Gợi ý giải môn Văn, khối D kỳ thi ĐH 2010

(Dân trí) - Môn Văn được nhiều thi sinh đánh giá là bất ngờ trong buổi thi đầu tiên của đợt thi ĐH thứ 2. Bài giải gợi ý môn Văn, khối D kỳ thi ĐH đợt 2 năm 2010 dưới đây do TS. Đinh Phan Cẩm Vân - Trung tâm BDVH và LTĐH Vĩnh Viễn thực hiện.

 
 
ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2010

Môn: NGỮ VĂN; Khối: D

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể  thời gian phát đề

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

CâuI.(2,0 điểm)

Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân , việc nhân vật Tràng “nhặt” được vợ đã khiến cho những ai ngạc nhiên? Sự ngạc nhiên của các nhân vật đó có ý nghĩa như thế nào về nội dung và nghệ thuật?

Câu II. (3,0 điểm)

Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhóang.

Từ ý  kiến trên anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về sự nguy hại của đạo đức giả đối với con người và cuộc sống.

PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Thí  sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu III.a hoặc III.b)

Câu III.a. Theo Chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Cảm nhận anh/chị về đoạn thơ sau:

những tiến đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo chòang đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vần trăng chếnh chóang

trên yên ngựa mỏi mòn 

Tây Ban Nha

hát nghêu ngao

bỗng kinh hòang

áo chòang bê bết đỏ

Lor-ca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du 

tiếng ghi ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ  tan

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy

(Đàn ghi ta của Lor-ca – Thanh Thảo, Ngữ văn 12,

Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 164-165)

Câu III.b. Theo Chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “bát cháo hành ”  mà nhân vật thị Nở mang cho Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ (Đời Thừa – Nam Cao).

BÀI GIẢI GỢI Ý

CâuI.(2,0 điểm)

      Thí  sinh nên trả lời câu hỏi này dưới hình thức một văn bản ngắn.

      Đây là một số nội dung nên có :

      * Việc anh Tràng nhặt được vợ gây ngạc nhiên cho rất nhiều người:

      - Người dân xóm ngụ cư khi họ thấy anh Tràng đưa cô vợ nhặt về nhà.

      - Bà cụ Tứ, mẹ anh Tràng, ngạc nhiên vì sự xuất hiện của cô vợ nhặt tại nhà mình (đây là một cô gái trẻ, lại không phải là con cái Đục, lại gọi mình bằng U).

      - Chính bản thân anh Tràng. Anh cũng không ngờ chỉ tầm phơ tầm phào có vài bận mà thành vợ thành chồng. Nhìn chị ngồi trên giường mà anh cứ ngỡ là không phải. Thậm chí đến sáng hôm sau, anh cứ ngỡ từ trong giấc mơ bước ra.

      * Về mặt nghệ thuật, việc anh Tràng nhặt vợ  trở thành một tình huống truyện độc đáo, được  đặt thành tựa đề của truyện. Điều đó  tạo nên yếu tố kịch tính, éo le, hấp dẫn, lôi cuốn đối với người đọc. Có lẽ, đây là lần đầu tiên chi tiết “nhặt vợ” được xuất hiện trong văn học Việt Nam.

      * Về mặt nội dung, việc anh Tràng nhặt vợ thực chất là việc chấp nhận cưu mang, đùm bọc một người đang ở vào hoàn cảnh tận cùng tuyệt vọng của sự đói khổ. Do đó nó đã góp phần quan trọng vào việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm: trong hoàn cảnh cận kề cái đói, cái chết, những người đói không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến sự sống, yêu thương, đùm bọc, khát khao xây dựng hạnh phúc gia đình.

Câu II. (3,0 điểm)

      Thí  sinh có thể trình bày theo những cách thức riêng. Tuy nhiên, bài viết cần đáp ứng những yêu cầu cơ  bản của đề bài :

      - Văn bản ngắn có độ dài khoảng 600 từ.

      - Trình bày ý kiến của người viết về sự nguy hại của đạo đức giả đối với con người và cuộc sống.

      Sau đây là một số gợi ý :

      * Giải thích đạo đức giả là gì và nội dung của câu nói : Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng để khẳng định nội dung của câu nói đề cập đến sự nguy hại của thói đạo đức giả. Đạo đức giả là tình trạng con người bề ngoài tỏ ra đạo đức nhưng trong ý nghĩ và trong lòng chứa nhiều âm mưu, thủ đoạn và sự gian trá. Đây là một căn bệnh chết người bởi vì nó góp phần hủy hoại đời sống con người, nó góp phần đẩy những đời người vào tình huống đau đớn và trớ trêu, vào những nghịch cảnh đầy oan khiên.

      * Phân tích và chứng minh để làm rõ tác hại to lớn của đạo đức giả đối với con người và cuộc sống.

+ Hủy hoại phẩm chất tốt đẹp của con người: kẻ  đạo đức giả thường là người độc ác, nham hiểm, giả dối.

+ Hủy hoại cuộc sống:

      _ Biến kẻ đạo đức giả trở thành là  một con người bệnh hoạn, nguy hiểm: bên trong một  đàng, bên ngoài một nẻo; thực chất con người và  biểu hiện bề ngoài khác biệt nhau…

      _ Gia đình và xã hội không còn lòng tin cậy, sự hòa hợp, bình an. Mọi người luôn phải dè chừng, cảnh giác và đối phó lẫn nhau. Chính vì vậy, từ xưa đến nay, người ta luôn lên án sự giả dối: miệng nam mô, bụng một bồ dao găm; bề ngoài thơn thớt nói cười mà trong nham hiểm giết người không dao…

      * Bài học cần rút ra:

+ Nhận thức sự nguy hại của đạo đức giả, lối sống đạo đức giả và lên án nó.

+ Khẳng định sự cần thiết và giá trị của lối sống trung thực, chân thật.

+ Dũng cảm chấp nhận trả giá để sống trung thực, chân thật.

Câu IIIa: Chương trình chuẩn

Cảm nhận về đoạn thơ trong bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca" của Thanh Thảo

      A/ Yêu cầu hình thức : Thí sinh biết làm bài văn nghị  luận văn học, dạng phân tích và bình giảng một  đoạn thơ để cảm nhận giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật, bài làm có kết cấu chặt chẽ, văn viết trôi chảy, diễn đạt ý sáng rõ, giàu cảm xúc, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả.

      B/  Yêu cầu nội dung : Trên cơ sở nắm chắc kiến thức về tác giả Thanh Thảo và bài thơ  "Đàn ghi ta của Lor-ca", thí sinh trình bày được những ý chính sau :

      1/ Thanh Thảo là nhà thơ trẻ tài hoa, khẳng định tài năng trong kháng chiến chống Mĩ. Sau 1975, nhất là trong thời kỳ đổi mới văn học, ông có  nhiều nỗ lực trong cách tân thơ Việt với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội cảm qua hình thức thơ tự do, hiện đại bằng những hình ảnh và ngôn từ mới mẻ. Thơ ông giàu chất suy tư, mãnh liệt, phóng túng, ít nhiều nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực. Bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca" trích trong tập thơ "Khối vuông Ru-bic" (1985) của ông đã thể hiện sự ngưỡng mộ, ca ngợi tinh thần đấu tranh cho tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của nhà thơ G. Lor-ca, một nghệ sĩ tài hoa sáng chói của văn học Tây Ban Nha ở đầu thế kỉ 20. Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng Lor-ca trong bài thơ cứ làm ám ảnh, day dứt trong tâm hồn người đọc.

      2/ Hình tượng G. Lor-ca :

      a. Sau khi đề từ bằng câu thơ như lời di chúc của thiên tài Lor-ca "Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn", nhà thơ Thanh Thảo đã đưa người đọc về hình tượng người nghệ sĩ - chiến sĩ Lor-ca. Cần phát hiện và cảm nhận về những hình ảnh thơ giàu chất dân gian của xứ sở đấu bò tót "áo choàng đỏ gắt" tượng trưng cho người chiến sĩ tuyên chiến, thách thức với chế độ độc tài, phát xít Phrăng-cô của Tây Ban Nha lúc bấy giờ, "trên yên ngựa mỗi mòn" gợi lên hình ảnh người nghệ sĩ dân gian của bộ tộc Bô-hê-miêng (Digan) sống lang thang du mục, cô độc, say mê cái đẹp "với vầng trăng chếnh choáng". Xuyên suốt đoạn thơ cũng như cả bài thơ, hình ảnh "đàn ghi ta", "tiếng đàn" : tượng trưng cho nghệ thuật thơ ca của đất nước Tây Ban Nha, nghệ thuật thơ ca, tiếng lòng của Lor-ca.

      b. Hình tượng người nghệ sĩ tài hoa Lor-ca đang "hát nghêu ngao" trên đất nước Tây Ban Nha, bỗng bị bọn độc tài lén lút thủ tiêu thật kinh hoàng với hình ảnh "áo choàng bê bết đỏ". Nhưng người nghệ sĩ, chiến sĩ ấy vẫn ngẩng cao đầu, xem cái chết nhẹ tợ lông hồng : "Lor-ca bị điệu về trường bắn, chàng đi như người mộng du".

      c. Nhà thơ Thanh Thảo trong niềm cảm xúc đầy ngưỡng mộ, tiếc thương cho "tiếng ghi ta", tiếng lòng của Lor-ca. "Tiếng ghi ta nâu" : Lời trầm lắng yêu thương. "Tiếng ghi ta xanh biết mấy": biết bao hi vọng trong đấu tranh cho tự do và cách tân nghệ thuật. "Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan" : Tất cả không còn nữa. Thật là bàng hoàng, tức tưởi, thống thiết : "Tiếng ghi ta ròng ròng, máu chảy".

      Đó là tấm lòng thành của nhà thơ Thanh Thảo qua cái nhìn "biệt nhãn liên tài" đối với nghệ sĩ thiên tài Lor-ca.

      3/ Qua nghệ thuật thơ mới mẻ, hiện đại mang màu sắc tượng trưng, siêu thực, với ngôn ngữ thơ  giàu nhạc tính, hình ảnh thơ giàu chất liệu văn hoá dân gian của đất nước Tây Ban Nha, nhà thơ Thanh Thảo đã ca tụng thơ ca và nhân cách nghệ sĩ cao đẹp của G. Lor-ca, thật hay, đặc sắc.

Câu III.b. Theo Chương trình Nâng cao

      * Giới thiệu tác giả - tác phẩm và chi tiết nghệ thuật :

      I. Nội dung :

      1. Hoàn cảnh nhân vật :

      - Chí Phèo (trong tác phẩm cùng tên) và Hộ (Đời Thừa) là hai nhân vật điển hình trong sáng tác của Nam Cao trước cách mạng tháng Tám:

      + Chí Phèo : hình ảnh người nông dân bị đẩy vào con đường bần cùng, bế tắc.

      + Hộ : hình ảnh người trí thức nghèo tiểu tư  sản bị xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy vào con đường bần cùng, bế tắc.

      Þ Chí Phèo và Hộ đều rơi vào bi kịch.

      2. Chi tiết nghệ thuật :

      - Hình ảnh “bát cháo hành” của Thị Nở trao cho Chí Phèo và “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm”của Từ trao cho Hộ đều là biểu tượng thể hiện cho tấm lòng và tình yêu.

      - Sau khi nhận được tình cảm ấy cả hai (Chí  Phèo, Hộ) đều thay đổi.

      - Thể hiện ước mơ và khát vọng hạnh phúc.

      - Nó được xem như là một phương tiện cứu rỗi linh hồn, thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của nhà văn Nam Cao qua nét nhìn thấu hiểu tâm tư, trân trọng khát vọng hạnh phúc của những số phận nhiều bi kịch trong xã hội tăm tối trước cách mạng tháng Tám.

      3. Đánh giá chung :

      - Qua 2 chi tiết nghệ thuật độc đáo cảm nhận được ngòi bút hiện thực và nhân đạo đặt sắc của nhà văn Nam Cao.

      - Bộc lộ sự thấu hiểu của hoàn cảnh và  số phận con người.

      - Góp phần tạo nên vẻ đẹp nhân văn của tác phẩm.

TS. Đinh Phan Cẩm Vân
(Trung tâm BDVH và LTĐH Vĩnh Viễn)