Giải pháp giáo dục sáng tạo giúp trẻ mầm non vượt qua rào cản đô thị
(Dân trí) - Phương pháp "Cộng đồng thực hành" được VVOB xây dựng và thực hiện trong khuôn khổ dự án CITIES - trở thành giải pháp giáo dục sáng tạo trong bối cảnh ngành giáo dục mầm non tại nhiều địa phương đang chịu sự tác động sâu sắc bởi sự phát triển đô thị.
Có thể nói rằng xu hướng đô thị tại Việt Nam đã và đang tạo ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho quá trình nâng cao chất lượng giáo dục và môi trường học tập, đặc biệt là trong môi trường giáo dục mầm non tại các thành phố ở Việt Nam, cả cô và trò đều phải đối mặt với những rào cản đô thị đặc thù trong hoạt động dạy và học.
Cộng đồng thực hành (CĐTH): Biến rào cản thành cơ hội cho trẻ em đô thị
"Quá trình học tập của trẻ em đô thị đang gặp phải hai rào cản lớn gồm: Những thay đổi về gắn kết xã hội và hạn chế trong việc tiếp cận không gian mở." Đây là nhận định quan trọng của VVOB - Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ khi triển khai dự án Cộng đồng ứng dụng Giáo dục sáng tạo trong giáo dục mầm non (CITIES) (giai đoạn 1 và 2) tại TP Đà Nẵng trong nhiều năm qua.
Từ việc xác định hai rào cản quan trọng này, VVOB đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và các trường mầm non để xây dựng giải pháp hỗ trợ phát triển chuyên môn cho giáo viên thông qua việc thành lập các Cộng đồng thực hành. Cộng đồng này gồm các giáo viên làm việc, học tập cùng nhau, đồng thời chia sẻ và thử nghiệm các ý tưởng mới trong hoạt động dạy và học tại các trường. Bên cạnh đó, các cán bộ quản lý cũng được tiếp cận với phương pháp cộng tác của Cộng đồng thực hành nhằm kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên thử nghiệm những phương pháp giáo dục mới.
Cho đến cuối năm 2021, đã có 8 trường mầm non tại Đà Nẵng trực tiếp thí điểm theo phương pháp tiếp cận này và đạt kết quả tích cực. Nổi bật là phương pháp giảng dạy đổi mới lấy cảm hứng từ nghệ thuật hay việc mang trường học ra phố - lấy chất liệu giáo dục từ chính những bản sắc văn hóa và nguồn lực của thành phố. Đây được xem là giải pháp để vượt qua rào cản tại đô thị và tận dụng cơ hội mà đô thị mang lại cho trẻ trong học tập. Trong giai đoạn 3 của dự án CITIES (cuối 2021-2022), "cộng đồng thực hành" cũng sẽ được nhân rộng tới 21 trường mầm non khác trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.
Tích hợp "Cộng đồng thực hành" vào hệ thống phát triển chuyên môn cho giáo viên
Trong giai đoạn 2 của dự án CITIES, đội ngũ giáo viên đã thực hành và áp dụng rất tốt mô hình "Cộng đồng thực hành". Theo đó, giáo viên tận dụng đa dạng các nguồn lực từ đời sống đô thị và biến chúng trở thành nguồn học liệu không giới hạn để tăng cường các kết nối của trẻ với thế giới xung quanh. Các hoạt động như sáng tạo trang phục đáng yêu từ vật liệu tại gia đình, khám phá giác quan thông qua vật liệu tự nhiên hay vẽ sáng tạo từ các chất liệu mở,… luôn thu hút được sự tham gia học tập và sự hứng thú của trẻ.
Bên cạnh đó, việc tận dụng cơ hội tiếp cận với môi trường và nguồn nghệ thuật hiện hữu sẵn có trong thành phố cũng là một giải pháp có hiệu quả cao. Cô Nguyễn Thị Thanh Thảo (Phó Hiệu trưởng trường mầm non Rạng Đông, Đà Nẵng) chia sẻ về việc thử nghiệm này: "Sau thời gian thử nghiệm và ứng dụng các giải pháp mới từ "Cộng đồng thực hành" như: tăng cường các hoạt động tham quan, cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với các công trình kiến trúc, không gian văn hóa hay sử dụng đa dạng các học liệu mở trong hoạt động học tập,… tôi nhận thấy trẻ tương tác tích cực hơn, chủ động hơn trong các hoạt động, trẻ kết nối tốt hơn và đặc biệt là trẻ tiếp thu và nhớ kiến thức nhanh hơn. Cũng nhờ vậy mà không khí lớp học lúc nào cũng vui vẻ và nhiều tiếng cười."
Sau thời gian triển khai tại các trường mầm non ở TP Đà Nẵng, mô hình cho thấy tính hiệu quả thông qua nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, đồng thời, cải thiện đáng kể chất lượng giáo dục. Những thành quả này là tiền đề quan trọng cho việc tích hợp mô hình "Cộng đồng thực hành" vào chương trình giáo dục trên các đô thị toàn quốc.
Tiếp tục nhân rộng phương pháp "Cộng đồng thực hành" nhằm nâng cao năng lực cho giáo viên và cải thiện chất lượng giáo dục mầm non tại thành phố Đà Nẵng, cũng như hướng đến việc tích hợp "Cộng đồng thực hành" vào hệ thống phát triển chuyên môn giáo viên là những mục tiêu quan trọng của dự án CITIES giai đoạn 3 đang được triển khai thực hiện tại Đà Nẵng trong năm 2022.