Giáo viên mầm non hợp đồng "khốn đốn", tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài

Kiều Phương

(Dân trí) - Dịch Covid-19 khiến nhiều giáo viên mầm non hợp đồng rơi vào cảnh thất nghiệp, không lương. Trước thời kỳ "khốn đốn" chưa từng có hiện nay, nhiều người đành phải bỏ việc và tìm cho mình một ngã rẽ.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục và trường học trên cả nước phải tạm ngưng hoạt động. Việc học sinh nghỉ học kéo dài đã gây ra những ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là những "cô nuôi dạy trẻ" làm việc theo chế độ hợp đồng.

"Khóc ròng" vì những ngày "khốn đốn" chưa từng có!

Là giáo viên một trường mầm non tư thục tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, cô Nguyễn Phương H. không tưởng tượng nổi có ngày phải nghỉ việc không lương như thời điểm hiện tại.

"Sau Tết Nguyên đán năm 2020, lần đầu tiên tôi và đồng nghiệp phải tạm thời nghỉ dạy để phòng chống Covid-19. Những tưởng việc đóng cửa trường học chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, song, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến công tác giảng dạy bị tạm dừng hết đợt này đến đợt khác.

Thời gian đầu nghỉ dạy, nhà trường hỗ trợ nửa mức lương. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 bùng phát, chúng tôi nhận được thông báo nghỉ không lương. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại càng trở nên chật vật hơn bao giờ hết".

Theo cô Phương H., trước đây, trừ đi bảo hiểm, mỗi tháng mức lương của cô là hơn 5 triệu đồng. Tính cả tiền lương của chồng thì được hơn chục triệu, chỉ gọi là đủ chi tiêu cuộc sống nơi thành phố. Thời điểm này, Hà Nội giãn cách, công việc của chồng bấp bênh, cô H. cũng thất nghiệp nhiều tháng qua nên cả nhà rơi vào thế khó. Nếu hai vợ chồng thì có thể mì tôm qua bữa nhưng có con nhỏ nên đủ khoản tiền bỉm, sữa… phải chi tiêu. Gần 10 năm gắn bó với nghề dạy trẻ, cô Phương H. gọi đây là thời kỳ "khốn đốn" chưa từng có.

Giáo viên mầm non hợp đồng khốn đốn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài - 1

Nhiều giáo viên tư thục rơi vào cảnh thất nghiệp, không lương khi trường đóng cửa phòng dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Dịch Covid-19 cũng khiến cuộc sống của giáo viên Đỗ Thanh Hà (Thái Bình) gặp nhiều khó khăn. Vốn quen với không khí vui vẻ tại lớp học, nay phải "ở nhà tránh dịch" suốt 4 tháng dài đằng đẵng, cô Hà cảm thấy vô cùng bí bách. Chưa kể, số tiền dành dụm được đang dần cạn đi khi cô phải nghỉ dạy không lương.

"Dạy ở trường mầm non tư thục, cứ dừng việc là hết tiền. Nghỉ dịch ở nhà, không chỉ mất đi thu nhập mà chi phí sinh hoạt cũng phải chi trả nhiều hơn khi phải lo toan một ngày 3 bữa cơm cho gia đình. Chưa kể tiền điện, tiền nước cứ thi nhau tăng vọt do nắng nóng. Trước kia, tôi không quá đau đầu chuyện chi tiêu gia đình. Nhưng hiện tại, cả hai vợ chồng đều mất việc, tiền tiết kiệm ngày càng cạn kiệt, mua bán thứ gì cũng phải đặt lên bàn cân để chi ly, đong đếm" - cô Hà chia sẻ.

"Đứt ruột" xin bỏ nghề nuôi dạy trẻ

Dịch bệnh kéo dài suốt hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng rất nhiều tới công việc, cuộc sống của giáo viên, đặc biệt là những giáo viên mầm non tham gia công tác tại các trường tư thục. Rơi vào cảnh thất nghiệp, đối diện với những "kỳ nghỉ dài không lương", nhiều giáo viên mầm non đã chọn cho mình một ngã rẽ.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát, sau nhiều đêm trăn trở, cô giáo Nguyễn Thị Phúc đã quyết định từ bỏ công việc nuôi dạy trẻ để trở về quê tại Hải Dương làm công nhân.

"Suốt từ năm ngoái tới nay, giáo viên mầm non chúng tôi liên tục rơi vào trường hợp "dở khóc dở mếu". Cứ đi dạy được vài tháng thì lại có đợt dịch mới, trường học buộc phải đóng cửa, lại nghỉ không lương. Vòng luẩn quẩn lặp lại nhiều lần khiến tôi chán nản.

Mặc dù rất tiếc nuối khi đã gắn bó với công việc dạy trẻ 6 năm, nhưng cuộc sống không đảm bảo nên tôi đành xin nghỉ làm công việc khác, tự cứu mình và gia đình".

Theo cô Phúc, trở về quê làm công nhân, công việc vất vả, "đầu tắt mặt tối" từ 7h sáng đến 6h tối nhưng mỗi tháng, cô đều nhận được mức lương ổn định, đủ chi tiêu. Trở về quê, cuộc sống của cô và gia đình cũng "dễ thở" hơn khi cắt giảm được tiền nhà trọ, thực phẩm cũng phong phú hơn khi cô có thể tự trồng rau, nuôi cá.

Chung cảnh ngộ, chị Đoàn Thu Trang (26 tuổi, Hải Phòng) cũng quyết định từ bỏ công việc giáo viên mầm non do gặp quá nhiều khó khăn và thử thách. Huy động vốn từ người thân, chị Trang mở cho mình một cửa hàng thời trang nhỏ. Thu nhập từ kinh doanh không nhiều nhưng cũng cuộc sống của chị bớt phần khó khăn.

"Cũng tiếc mấy năm học hành rồi đứng lớp, nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Với tình hình dịch bệnh thế này, nhiều giáo viên tư thục không còn thiết tha gắn bó với nghề. Tại nơi tôi làm, cũng có một vài cô giáo đã xin nghỉ việc. Ai cũng có cho mình những nỗi niềm riêng".

Giáo viên mầm non "tự" cứu mình

Tuy nhiên, đối diện với sự khó khăn khi thất nghiệp và nghỉ không lương vô thời hạn, với tình yêu nghề, nhiều giáo viên vẫn cố gắng bám trụ, tìm cách để tự "cứu" mình.

Giáo viên mầm non hợp đồng khốn đốn, tính bỏ nghề vì thất nghiệp kéo dài - 2

Nhiều giáo viên mong muốn dịch bệnh được đẩy lùi để có thể quay trở lại với công việc dạy trẻ. (Ảnh minh họa)

Sau khi nhận thông báo tạm thời nghỉ làm từ tháng 5, với mong muốn có thêm thu nhập, cô giáo trẻ Lê Ngọc Lan (giáo viên mầm non tư thục tại Hải Phòng) đã kiêm thêm nghề "tay trái" là bán hàng online.

"Tôi chủ yếu bán các sản phẩm gia dụng như nước rửa chén, nước lau sàn… Thời gian đầu, mọi người cũng mua ủng hộ nhiều. Mỗi sản phẩm lãi một chút, giúp cuộc sống bớt vất vả phần nào. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dịch bệnh, người nào cũng khó khăn nên buôn bán nhỏ giọt lắm.

Tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ các giáo viên trường tư phải dừng việc như tôi" - cô Lan bày tỏ.

Thất nghiệp 4 tháng qua, song cô giáo mầm non Bùi Mai Hương không thể trở về quê do Hà Nội thực hiện giãn cách. "Mắc kẹt" ở Thủ đô, mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt đều được giáo viên này tiết kiệm tối đa.

Thừa nhận những khó khăn khi phải nghỉ dạy không lương, nhưng cô Hương chưa từng nghĩ đến chuyển việc khác vì còn rất yêu nghề, mến trẻ. Những năm chưa có dịch, khoảng thời gian này là lúc cả trường đang tất bật cho việc chuẩn bị năm học mới. "Chưa bao giờ tôi thấy, nghề giáo viên mầm non lại gặp khó khăn thế này. Nhớ trường, nhớ nghề, nhớ bọn trẻ quá", cô Hương ngậm ngùi.

Theo cô Hương, nếu gác lại nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền cùng nỗi nhớ học trò, thì những ngày nghỉ dịch cũng chính là dịp để giáo viên củng cố lại bản thân. Tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi, cô giáo này mày mò sáng tạo thêm nhiều đồ chơi mới lạ cho con trẻ.

"Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để tôi được tiếp tục công việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ thơ. Cũng thật mong những giáo viên mầm non hãy giữ vững tinh thần, suy nghĩ lạc quan. Biết đâu, sau giông bão sẽ là những ngày thật tươi sáng" - cô Bùi Lan Hương nhắn nhủ.