GS Nguyễn Hữu Tú: Mở đào tạo ngành y tràn lan hậu quả sẽ rất lớn và kéo dài

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Tình trạng mở đào tạo ngành y tràn lan của nhiều trường đại học hiện nay khiến dư luận quan tâm vì đây là ngành nghề đặc biệt, quyết định trực tiếp sức khỏe và tính mạng của con người.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 30 cơ sở đào tạo ngành Bác sĩ Y đa khoa bao gồm cơ sở công lập và ngoài công lập. Số các cơ sở đào tạo Bác sĩ Y đa khoa tăng nhanh trong những năm gần đây.

GS Nguyễn Hữu Tú: Mở đào tạo ngành y tràn lan hậu quả sẽ rất lớn và kéo dài - 1

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội.

Cần có sự tham gia nhiều hơn của Bộ Y tế

Phóng viên: Thưa GS, hiện nay, có rất nhiều trường đại học công lập và ngoài công lập được mở đào tạo ngành sức khỏe, nhiều ý kiến cho rằng, không nên mở đào tạo ngành y tràn lan và cảnh báo hậu quả khôn lường, ý kiến GS như thế nào?

GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Tôi đồng tình với ý kiến không nên mở ngành đào tạo khoa học sức khỏe tràn lan bởi đây là ngành nghề đặc biệt, quyết định trực tiếp sức khỏe và tính mạng của con người. Nếu chất lượng của sản phẩm đào tạo không đảm bảo hậu quả đối với hệ thống sẽ rất lớn và kéo dài. Ngoài ra đào tạo tràn lan gây mất cân đối ngành nghề, dư thừa nhân lực khi thiếu vị trí việc làm, tác động tiêu cực tới đào tạo chất lượng.

Phóng viên: Theo GS, cần làm gì để đảm bảo chất lượng đào tạo ngành y?

GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Để đảm bảo chất lượng đào tạo, khi mở ngành y cần rất

Ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, đang kiểm tra, rà soát lại tất cả các trường có mở ngành y.

nhiều điều kiện khắt khe của cả cơ sở đào tạo lẫn người học. Điều kiện của cơ sở đào tạo đã được quy định trong Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT.

Đối với người học nhiều năm nay Bộ GD-ĐT cũng đã có quy định điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng của khối ngành khoa học sức khỏe. Như vậy vấn đề là chúng ta cần thực hiện đúng các quy định hiện hành; tăng cường hoạt động giám sát và kiểm tra của các cấp quản lý.

Theo tôi Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT đã quy định về điều kiện mở mã ngành mới, nhưng thông tư cần được rà soát lại, điều chỉnh để phù hợp hơn với yêu cầu thực tế, nâng cao chất lượng của cơ sở đào tạo, đặc biệt cần có sự tham gia nhiều hơn của Bộ Y tế.

Chi phí đào tạo chương trình bác sĩ y khoa là 14,3 triệu/năm

Phóng viên: Để trở thành bác sĩ thời gian đào tạo mất bao lâu, kinh phí như thế nào thưa GS?

GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Tại Việt Nam hiện nay đào tạo bác sỹ y khoa kéo dài 6 năm, là giai đoạn đào tạo nền tảng cơ bản, học viên phải tiếp tục giai đoạn đào tạo chuyên khoa hay sau đại học, kéo dài tối thiểu 2 năm.

Theo khung học phí quy định hiện nay đối với các trường công lập học phí của chương trình bác sĩ y khoa là 14,3 triệu/năm. Nếu ước tính đúng theo định mức kinh tế kỹ thuật mức học phí ít nhất sẽ là 60-70triệu/năm. Mức học phí này ở các nước phát triển cao gấp 10-30 lần.

GS Nguyễn Hữu Tú: Mở đào tạo ngành y tràn lan hậu quả sẽ rất lớn và kéo dài - 2

 Thời gian đào tạo một bác sĩ ra trường kéo dài 8 năm

Phóng viên: Trường ĐH Y Hà Nội là đầu tàu đào tạo ngành y, vậy tuyển sinh và chương trình đào tạo của trường như thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ sinh viên tốt nghiệp ra trường?

GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Trường ĐH Y Hà Nội luôn cố gắng tìm cách duy trì và nâng cao chất lượng bằng nhiều hoạt động hệ thống trong những năm qua: điều chỉnh phương án tuyển sinh để nâng cao chất lượng sinh viên đầu vào; đổi mới toàn diện đào tạo đại học (chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, vật liệu dạy học, lượng giá, tăng cường năng lực ngoại ngữ và nghiên cứu khoa học...); đầu tư cơ sở vật chất; mở rộng cơ sở thực hành.

Phóng viên: Phương án tuyển sinh năm 2021 của trường ĐH Y Hà Nội có đổi mới gì không thưa GS?

GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Phương án tuyển sinh năm 2021 cơ bản như năm 2020, trường tuyển sinh 9 mà ngành cho cơ sở chính và Phân hiệu Thanh Hóa với tổng chỉ tiêu 1200-1300 sinh viên. Trường sẽ xét tuyển chủ yếu dựa trên kết quả kỳ thi THPTQG.

Để tăng cường năng lực ngoại ngữ, trường dự kiến sẽ dành 10% chỉ tiêu ưu tiên cho học sinh có thêm các chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh và Pháp. Trường cũng dự kiến chỉ tuyển cử nhân điều dưỡng chương trình tiên tiến (dạy bằng tiếng Anh) tại cơ sở chính, trong khi chương trình cử nhân điều dưỡng thông thường sẽ đào tạo tại phân hiệu.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn GS!

Thủ tướng ký Quyết định thành lập Hội đồng y khoa quốc gia

Chiều 15/01/2021, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao Quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia và Quyết định bổ nhiệm Lãnh đạo Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Hội đồng Y khoa Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế.

GS Nguyễn Hữu Tú: Mở đào tạo ngành y tràn lan hậu quả sẽ rất lớn và kéo dài - 3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia và Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Hội đồng Y khoa Quốc gia. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo đó, việc thành lập Hội đồng nhằm thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; phù hợp với thông lệ quốc tế về việc tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, việc thành lập Hội đồng Y khoa theo đúng các cam kết quốc tế về chuẩn năng lực ngành Y, thực hiện hội nhập quốc tế và tiến tới công nhận văn bằng chứng chỉ lẫn nhau, trực tiếp nhất nhằm nâng cao chất lượng nhân lực ngành Y, từ đó gắn với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong khối sức khỏe.

Với mô hình tổ chức đặc thù, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị, Hội đồng Y khoa Quốc gia sớm ban hành quy chế hoạt động, xây dựng cơ chế tổ chức các kỳ thi định kỳ cấp chứng chỉ hành nghề khoa học, minh bạch, thiết thực, công bằng, đạt chuẩn quốc tế, không nhiêu khê.

Trước hết, các kỳ thi dành cho sinh viên y khoa mới tốt nghiệp, từng bước có lộ trình thích hợp dành cho bác sĩ đã hành nghề nhiều năm. Các kỳ thi góp phần tạo động lực cho đội ngũ cán bộ y tế trau dồi, nâng cao năng lực nghề nghiệp; chuẩn hóa đội ngũ y bác sĩ ở cơ sở; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân; tác động tích cực đến các cơ sở đào tạo y khoa.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế, giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội, giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách.

Điều kiện để mở ngành đào tạo khối ngành sức khỏe

Các yêu cầu, điều kiện để mở ngành đào tạo khối ngành Sức khỏe theo quy định tại Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT cao hơn so với các ngành khác. Cụ thể: Để mở nhóm ngành sức khỏe, giảng viên và người hướng dẫn thực hành của trường phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo.

Mỗi môn học phải có ít nhất một giảng viên cơ hữu có văn bằng phù hợp với môn học giảng dạy. Cụ thể ngành Y đa khoa có tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 6 tiến sĩ y học lâm sàng và một tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng). Ngành Y học cổ truyền cần tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 3 tiến sĩ y học cổ truyền và một tiến sĩ y học dự phòng hoặc y tế công cộng.

Ngành Răng - Hàm - Mặt được quy định có tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 2 tiến sĩ y học lâm sàng và 3 tiến sĩ Răng - Hàm - Mặt. Ngành Y học dự phòng cần tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, một tiến sĩ y học lâm sàng và 4 tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).

Thông tư 22 cũng nêu chi tiết điều kiện cơ sở vật chất đối với một số ngành thuộc nhóm sức khỏe. Các ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt, Y học dự phòng, Điều dưỡng ít nhất phải có phòng thí nghiệm, thực hành về Sinh học và di truyền y học, Lý sinh, Hóa học, Giải phẫu, Mô phôi, Sinh lý, Hóa sinh, Vi sinh - Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh...

Bên cạnh đó, khối ngành sức khỏe là khối ngành đào tạo đặc thù, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018 đã quy định Bộ GDĐT quản lý và cấp phép mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe có sự tham gia của Bộ Y tế.

Với tất cả các hồ sơ mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, bên cạnh việc thẩm định các điều kiện cho phép mở ngành đào tạo của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế theo quy định, các cơ sở giáo dục đại học phải công khai hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định lên trang thông tin điện tử của trường để các bên liên quan và toàn xã hội cùng giám sát.