Quảng Bình:

Gian nan theo đuổi "con chữ online" giữa đại ngàn Trường Sơn

Tiến Thành

(Dân trí) - Ở hàng trăm bản làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc theo dãy Trường Sơn, các em học sinh cũng đang phải tìm đủ mọi cách để học online, giữ lấy cái chữ giữa mùa dịch Covid-19.

Lên núi tay cầm điện thoại, tay cầm bút

Bản Rào Con, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nằm lọt giữa vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ở Rào Con, sóng điện thoại, liên lạc vốn là thứ xa xỉ, chưa nói gì đến điện thoại thông minh hay mạng 3G.

Gian nan theo đuổi con chữ online giữa đại ngàn Trường Sơn - 1

Con đường vào bản Rào Con, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).

Vì đại dịch Covid-19, học sinh Quảng Bình phải học online gần 10 ngày qua mà chưa thể trở lại trường để học trực tiếp. Đây cũng là rào cản lớn đối với học sinh đồng bào dân tộc trong hành trình theo đuổi con chữ.

Ở bản Rào Con, phải vượt qua 2 quả đồi, lên tận đỉnh núi cách bản mấy cây số mới có thể "đón" được sóng 3G, nhưng cũng lúc có, lúc không. Đây thường là địa điểm mà các em học sinh tại Rào Con tìm đến mỗi ngày để kết nối mạng, lắng nghe cô thầy giảng dạy trực tuyến.

Gian nan theo đuổi con chữ online giữa đại ngàn Trường Sơn - 2

Em Hồ Thị Nguyệt và bạn vượt núi, cắt rừng tìm đến khu vực có sóng 3G để học online (Ảnh: Tiến Thành).

Cuốc bộ gần một giờ đồng hồ qua những con dốc dựng đứng tưởng chừng không có điểm dừng, tôi mới đến được với lán tạm mà dân bản Rào Con dựng lên để che nắng, mưa cho con em "đón" sóng 3G học online. Giữa không gian tĩnh lặng của núi rừng, những cô cậu học trò người Vân Kiều vẫn đang chăm chú nghe giảng bài qua chiếc điện thoại.

Gian nan theo đuổi con chữ online giữa đại ngàn Trường Sơn - 3

Giữa không gian tĩnh lặng của núi rừng, những cô cậu học trò người Vân Kiều vẫn đang chăm chú nghe giảng bài qua chiếc điện thoại (Ảnh: Tiến Thành).

Em Hồ Thị Nguyệt (SN 2006) là một trong những niềm hy vọng của bản Rào Con. Nguyệt từng giành được học bổng Vừ A Dính và đang theo học tại Trường THPT Ngô Thời Nhậm, Quận 9, TPHCM. Trong đợt nghỉ hè vừa qua, Nguyệt về thăm nhà, dịch bùng phát nên đang bị kẹt lại ở quê.

"Em phải mang theo sách vở, điện thoại lên đây để học chứ dưới bản không có mạng, ở đây mạng cũng chập chờn lắm, nhiều lúc nghe còn không rõ. Mấy hôm trước mưa gió em còn phải nghỉ mất mấy buổi", Nguyệt chia sẻ.

Gian nan theo đuổi con chữ online giữa đại ngàn Trường Sơn - 4

Lán tạm dựng trên đỉnh núi che mưa, nắng cho các em học sinh bản Rào Con "đón" sóng 3G học online (Ảnh: Tiến Thành).

Còn với Hồ Văn Trí, học sinh lớp 12, Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú tỉnh Quảng Bình cũng như các bạn ở Rào Con, dù phải đi rất xa mới có sóng để học online nhưng đó là điều may mắn và cũng là mơ ước của nhiều học sinh đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa khác của tỉnh Quảng Bình.

Không có bàn học, không giá đỡ điện thoại, dưới những chiếc lán tạm bợ hay tán cây rừng, những em học sinh tay cầm điện thoại, tay cầm bút vẫn say sưa học bài.

"Em lớp 12, sắp thi tốt nghiệp rồi nên phải cố gắng, lên đây bắt sóng vừa nghe thầy cô giảng, vừa tải thêm tài liệu về ôn tập. Có sóng mà học online thế này là sướng rồi anh ạ, chứ như bạn em ở bản Đoòng (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) còn không có sóng, bạn đang có ý định ra nhà em ở để lên đây cùng học", Trí tâm sự.

Gian nan theo đuổi con chữ online giữa đại ngàn Trường Sơn - 5

Em Hồ Văn Trí nhường bàn học và lán cho các em nhỏ hơn, còn mình thì tìm một phiến đá làm ghế, dùng chân làm bàn để học online (Ảnh: Tiến Thành).

Ở Rào Con, điện năng lượng lúc có lúc không, để khắc phục khó khăn, "tiếp sức" con em học tập, Trưởng bản Hồ Kiên đã mua xăng về tích trữ, khởi động lại chiếc máy nổ cũ từng được ủng hộ để sạc pin điện thoại sau mỗi buổi học cho các em học sinh.

Thầy trò cùng vượt khó

Ngược lên vùng Lòm hun hút xa của xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, việc học online của các em học sinh nơi đây cũng gian nan không kém. Học bài qua màn hình chiếc smartphone bé tí, sóng di động chập chờn, kiến thức công nghệ hạn chế khiến em Hồ Thị Thay, học sinh lớp 10 của Trường PTDT nội trú tỉnh Quảng Bình phải "mướt mồ hôi" tập làm quen.

Gian nan theo đuổi con chữ online giữa đại ngàn Trường Sơn - 6

Với vùng, sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Bình, nếu có sóng cũng chập chờn nên nhiều lúc tín hiệu điện thoại ngắt quãng, câu được câu mất (Ảnh: Tiến Thành).

Trước những khó khăn của các em học sinh, ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cùng một số cán bộ xã cũng đã cắt cử nhau bám bản, hướng dẫn học sinh học trực tuyến.

Theo ông Phạm Văn Bắc, điều kiện bà con dân bản còn nhiều khó khăn, lâu nay học sinh có điện thoại cũng chỉ là loại "cục gạch". Em nào bố mẹ quan tâm, bán ít lúa rẫy, con dê thì còn sắm được cho chiếc điện thoại để học. Nhiều em nhà nghèo, bố mẹ không có tiền mua máy, đành "bó tay".

Tại xã Trọng Hóa, 12 học sinh đang theo học Trường PTDT nội trú tỉnh Quảng Bình và Trường THCS và THPT Hóa Tiến cũng đã may mắn được hỗ trợ điện thoại để học online. Riêng học sinh tiểu học, chỉ có khoảng 20% đủ điều kiện học trực tuyến nên không thể triển khai được.

Gian nan theo đuổi con chữ online giữa đại ngàn Trường Sơn - 7

Nhóm học sinh tại bản Khe Ngang, xã Trường Xuân học chung trên một chiếc điện thoại (Ảnh: Tiến Thành).

Câu chuyện không có điện thoại học online cũng là vấn đề nan giải của nhiều phụ huynh và học sinh tại bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh. Suốt nhiều ngày qua, một nhóm học sinh lớp 8 tại bản này phải kéo đến nhà bạn học là em Hồ Thị Yến để học nhờ qua điện thoại.

Về phía các trường học tại Quảng Bình, thầy cô cũng đang nỗ lực khắc phục khó khăn để có thể truyền tải kiến thức đến với các em học sinh, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Nhiều trường học tại Quảng Bình cũng đang linh động, cử giáo viên về tận bản để hướng dẫn, giao bài tập cho từng học sinh trong thời điểm dịch Covid-19 hiện nay.

Trao đổi với Dân trí, thầy giáo Nguyễn Hải Dương, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú huyện Quảng Ninh, đóng tại xã biên giới Trường Sơn cho biết, năm học 2021-2022, toàn trường có 294 học sinh, trong đó có 179 em đồng bào Bru-Vân Kiều.

Gian nan theo đuổi con chữ online giữa đại ngàn Trường Sơn - 8

Nhiều trường học tại Quảng Bình, bên cạnh dạy online thì thầy cô cũng sẽ đến từng nhà để giao bài tập, hướng dẫn các em học tập (Ảnh: Tiến Thành).

Tại ngôi trường này, việc triển khai học trực tuyến chỉ áp dụng được đối với học sinh người kinh nhưng số lượng có phương tiện học online cũng rất hạn chế, chỉ được 30%. Số học sinh còn lại ở các bản làng xa xôi, nhà trường dạy học bằng cách in bài ra giấy rồi đến từng bản, đi từng nhà phát tận tay.

"Với mục tiêu đảm bảo kiến thức cho học sinh thì giáo viên nhà trường cũng đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, ngoài dạy online cũng luôn bám bản, bám học sinh để nắm bắt cụ thể năng lực các em, từ đó có phương án hướng dẫn hiệu quả nhất. Bên cạnh đó thầy cô cũng vận động phụ huynh, đặc biệt là bà con dân tộc quan tâm đến việc học của học sinh, không kéo con em đi rừng, đi rẫy, bỏ bê việc học hành", thầy Dương cho biết.

Qua khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Bình, tại địa phương này, số học sinh tiểu học đủ điều kiện học trực tuyến là 64,6%; THCS 62,2% và THPT 90,1%. Số lượng học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến phần lớn là con em hộ nghèo, cận nghèo; học sinh dân tộc thiểu số ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.