"Góp cơm"… để kiếm con chữ

Nguyễn Tú

(Dân trí) - "Góp cơm" để đến trường không còn là việc xa lạ đối với các em học sinh miền núi ở Nghệ An. Đằng sau những nắm cơm đó là mồ hôi, nước mắt của mẹ và thầy cô giáo với mong muốn kiếm con chữ.

Góp cơm… để kiếm con chữ - 1

Một bữa ăn của các em học sinh miền núi.

Mẹ trằn trọc nghe gà gáy sang canh

"5h sáng, ta đã dậy rồi đấy! Bữa nào dậy muộn là không kịp đâu, nó đi học xa không có cơm để ăn trưa đâu", bà Lương Thị Huyền ở bản Noóng Mò xã Xiềng My huyện Tương Dương (Nghệ An) đã mở lời với tôi như vậy.

"Nó" mà bà Huyền đề cập là thằng cháu Lô Bảo Ngọc (học lớp 5 tuổi tại điểm trường bản Chon thuộc trường mầm non xã Xiềng My). Chẳng biết đi xe, chẳng biết xin ai ngồi, bà đành cuốc bộ vượt mấy con dốc để đưa Bảo Khang đến trường học cái chữ.

Góp cơm… để kiếm con chữ - 2

Những người mẹ hằng ngày vẫn xách cơm đến trường cho các con.

 Sáng nào cũng vậy, bà Huyền dậy sớm nấu nướng cho cả nhà và không quên một phần vào cặp lồng để tí nữa mang đến trường góp cơm cho Ngọc ăn trưa.

Có thâm niên hàng chục năm gắn bó với các điểm trường ở Tương Dương, cô Ngô Thị Mơ, Hiệu trưởng trường Mầm non Xiềng My huyện Tương Dương (Nghệ An) chẳng còn xa lạ với câu chuyện "góp cơm".

"Vì gia đình các cháu ở cách các điểm trưởng ở quá xa, trong khi trường chưa thể nấu ăn bán trú. Nếu không "góp cơm" thì không thể đảm bảo việc học cả ngày cho trẻ", cô Mơ tâm sự.

Rời trường mầm non Xiềng My, chúng tôi ngược lên trường Tiểu học xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Nhà xa trường nhiều km đường dốc quanh co, để duy trì 2 buổi học/ngày, học sinh trường này cũng đã phải đùm cơm đến trường ăn trưa.

Ngoài cặp sách trên lưng, mỗi em còn mang thêm cặp lồng đựng cơm để đến trường nộp cho cô. Sau khi nhận cơm của các học trò, các cô cất vào bếp để sau giờ học buổi sáng các em sẽ dùng cho bữa trưa.

Góp cơm… để kiếm con chữ - 3

Với các em học sinh ở đây việc góp cơm để kiếm con chữ không còn xa lạ.

"Chứng kiến bữa ăn trưa của các em mà lòng tôi chợt se sắt. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa rét cơm nguội lạnh, nhìn những phần cơm mà thương các em lắm", Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lượng Minh trải lòng.

"Ngày nào cũng vậy, những bữa cơm của các em chỉ có rau xanh, muối trắng… hay bất cứ thứ gì ăn được, mà mẹ cha các em mang từ rừng về. Chẳng thể đủ đầy nhưng đó là tất cả những cố gắng để con đường đến trường của các em không bị gián đoạn", thầy Thanh cho biết thêm.

 Tất cả… vì con chữ

Góp cơm… để kiếm con chữ - 4

Những bó rau rừng là thức ăn thường xuyên của các em.

Đặc thù giáo dục vùng miền núi là khó khăn vì có nhiều điểm trường lẻ. Để đảm bảo công tác dạy học 2 buổi/ngày, ngành Giáo dục Nghệ An đã có chủ trương sáp nhập các điểm trường . Với bậc Mầm non và một số điểm của bậc Tiểu học, việc sáp nhập gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù các cháu còn nhỏ tuổi và khoảng cách giữa các điểm trường cách nhau quá xa.

Được biết,  các huyện miền núi Nghệ An như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong… có đến gần 670 điểm trường lẻ thuộc bậc Mầm non và Tiểu học. Trong số đó đang còn hơn 600 điểm trường lẻ mà phụ huynh và giáo viên đang phải cùng chung sức để cùng nhau tổ chức ăn bán trú cho trẻ theo hình thức "góp cơm" cho con đến trường.

Ngoài cắt cử phụ huynh tham gia "trực nhật" để phụ giúp nhà trường nấu ăn, dọn dẹp cho trẻ; các trường còn kêu gọi tự nguyện của phụ huynh chăm sóc vườn rau xanh quanh trường để bữa ăn của các cháu thêm phong phú.

Góp cơm… để kiếm con chữ - 5

Bên cạnh đó, các phụ huynh còn tham gia trực nhật, vệ sinh để phụ giúp nhà trường.

 "Chúng tôi rất lo và quan tâm đến đảm bảo chất lượng bữa ăn. Hàng tháng, phòng giáo dục đã tổ chức những buổi tập huấn, hướng dẫn nấu bữa ăn, kiểm tra định kỳ dinh dưỡng bữa ăn… Sau bữa trưa, các cháu được nghỉ đảm bảo sinh hoạt theo đúng giờ giấc của bậc học", cô Nguyễn Thị Châu, Trưởng phòng GD&ĐT Quỳ Châu  cho biết.

Những nỗ lực ấy của các trường vùng cao đã khiến cho tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày, bán trú ở mức cao.  Nhờ đó chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ từng bước được cải thiện, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm dần hàng năm; công tác xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả cao...

Tại hội thảo công tác phối hợp gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục Mầm non; lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An nhấn mạnh: "Mỗi địa phương phải xác định rõ gia đình, nhà trường và cộng đồng luôn là "tam giác vàng" giáo dục quan trọng đối với mỗi đứa trẻ. Các huyện vùng miền núi cần nỗ lực hơn trong việc huy động các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục".

Dẫu rằng việc dạy học còn quá nhiều thiếu thốn, giáo viên phải cùng lúc thực hiện 3 nhiệm vụ: dạy lớp ghép, nấu bán trú và chăm sóc trẻ nhưng trong nhiều năm qua nhờ có những bữa cơm như vậy mà các em học trò  người dân tộc Thái, Khơ mú… đã đến trường chuyên cần hơn.