Du học sinh bị lãng quên?

Một du học sinh ở Romania đã gửi cho chúng tôi bài viết này, bày tỏ những bức xúc của nhiều du học sinh về mức học bổng thấp. Suốt 5 tháng nay, họ không nhận được học bổng, phải chạy vạy mượn tiền đến nỗi giờ đây không còn chỗ để vay mượn nữa....

Tôi hiện đang là lưu học sinh tại Trường ĐH Tổng hợp dầu khí Ploiesti Universitatea Petrol - Gaze din Ploiesti ở Romania. Đoàn chúng tôi gồm 9 người được Bộ GD-ĐT cử sang Romania học tập theo chương trình hợp tác về giáo dục giữa hai Chính phủ Việt Nam và Romania (quyết định số: 5345/QĐ-BGD-ĐT-HTQT của Bộ GD-ĐT).

Tôi viết bài này nhằm nêu lên một vài vấn đề về học bổng mà chúng tôi đang gặp phải.

Hiện nay, mỗi người chúng tôi đang được hưởng học bổng hằng tháng là 200 USD bao gồm 150 USD từ Chính phủ Việt Nam và 50 USD từ Chính phủ Romania.

Mức học bổng này là thấp so với mức sống trung bình của nước bạn. Chúng tôi đã từng làm đơn xin Bộ GD-ĐT nâng mức học bổng lên để chúng tôi có thể sống và học tập tốt hơn. Nhưng đơn của chúng tôi đã bị từ chối.

Tôi hiểu rằng trong lúc đất nước còn nghèo thì những đòi hỏi của mình, mặc dù là chính đáng, cũng nên gác lại. Chúng tôi cố gắng sống tiết kiệm và luôn cố gắng học tập thật tốt để sau này quay về phục vụ đất nước. Chúng tôi được đại sứ quán hứa sẽ phát học bổng từng quý là 450 USD vào đầu mỗi quý.

Tuy nhiên, số tiền 450 USD đó không đến tay chúng tôi một cách dễ dàng mà thường bị chậm từ 1-2 tháng, cho nên đối với chúng tôi, chuyện nợ nần là chuyện thường tình.

Ở chỗ chúng tôi có các bạn đi theo học bổng của công ty dầu khí và Đề án 322, các bạn được học bổng cao hơn (các bạn theo Đề án 322 được hưởng mức 250 USD/tháng) và được nhận tiền cả năm vào đầu mỗi năm. Các bạn thông cảm cho hoàn cảnh của chúng tôi nên cũng thường cho chúng tôi mượn tiền, đến lúc có học bổng thì trả lại cho các bạn ấy.

Cuộc sống của chúng tôi là: vay mượn trang trải, lúc nhận học bổng thì trả nợ, rồi sau đó vài tuần lại... vay tiếp. Cứ thế, không lúc nào thoát khỏi cảnh nợ nần. Điều đó đối với chúng tôi đã thành quen nên chúng tôi có thể chịu đựng được.

Tuy nhiên, suốt 5 tháng gần đây chúng tôi chưa hề nhận được học bổng từ phía Việt Nam. Chúng tôi phải chạy vạy để vay mượn đến nỗi giờ đây không còn chỗ để vay mượn nữa.

Các bạn đi theo học bổng của công ty dầu khí và Đề án 322 yêu cầu chúng tôi trả tiền để mua vé máy bay về Việt Nam nghỉ hè, chúng tôi chỉ có thể hứa trong hy vọng rằng: "Chắc là chúng tớ sắp có học bổng rồi...".

Ở đây còn có 10 bạn mới sang từ tháng 11/2005. Từ lúc sang đây đến giờ, đã gần 6 tháng trôi qua mà các bạn vẫn chưa nhận được học bổng từ phía Bộ GD-ĐT. Số tiền ít ỏi mang từ nhà sang để "phòng thân" đã tiêu hết từ thuở nào. Các bạn vẫn cố gắng học tập tốt trong khi lòng đầy lo lắng về số phận của mình, không biết có bị lãng quên nơi đất khách quê người này không?!

Phần lớn các bạn do Bộ GD-ĐT cử đi đều có hoàn cảnh khó khăn. Thông (quê ở Bình Định), bạn cùng phòng và cùng khoa Công nghệ lọc hóa dầu với tôi đã từng đoạt một giải nhất và một giải nhì quốc gia và hiện đang là sinh viên xuất sắc nhất khoa (điểm trung bình học kỳ 1 của Thông là 9,8) nói với tôi: "Tình trạng kiểu này chắc học ở đây 5 năm, không được về lần nào quá...". 

Đêm nằm nghe Thông kể về ba mẹ ở Việt Nam phải dậy sớm ra đồng, về đứa em nhỏ đang ngày ngày mong anh trở về mà tôi thương quá. Nhưng giờ tôi có thể giúp được gì khi hoàn cảnh gia đình tôi cũng chẳng khác gì Thông.

Hai đứa chìm vào giấc ngủ sau một ngày học tập mệt mỏi nhưng trong đầu vẫn lảng vảng câu hỏi: ngày mai lấy tiền đâu để mà trả nợ, mà sống đây...

Trần Công Nhật

(UPG din Ploiesti , Bldul Bucuesti , nr 39, caminul 3, cam 201 - ROMANIA)

 

Ông Nguyễn Xuân Hải - chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) cho rằng, có thể do sự trục trặc ở khâu thông tin!

 

Những lưu học sinh được Bộ GD-ĐT cử sang nước bạn học tập theo hiệp định ký kết hợp tác về giáo dục giữa hai chính phủ được gọi là lưu học sinh diện hiệp định.

 

Trước năm 2001, toàn bộ lưu học sinh được cử đi học theo diện hiệp định không có chế độ cấp bù sinh hoạt phí, bởi mọi chi phí do phía bạn đài thọ.

 

Xét tình hình thực tế cần có một khoản tiền hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam, ngày 17/10/2001, Chính phủ đã có Công văn số 4913/VPCP-QHQT về việc giải quyết chế độ sinh hoạt phí, cấp vé máy bay và xin biên chế quản lý lưu học sinh ở một số nước, đồng ý với các nội dung về chế độ sinh hoạt phí, cấp bù sinh hoạt phí cho lưu học sinh đào tạo theo hiệp định.

 

Theo quy trình, Bộ GD-ĐT là cơ quan đầu mối. Sau khi nhận được danh sách lưu học sinh diện hiệp định do Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại gửi về Bộ GD-ĐT, Vụ Hợp tác quốc tế lập danh sách, kiểm tra lại danh sách, sau đó gửi sang Vụ Kế hoạch-Tài chính làm công văn đề nghị cấp bù sinh hoạt phí cho lưu học sinh.

 

Việc các lưu học sinh đang theo học tại Romania chưa nhận được sinh hoạt phí hơn 5 tháng qua, có thể do sự trục trặc ở khâu thông tin. Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã lập tức liên lạc với ông Phạm Văn Độ - cán bộ quản lý lưu học sinh Việt Nam tại Romania... Chỉ trong thời gian ngắn nữa, các lưu học sinh diện hiệp định tại Romania sẽ nhận được sinh hoạt phí.


Theo Thanh Niên