các nhóm sáng tạo sinh viên triển khai trong khuôn khổ Fablab.

Vì thế, chúng tôi tự hào là Fablab đầu tiên tại Việt Nam có sự kết nối với khối doanh nghiệp cũng như cộng đồng khoa học quốc tế nhờ sự trợ giúp của AUF", TS. Nguyễn Xuân Trường - Chủ nhiệm dự án Fablab USTH giải thích và báo cáo kết quả hoạt động trong thời gian qua cũng như đề ra kế hoạch trong thời gian tới.

Chính vì thế, dù chưa chính thức ra mắt công chúng nhưng trong thời gian qua, nhiều hoạt động kết nối, thúc đẩy tinh thần sáng tạo ở mọi lứa tuổi đã được Fablab USTH tích cực tổ chức như: Cuộc thi sáng tạo 24h Hackathon, tham gia Ngày hội STEM, các khóa học sử dụng máy in 3D, Workshop về khởi nghiệp, Tập huấn về áp dụng STEM trong giáo dục phổ thông…

Khai trương Fablab USTH - công xưởng sáng tạo mở cho học sinh, sinh viên - 4
Cắt băng khai trương.

Em Hoàng Đình Phúc, sinh viên năm 3, ngành Công nghệ Sinh học cho biết: "Xu hướng của các nhà tuyển dụng hiện tại không chỉ cần người biết về chuyên ngành của mình mà còn phải có những kỹ năng chuyên ngành khác.

Từ khi tham gia Fablab, em đã học được nhiều kiến thức về cơ khí điện tử, lập trình nhúng… Nhờ đó, em được hiểu thêm một lĩnh vực mới và học được cách kết hợp giữa cơ khí điện tử với lĩnh vực sinh học mà em đang theo học.

Hiện tại, em đã tự tạo ra được các sản phẩm như máy cho cá ăn tự động và máy tưới cây tự động. Đây sẽ là nơi thúc đẩy chúng em mày mò sáng tạo, phát triển các sáng kiến, các sản phẩm mới phục vụ cộng đồng".

Khai trương Fablab USTH - công xưởng sáng tạo mở cho học sinh, sinh viên - 5
Các đại biểu tham quan Fablab USTH.

Trong thời gian tới, FabLab USTH sẽ tìm kiếm để mở rộng hợp tác với khối doanh nghiệp, đẩy mạnh các dự án ứng dụng của sinh viên. Đồng thời, FabLab USTH cũng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động dành cho đối tượng phổ thông, góp phần lan tỏa và nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, đổi mới tinh thần "can-do" trong thế hệ trẻ Việt Nam.