GS Phạm Tất Dong: "Xã hội học tập là cuộc cách mạng giáo dục triệt để"
(Dân trí) - Xã hội học tập là một cuộc cách mạng giáo dục triệt để. Nếu như chúng ta có được một xã hội học tập, toàn bộ phương châm, nguyên tắc, triết lý về giáo dục sẽ thay đổi hẳn.
GS.TS Phạm Tất Dong, cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy về vấn đề xây dựng xã hội học tập tại hội nghị chuyên đề: "Công tác thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" ngày 10/5.
Đủ yếu tố để có phong trào toàn dân xây dựng xã hội học tập
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, có ba vấn đề cốt lõi cho thấy cần một cuộc vận động quần chúng rộng lớn trong cả nước về xây dựng xã hội học tập.
Thứ nhất, sự nghiệp chúng ta đang muốn phát triển phải gắn bó, quan hệ mật thiết với sự hưng thịnh, sự sống còn của xã hội trong một giai đoạn nhất định. Đây là điều kiện cơ bản. Chẳng hạn, sau Cách mạng tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "chống giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm". "Giặc" là vấn đề nếu không diệt được, không thắng được sẽ chết, do đó mới có phong trào toàn quốc chống giặc dốt.
Thứ hai, sự nghiệp đó đang thể hiện được xu thế chung của thế giới hiện nay, tiếp cận với những xu thế vĩ mô của sự phát triển xã hội trên thế giới. Như phong trào "xã hội học tập", hầu như tất cả quốc gia tiến bộ đã đi và đi trước Việt Nam rất xa. Nếu chúng ta không làm điều này sẽ cực kỳ lạc hậu, tụt hậu hơn nữa, bởi vậy đòi hỏi phải có phong trào quần chúng rất rộng rãi.
Thứ ba, sự nghiệp đó phải hướng tới những mục tiêu cách mạng triệt để. "Sau nhiều năm làm nghiên cứu lý luận về xã hội học tập, tôi cho rằng xã hội học tập là một cuộc cách mạng giáo dục triệt để. Nếu như chúng ta có được một xã hội học tập, toàn bộ phương châm, nguyên tắc, triết lý về giáo dục sẽ thay đổi hẳn. Ví dụ, có một nền giáo dục mở, sẽ có quan điểm chỉ đạo để rất nhiều ngành học, lĩnh vực học phải cho nhân dân "với tay tới", mọi rào cản đều được gỡ bỏ", GS Dong nói.
Ông khẳng định, 3 yếu tố trên đã xứng đáng để tạo nên một phong trào toàn dân thực hiện sự nghiệp xây dựng xã hội học tập.
Nhìn nhận lại lịch sử phát triển của đất nước, những phong trào trước đây như "Truyền bá quốc ngữ", "Bình dân học vụ", "Bổ túc văn hóa" hoàn toàn không phải là vấn đề chỉ trong giáo dục. Ví dụ, với "Bình dân học vụ", mỗi lớp học, mỗi nhóm học bình dân là một tổ kháng chiến, hay đi học bình dân là kháng chiến, là yêu nước. Với phong trào "Bổ túc văn hóa", không có nhà máy nào, cơ quan nào, xóm làng nào, nhóm nào không đi học.
"Chúng ta là quốc gia hơi đặc biệt. Chưa có một quốc gia nào trong chiến đấu, chiến tranh khốc liệt mà con chữ lại đi theo chiến sĩ ra mặt trận, theo đoàn dân công ra hỏa tuyến, con chữ ra tận cánh đồng với người dân. Vậy thì xã hội học tập là một nền giáo dục mở, cũng sẽ đến với mọi người", GS Dong chia sẻ.
Cần sớm hình thành hệ thống giáo dục mở, không có rào cản
Để phát động phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, theo GS Dong, cần nhớ lại lời Bác Hồ từng nói: "Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, chúng ta nhất định thắng, địch nhất định thua". Như vậy, phải từ "người người" thi đua, đến "nhà nhà", rồi "ngành ngành" mới có thể thực hiện được. Trước nay, phong trào thi đua này mới chỉ do Hội Khuyến học Việt Nam phát động trong hệ thống của mình, chưa trở thành phong trào chung của cả nước.
GS Dong cho rằng nội dung cốt lõi, cơ bản nhất để chỉ đạo phong trào cần theo Kết luận 49 của Ban Bí thư, tinh thần của Kết luận 49 cần được nêu đầy đủ. Bên cạnh đó, phong trào nên do nguyên thủ quốc gia phát động, làm tổng tư lệnh. "Không xây dựng xã hội học tập, chúng ta sẽ là nước lạc hậu. Ví dụ, không triệt để xóa mù kỹ năng thì điều "tai hại" là ngay trong đại dịch Covid-19 vừa qua, hơn 119.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2021, không phản ứng kịp với thế giới biến động", GS Dong cho hay.
Ông cũng cho rằng phong trào này cần là một phong trào đồng thuận của toàn dân với chủ trương "Người người thi đua, nhà nhà thi đua".
Tác dụng cần có của phong trào là sớm hình thành một hệ thống giáo dục mở, tức một hệ thống giáo dục không có rào cản với bất cứ cơ hội đi học nào. Thực hiện được điều này sẽ khó, nhưng rất cần thiết. "Nếu như còn rào cản, chúng ta không thể nào làm cho xã hội đi vào nền kinh tế tri thức trong chuyển đổi số quốc gia được. Phải làm thế nào giúp những năng lực tiềm ẩn đủ để tạo ra sự phát triển kinh tế xã hội bền vững", GS Dong nói.
Ông nhấn mạnh, sự nghèo nàn về tri thức là điều nguy hiểm. Bởi vậy, thông qua phong trào, cần giúp mỗi người phát huy được tất cả tiềm năng, năng lực vốn có.
Với cơ quan giữ vai trò thường trực, thực hiện các nhiệm vụ mà tổng tư lệnh phong trào giao phó, GS Dong đề xuất Bộ Giáo dục Đào tạo, vì chỉ có Bộ Giáo dục Đào tạo mới quán xuyến được những vấn đề về học tập. Tất nhiên, Bộ phải đổi mới rất nhiều trong quản lý mới làm được vai trò này.
"Có thể nói, phong trào này sẽ vô cùng vĩ đại nếu như sau 10 năm, chúng ta thấy nó phát huy được tác dụng", GS Dong chia sẻ.
Thúc đẩy sự học suốt đời trong nhân dân
Theo Hội Khuyến học Việt Nam, trong những năm qua, Hội cùng Bộ Giáo dục đào tạo đã có nhiều cố gắng triển khai các nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập. Song, kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
Chất lượng nguồn nhân lực tuy được nâng lên, nhưng vẫn còn ở cung bậc thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam năm 2019 chỉ bằng 7,64% so với Singapore, gần 20% của Malaysia, gần 38% của Thái Lan và gần 46% so với Indonesia.
Những số liệu trên đặt cạnh công cuộc đổi mới đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, khát vọng một Việt Nam hùng cường,... mới thấy chúng ta đã bỏ phí nhiều năm trên con đường phát triển. Nguyên nhân phần nhiều do thiếu một nền giáo dục mở, thực học, thực hành; học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập chưa trở thành "lẽ sống", nhu cầu hàng ngày của người dân; chưa trở thành phong trào mang tính quốc gia, toàn dân, toàn diện; chưa có sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Bởi vậy, rất cần thiết có một phong trào thi đua trên bình diện cả nước, thúc đẩy sự học suốt đời trong nhân dân. Đây cũng là cách tốt nhất thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị và đóng góp không nhỏ vào mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hùng cường theo Nghị quyết Đại hội Đảng XII.
Trước đó, tại hội nghị ngày 10/5, các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi và đều đồng tình, ủng hộ nhân rộng phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập trên quy mô quốc gia.