"Kẻ khóc, người cười" sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn

Khánh Hoài

(Dân trí) - Sau khi biết điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay, nhiều thí sinh có những cảm xúc vui, buồn khác nhau. Có em trượt đại học vì chỉ thiếu 0,1 điểm.

Trượt đại học vì chỉ thiếu 0,1 điểm

Khối ngành Kinh tế năm nay vẫn giữ "phong độ" điểm đầu vào khá cao. Điểm chuẩn của một số trường top khối ngành Kinh tế như Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có dấu hiệu tăng nhẹ ở một số ngành.

Dựa vào phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trên thang điểm 30, Trường Đại học Kinh tế quốc dân ghi nhận, điểm chuẩn ngành Quan hệ công chúng cao nhất với 28,6 điểm. Các ngành có điểm chuẩn từ 28 trở lên còn có Marketing, Kinh doanh quốc tế (cùng 28), Thương mại điện tử (28,1), Kiểm toán (28,15), Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (28,2).

Trên thang điểm 40 (tiếng Anh nhân hệ số 2), ngành Truyền thông Marketing lấy điểm chuẩn 38,15 (trung bình 9,6 điểm mỗi môn). Điểm chuẩn các ngành còn lại phổ biến ở mức 34-35 điểm, thấp nhất là điểm chuẩn ngành Quản trị khách sạn quốc tế 34,6.

Kẻ khóc, người cười sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn - 1

Trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố điểm chuẩn năm 2022 vào ngày 15/9 vừa qua (Ảnh: NEU).

Bạn Nguyễn Quang Anh, quê ở Hưng Yên, khi biết tin trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố điểm chuẩn đã ngay lập tức cập nhật thông tin nhưng đáng tiếc thay, Quang Anh chỉ thiếu 0,1 điểm ở ngành Thương mại điện tử để có tấm vé vào trường. Quang Anh vô cùng buồn bã vì trượt nguyện vọng 1 với số điểm suýt soát. 

Quang Anh bày tỏ: "Em đã đăng ký và trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng nhưng vẫn vô cùng nuối tiếc vì chỉ thiếu một chút em đã có thể bước chân vào ngôi trường mơ ước bấy lâu nay của mình.

Bạn bè em đều đỗ vào nguyện vọng 1 nên em phần nào cảm thấy tủi thân. Hiện tại, bạn bè, gia đình và thầy cô an ủi nhiều nên em cũng bớt sự tiếc nuối đi phần nào".

Thỏa mãn ước mơ

Cùng đặt nguyện vọng vào khối ngành Kinh tế, Vũ Tùng Dương, quê ở Thanh Hóa mặc dù đỗ nguyện vọng 2 nhưng cậu vô cùng sung sướng và hào hứng về cuộc sống sinh viên sắp tới tại Trường Đại học Thương mại.

Nam sinh này chia sẻ, ban đầu cậu đặt nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhưng thiếu một chút là có thể đỗ vào trường. Tuy vậy, Trường Đại học Thương mại đã là mơ ước bao lâu nay nên cậu không cảm thấy nuối tiếc nhiều.

Được biết, vào kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Dương đạt 26,4 điểm (trên thang điểm 30), đủ điểm đậu ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Thương mại.

"Em cảm thấy siêu hài lòng về kết quả của mình, phổ điểm năm nay và ngôi trường sắp tới em định theo học. Em nghĩ không chỉ em và rất nhiều bạn khác cảm thấy mãn nguyện khi đặt nguyện vọng của mình dựa trên điểm chuẩn năm ngoái", Dương bộc bạch.

Kẻ khóc, người cười sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn - 2

Trường Đại học Thương mại công bố điểm chuẩn năm 2022 (Ảnh: Đại học Thương mại)

Tại nhóm ngành Kinh tế, điểm chuẩn được ghi nhận ở mức cao (từ 24 trở lên) và không biến động quá nhiều so với năm 2021, chỉ chênh lệch 0,5-1 điểm. Học viện Ngân hàng và Trường Đại học Kinh tế quốc dân có chung xu hướng khi giảm nhẹ (0,4-0,7) mức điểm thấp nhất và cùng tăng (0,3-0,5) ngưỡng cao nhất, lần lượt lên mức 28,05 và 26,6. Với Đại học Thương mại, mức điểm thấp nhất tăng từ 25 lên 25,8.

Chia sẻ về việc chọn ngành Quản trị kinh doanh, Tùng Dương tâm sự, tương lai cậu muốn trở thành doanh nhân nên ngành này vô cùng phù hợp để trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết giúp cậu thực hiện mục tiêu.

Ngay sau khi biết điểm, nam sinh 18 tuổi đã thông báo cho cả gia đình biết tin và cả gia đình đều vui mừng với kết quả này, kỳ vọng vào môi trường học tập của cậu trong tương lai gần.

Sắp tới, gia đình Dương sẽ sắm sửa những đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống tân sinh viên như: bếp ăn, giường chiếu, máy tính cá nhân, phương tiện đi lại để phục vụ cho hành trình sắp tới của con trai.

Đoán trước được kết quả

Bạn Nguyễn Hiền Linh, quê tại Bắc Giang đã đăng ký nguyện vọng vào ngành Marketing của Học viện Bưu chính viễn thông. Linh chia sẻ, cô đã dùng phương thức xét tuyển thông qua kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Bách Khoa để nộp hồ sơ.

Được biết, nguyện vọng ưu tiên của Linh là Trường Đại học Thương mại nhưng vì kết quả thi tốt nghiệp THPT không như mong muốn nên cô chuyển sang xét điểm dựa trên bài thi đánh giá năng lực.

Kết quả vừa rồi nữ sinh 18 tuổi thi được 98 điểm, quy đổi ra thang điểm 30 là 19 điểm, cô được cộng thêm 0,75 điểm, vì vậy tổng điểm xét tuyển của cô là 20,35, thừa điểm đậu vào ngành Marketing.

Mặc dù kết quả không như kỳ vọng ban đầu nhưng nữ sinh vẫn cảm thấy vui vì ngành học và môi trường đại học sắp tới vẫn nằm trong dự tính và kế hoạch.

Chia sẻ về việc lựa chọn ngành Marketing, Linh bộc bạch: "Từ lâu em đã rất thích ngành này và cảm thấy trong tương lai ngành quảng cáo, Marketing sẽ có triển vọng về nghề nghiệp nên em đã quyết định lựa chọn ngành này dựa trên lời khuyên của thầy cô và bạn bè, anh chị đi trước".