“Được mùa” học sinh khá giỏi nhờ phòng học bộ môn

(Dân trí) - Phòng học bộ môn do các nhà khoa học Anh khởi xướng vào năm 1830. Nhà trường châu Âu là nơi phát triển hình thức dạy học này. Ở Việt Nam, thời Pháp thuộc đã có các phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, đến nay, các phòng học này vẫn chưa thể “khẳng định” được mình.

Trong hai ngày 9 và 10/12, tại Đà Lạt, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo “Tổ chức quản lý và sử dụng phòng học bộ môn (PHBM) ở trường THCS” để bàn các định hướng phát triển cho PHBM. Các tham luận của đại biểu đến từ 64 tỉnh, thành trong cả nước đã cho thấy sức mạnh của PHBM trong việc đưa tỷ lệ học sinh khá giỏi lên đáng kể.

Như tại tỉnh Thái Nguyên, qua khảo sát thực tiễn, Sở GD-ĐT đã kết luận có đến 90-95% học sinh thích học theo PHBM với các lý do như: thay đổi không khí sau mỗi môn học nên dễ tiếp thu bài, tránh nhàm chán, được tiếp cận với công nghệ thông tin, được tiếp xúc và làm quen với nhiều đồ dùng dạy học… Số học sinh khá giỏi cũng tăng lên đáng kể với trung bình mỗi năm tăng từ 10 đến 15%.

Tại trường THCS Hải Phương, Hải Hậu (Nam Định), chất lượng các môn học được nâng lên rõ rệt khi cho học sinh học PHBM. Năm học 2002-2003, trường có 21,8% HS giỏi, đến năm 2007- 2008, số HS giỏi đã tăng thêm gần 4%. Số HS yếu thì ngược lại giảm tới gần 4%.

Theo nhận xét của Ths Phạm Văn Nam (Viện Chiến lược giáo dục) thì với đối tượng HS giỏi chỉ tăng 1% cũng đã là rất đáng quý, đối tượng HS yếu thì giảm dù chỉ 1% cũng lại càng đáng quý hơn!

Tại trường THCS Trần Huy Liệu (Vụ Bản - Nam Định), tỷ lệ này đã thực sự trở nên đột biến nhờ PHBM. Nếu như học kỳ II năm học 2006-2007, đối với môn Tin học, trường có 26% HS giỏi thì đến học kỳ II năm học 2007- 2008 đã có tới 53% HS giỏi.

Lãnh đạo các Sở GD-ĐT đều chung nhận xét rằng PHBM đã tạo ra môi trường học tập tích cực, tạo được hứng thú học tập cho HS, là cơ sở để nâng cao chất lượng học tập của các em. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về nhận thức của một số cán bộ quản lý giáo viên cũng cần phải được quan tâm nhiều hơn.

Nhiều người lo ngại khó quản lý HS trong PHBM (vì tại đây dễ xảy ra tình huống mất trật tự, trốn học so với các phòng học truyền thống), một số giáo viên không muốn thay đổi phương thức dạy học cũ, ngại tương tác giữa thầy và trò…

Hiện Bộ GD-ĐT đang xúc tiến đẩy mạnh việc triển khai PHBM tại các tỉnh, thành và coi đó như là một trong những mục tiêu chiến lược tạo nên thành công trong việc “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Về lâu dài thì trường nào cũng cần PHBM cho từng môn học hoặc liên môn. Song trước mắt, Dự án Trung học cơ sở 2 (Bộ GD-ĐT) đã xây dựng mới 318 trường THCS, mỗi trường 6 PHBM gồm các môn: Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh vật, Ngoại ngữ và thư viện hiện đại theo mô hình PHBM của Singapore bao gồm 1 phòng học và 1 phòng thực hành rộng 75 m2….

Một vài hình ảnh không khí học tập tại PHBM lớp 7A trường Hermann Gmeiner - Đà Lạt, môn Lịch sử chiều 9/12:

 
“Được mùa” học sinh khá giỏi nhờ phòng học bộ môn - 1

Các nhóm chụm đầu sôi nổi bàn cách tìm các phương án trả lời câu hỏi
 
“Được mùa” học sinh khá giỏi nhờ phòng học bộ môn - 2

Tranh nhau giơ tay phát biểu
 
“Được mùa” học sinh khá giỏi nhờ phòng học bộ môn - 3

HS đứng vào vị trí của thầy giáo để các em
vừa là người dạy, cũng vừa là người học
 
“Được mùa” học sinh khá giỏi nhờ phòng học bộ môn - 4

Học trò hát vang bài hát Thành cổ Thăng Long trước khi kết thúc bài học.

Tin, ảnh: Lê Châu