Học sinh Hàn Quốc miệt mài đi học thêm, giáo viên kiếm triệu USD

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Tính đến năm 2020, có hơn 73.000 cơ sở dạy thêm ở Hàn Quốc và khoảng một nửa trong số đó ở Seoul. Ảnh quảng cáo của các trung tâm dạy thêm là một phần nổi bật của cảnh quan đô thị.

Chỉ cần đến Daechi-dong, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục trong xã hội Hàn Quốc. Quận này ở phía đông nam Seoul, là nơi có hàng trăm trường tư thục, nơi học sinh có thể học toán, tiếng Anh và hầu hết các môn học khác.

Trong khi các học sinh học thêm, cha mẹ của họ sẽ ngồi đợi trong xe ô tô. Đôi khi bố mẹ sẽ phải đợi tới 10 giờ tối, khi các trường học buộc phải đóng cửa.

Trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc đã cố gắng điều chỉnh lĩnh vực dạy thêm. Tuy nhiên, theo Cục thống kê Hàn Quốc, gần 3/4 học sinh tham gia các lớp học tư thục vào năm 2019.

Các trường tư thục ở Hàn Quốc được gọi là "hagwon" giảng dạy tất cả các môn học chính bao gồm toán, khoa học, nghiên cứu xã hội, tiếng Anh và các môn nghệ thuật.

Hagwon hiện đại đầu tiên được thành lập vào năm 1885 bởi nhà truyền giáo giám lý Hoa Kỳ Henry Appenzeller, người nói thông thạo tiếng Đức, Pháp và tiếng Anh. 

Appenzeller thành lập trường của mình như một vỏ bọc cho công việc truyền giáo, điều không được phép vào thời điểm đó, nhưng người Hàn Quốc đã sớm sử dụng ngôi trường này để học tiếng Anh.

Một thế kỷ sau, Tổng thống Chun Doo-hwan đã tuyên chiến với lĩnh vực dạy thêm. Một trong những động thái chính thức đầu tiên của ông vào năm 1980 là cấm tất cả các buổi dạy thêm ngoại khóa.  

Vào thập niên 80, phần lớn người dân hoan nghênh biện pháp này vì ý tưởng về một xã hội bình đẳng đã bám chặt vào hệ thống giá trị đạo đức của Hàn Quốc. Nhiều người phản đối suy nghĩ là những người giàu có hơn có thể "mua" nền giáo dục tốt hơn cho con cái họ nhờ những gia sư đắt tiền.

Đây cũng là một trong những lý do cho sự ra đời của đồng phục học sinh, được cho là để che giấu sự khác biệt về giai cấp.  

Học sinh Hàn Quốc miệt mài đi học thêm, giáo viên kiếm triệu USD - 1

Một lớp học ở Seongnam, Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: Getty Images).

Lệnh cấm kéo dài khoảng 10 năm, cho đến khi sinh viên đại học được phép làm gia sư riêng và sau đó Chính phủ cấp giấy phép cho một số cơ sở giáo dục. Nhưng việc tổ chức dạy thêm vẫn là vi phạm pháp luật và đã có những cuộc "truy quét" thường xuyên vào thập niên 90, phạt nặng bất kỳ giáo viên nào bị bắt quả tang. Một số người thậm chí đã phải ngồi tù.

Năm 1998, hiệu trưởng của Đại học Quốc gia Seoul, một trong những cơ sở giáo dục danh giá nhất của đất nước, thậm chí đã bị buộc phải từ chức sau khi bị phát hiện cho con gái học thêm rất tốn kém.

Dù thế nào, tầng lớp giàu có của Hàn Quốc vẫn có thể tìm cách lách luật. T.K. of AAK!, blogger người Hàn Quốc sống tại Mỹ, cho biết, sẽ không có gì ngăn cản người Hàn Quốc và việc giáo dục con cái của họ. T.K. of AAK! nói rằng việc cấm đoán chỉ làm tăng chi phí học thêm.

Những năm gần đây, tòa án hiến pháp của Hàn Quốc đã dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc dạy thêm vì cho rằng phán quyết đó vi phạm quyền của người dân được giáo dục con cái.

Dù vậy, các quy tắc về dạy thêm vẫn nghiêm ngặt và các trường tư thục vẫn bị cấm tính phí dạy thêm quá cao. Khoảng 10 năm trước, chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak quy định các trường tư thục không được mở cửa sau 10 giờ tối.

Tổng thống Moon Jae-in cũng đưa ra quy định rằng, các cơ sở tính học phí cao hơn 830 USD/tháng cho mỗi học sinh sẽ bị đóng cửa ngay từ khi vi phạm lần đầu.

Tính đến năm 2020, có hơn 73.000 cơ sở dạy thêm ở Hàn Quốc và khoảng một nửa trong số đó ở thủ đô Seoul. Các trường học này cũng chịu trách nhiệm một phần trong việc đẩy giá bất động sản lên cao, chẳng hạn như ở quận Gangnam, Seoul.

Điều này là do nhiều bậc cha mẹ muốn sống gần các hệ thống giáo dục tốt nhất để con cái họ có cơ hội tốt hơn được vào các trường đại học hàng đầu của đất nước, chẳng hạn như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei.

Lệnh cấm dạy thêm không phải là giải pháp bởi người Hàn Quốc sẽ tiếp tục chi tiêu đáng kể cho việc học của con cái họ. Điều đó cũng khiến áp lực đè nặng lên vai các học sinh ở Hàn Quốc.

Học sinh phương Tây có thể dành 8 giờ mỗi ngày ở trường nhưng học sinh Hàn Quốc thường dành 14 giờ mỗi ngày cho việc học ở trường, tới cơ sở luyện thi và các cơ sở giáo dục bên ngoài.

Học sinh Hàn Quốc miệt mài đi học thêm, giáo viên kiếm triệu USD - 2

Học sinh tại Hàn Quốc (Ảnh: Yonhap).

Ước tính các bậc cha mẹ ở Hàn Quốc đã chi hàng chục tỷ USD mỗi năm cho học phí tại các trường tư. Nhiều em học từ sớm đến khuya, ít có thời gian vui chơi, thư giãn.

Chi phí giáo dục tư nhân chiếm khoảng 12% tổng chi tiêu hộ gia đình và được cho là nguyên nhân làm giảm tỷ lệ sinh của Hàn Quốc. Năm 2021, số em bé chào đời ở Hàn Quốc là khoảng 261.000, đây là con số thấp nhất trong 20 năm qua. Năm 2021 cũng là năm thứ 4 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận tổng tỷ suất sinh dưới một. 

Năm 2013, một nghiên cứu về trẻ em ở quận Seocho-gu, Seoul, cho thấy gần như cứ 7 em thì có 1 em bị cong cột sống, tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với 10 năm trước.

Ít nhất 3/4 học sinh trung học ở Seoul bị cận thị và các bác sĩ phát hiện ra rằng ngày càng nhiều trẻ mắc "hội chứng cổ rùa", trong đó đầu của trẻ cúi về phía trước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do tư thế ngồi không đúng.

Chính phủ Hàn Quốc cũng luôn cố gắng kiềm chế các trường tư thục. Trường bị cấm hoạt động sau 10 giờ tối và các thanh tra đặc biệt có thể kiểm tra bất kỳ ngôi trường nào bị nghi ngờ vi phạm quy tắc. Mức học phí theo giờ đã được giới hạn và gần đây nhất, các hagwon đã bị cấm đưa vào tài liệu giảng dạy trước chương trình ở trường.

Nhiều người Hàn Quốc vô cùng tự hào về vai trò của giáo dục đối với tăng trưởng kinh tế của một đất nước mà vào năm 1945 là một trong những nước nghèo nhất thế giới, với tỷ lệ biết chữ là 22%.

Trong khi thừa nhận những thiếu sót của hệ thống giáo dục, một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định rằng hệ thống này đã cung cấp những nhân viên lành nghề cho các ngành công nghiệp tiên tiến.

Sirgoo Lee, giám đốc điều hành của Kakao, ứng dụng trò chuyện di động nổi tiếng, nói: "Tôi nghĩ chúng ta có thể làm tốt hơn nhưng sự quan tâm thực sự mạnh mẽ đối với giáo dục và sự cạnh tranh rất khốc liệt trong giáo dục đã tạo ra một thế hệ trẻ rất tài năng, xuất sắc".

Son Joo-eun, người sáng lập Megastudy, công ty giáo dục tư nhân nổi tiếng Hàn Quốc từng cho biết, những học sinh trượt đại học ở lần thi đầu tiên thường đến hagwon lúc 8 giờ sáng và ở lại đến 10 giờ tối.

Một số giáo viên dạy thêm ở Hàn Quốc có thể kiếm được bộn tiền, Cha Kil-yong, giáo viên toán có phong cách và tính cách hào hoa giống những người nổi tiếng Hàn Quốc, từng tiết lộ anh có thu nhập 8 triệu USD vào năm 2013.

Rose Lee là một trong những giáo viên tiếng Anh thành công và nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc. Cô kiếm tiền thông qua các lớp học trực tuyến. Năm 2009, "nữ hoàng tiếng Anh" có thu nhập khoảng 7 triệu USD.

Kim Ki-hoon cũng là giáo viên tiếng Anh nổi tiếng có thu nhập hàng Top ở xứ kim chi. Anh ấy ước tính mình đã kiếm được khoảng 4 triệu USD vào năm 2013 từ các bài giảng trực tuyến của mình.

Gia sư "ngôi sao" cho biết, có khoảng 1,5 triệu người Hàn Quốc đã theo học các lớp học của anh trong 12 năm. Tuy nhiên, Kim Ki-hoon giống như một số người khác cũng cho rằng, không cần thiết phải có hệ thống trường tư như vậy.