Góc nhìn của người trẻ về bình đẳng giới

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Trong khóa tập huấn "Thanh thiếu niên và bình đẳng giới" vừa diễn ra tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nhiều thanh thiếu niên được chia sẻ, nhận diện những định kiến và khuôn mẫu giới, nói lên quan điểm của mình.

"Từ nhỏ, em thường nghe bố mẹ và ông bà nói rằng con trai chúng em phải mạnh mẽ lên, phải giỏi giang để không thua kém ai vì sau này con trai sẽ là trụ cột gia đình. Trước đây em thấy điều đó cũng đúng", là một trong những chia sẻ của 40 thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại huyện Vân Hồ, Sơn La.

Sống từ nhỏ trong môi trường gia đình và cộng đồng có những niềm tin như vậy, lâu dần những điều đó ăn sâu vào tiềm thức của một số thanh thiếu niên, vô tình duy trì và củng cố thêm các đánh giá thiên lệch về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ (định kiến giới) và những kỳ vọng, áp đặt của xã hội đối với vai trò, vị thế, hành vi ứng xử của nam giới và nữ giới (khuôn mẫu giới).

L.T.V. cũng như nhiều bạn gái, sau khi học hết lớp 9 thường được mọi người khuyên "Con gái học thế là đủ rồi, ở nhà lấy chồng thôi". V. cảm thấy rất buồn và ấm ức về điều đó. Ước mơ của V. là tiếp tục học cao hơn nữa để có tri thức và có cơ hội được làm những công việc mà mình yêu thích. Nhưng V. không biết làm thế nào để em có thể thuyết phục gia đình ủng hộ những dự định và hoài bão của mình.

Góc nhìn của người trẻ về bình đẳng giới - 1
Nhiều vấn đề bình đẳng giới được các bạn thanh thiếu niên dân tộc thiểu số chia sẻ (Ảnh: VSF).

Hãy bắt đầu từ ngày hôm nay

Trong khóa tập huấn "Thanh thiếu niên và bình đẳng giới" vừa diễn ra trong tuần đầu tháng 4 tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, do quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ tổ chức, lần đầu tiên 40 bạn thanh thiếu niên biết đến một số khái niệm cơ bản liên quan đến bình đẳng và bình đẳng giới. Các em có cơ hội nhận diện định kiến và khuôn mẫu giới đang tồn tại trong bản thân mình, gia đình và cộng đồng. Các bạn đã thấu hiểu rằng, năng lực và phẩm chất của một người hoàn toàn không phụ thuộc vào giới tính của người đó và tất cả mọi người đều bình đẳng.

Góc nhìn của người trẻ về bình đẳng giới - 2
Các bạn trẻ tìm hiểu về bình đẳng giới thông qua các hoạt động trải nghiệm (Ảnh: VSF).

Thông qua các bài tập trải nghiệm và hoạt động thu thập, tổng hợp và phân tích các thông tin về nguyên nhân, hậu quả của từng vấn đề, cũng như về vai trò của thanh thiếu niên, các bạn đã nhận ra rằng mọi thay đổi phải bắt đầu từ hôm nay.

Góc nhìn của người trẻ về bình đẳng giới - 3
Bà Trần Hồng Điệp (áo hồng) điều hành tập huấn và tọa đàm (Ảnh: VSF).

"Hãy bắt đầu từ ngày hôm nay" cũng là thông điệp của tọa đàm "Chuyện bình đẳng - góc nhìn của người trẻ", được VSF và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ tổ chức ngay sau khóa tập huấn. Tọa đàm có sự tham gia của 40 bạn thanh thiếu niên dân tộc thiểu số và 21 phóng viên, cán bộ truyền thông trẻ.

Bà Trần Hồng Điệp, Phó giám đốc VSF, chia sẻ: "Là một quỹ xã hội, phi lợi nhuận với sứ mệnh thúc đẩy thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là các mục tiêu về công bằng, giáo dục, sức khỏe và môi trường, chúng tôi luôn tin tưởng vào khả năng thay đổi và tiên phong của các bạn trẻ trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Với vai trò là người điều hành của cả khóa tập huấn và tọa đàm, tôi thực sự rất vui khi các bạn trẻ đã có những giải pháp rất cụ thể và khả thi để xóa bỏ các định kiến giới và khuôn mẫu giới trong bản thân, gia đình, cộng đồng. Trong thời gian tới, VSF sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn để các sáng kiến này có thể được triển khai trên thực tế".

Khóa tập huấn "Thanh thiếu niên và bình đẳng giới" và tọa đàm "Chuyện bình đẳng - góc nhìn của người trẻ" là 2 hoạt động trong tổng 6 hoạt động của dự án "Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng", do VSF triển khai với nguồn hỗ trợ tài chính từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, từ tháng 10/2022. Bên cạnh đó, VSF cũng đối ứng ngân sách cho dự án từ lợi nhuận của chương trình bán bánh trung thu gây quỹ "Mùa trăng hy vọng" năm 2021.