Đổi mới chương trình, SGK: Nước nghèo, đừng quá lãng phí!

(Dân trí) - Tại hội nghị Tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Đề án đổi mới vẫn còn thiếu phương án cụ thể, nếu làm không cẩn thận sẽ rất lãng phí vì nước ta còn nghèo.

Hội nghị Tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 do Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng (UB VH GDTTN&NĐ) của Quốc hội tổ chức nhằm củng cố và hoàn chỉnh các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban đối với dự thảo Nghị quyết mới của Quốc hội về vấn đề này thay cho Nghị quyết số 40/2000/QH10 mà Chính phủ đã có Tờ trình.

Từ năm 2016 sẽ có chương trình, sách giáo mới để chạy thử nghiệm

Từ năm 2016 sẽ có chương trình, sách giáo mới để chạy thử nghiệm.

Đề án thiếu phương án cụ thể!

Thẳng thắn phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm UB VH GDTTN&NĐ cho biết: “Định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) đã tuân thủ quy định của Luật Giáo dục sửa đổi. Tuy nhiên, vì là định hướng nên trong Đề án nhìn chung thiếu các phương án cụ thể như phương án phân ban ở THPT cần được đổi mới cơ bản; trong Đề án cũng nên cụ thể hóa về mục tiêu, yêu cầu và nội dung làm cơ sở cho việc thực hiện xây dựng chương trình. Trong giải pháp cho việc tổ chức triển khai thực hiện CT và SGK mới chỉ đề cập đến những nội dung thuộc về chuyên môn chủ yếu thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT”.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, toàn bộ 5 “giải pháp” nêu trong dự thảo Đề án thật ra chỉ là “nội dung” đề án, tức là công việc dự định làm. Cụ thể, đề án thiếu những nghiên cứu về lý luận phát triển, thiếu đội ngũ chuyên nghiệp chương trình và biên soạn sách giáo khoa. Chương trình làm theo kiểu cắt khúc và cần phải xây dựng chương trình tổng thể cùng một lúc, dưới sự chỉ đạo của cùng một “tổng công trình sư”. Trong khi đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa theo kịp đổi mới về CT, SGK. Cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới".

“Cứ theo đề án này thì không rõ trong tương lai sẽ có một hay nhiều bộ SGK. Và, nếu có nhiều bộ SGK như yêu cầu cầu của xã hội thì ngoài SGK do Bộ GD-ĐT trực tiếp tổ chức biên soạn, nhưng bộ SGK do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn sẽ được trình cho ai duyệt, thẩm định và dạy thử nghiệm vào lúc nào. Đề án không thể xây dựng trên cơ sở giả thiết chỉ có một bộ SGK như từ trước đến nay. Thậm chí việc xây dựng chương trình cũng nên có “khoảng trống” để tiếp thu sáng kiến của xã hội” - GS Thuyết đề nghị.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lương Ngọc Toản nói: “Tôi thấy đúng là ta chưa tìm được Tổng chủ biên đủ tầm để quán xuyến xuyên suốt toàn bộ CT và SGK của cả 3 cấp tiểu học, THCS,THPT”.

PGS Toản kiến nghị: “Song song với việc triển khai CT, SGK phổ thông mới thì nên dịch CT, SGK của nước có nền giáo dục phổ thông tốt như Phần Lan, Nhật chẳng hạn. Nếu dịch nên dịch các sách của các môn Khoa học tự nhiên những môn học này mang tính chất quốc tế, cho vận dụng vào những trường có điều kiện cơ sở vật chất tương đương như trường nước ngoài, mời chuyên gia của họ sang bồi dưỡng phương pháp dạy học, cách thức lãnh đạo, điều hành nhà trường. Làm như vậy, trong một thời gian chúng ta có ngay những trường đạt chuẩn quốc tế. Chúng ta cũng có ngay căn cứ so sánh với CT, SGK và để các nhà biên soạn CT, SGK của ta học tập, từ đó giúp cho việc đổi mới CT và SGK của ta có lối ra, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được niềm tin cho xã hội”.

Nước nghèo khó thay đổi liên tục chương trình, sách giáo khoa

Theo dự thảo đề án cho biết, do tốc độ phát triển quá nhanh của khoa học, kỹ thuật (trong đó có khoa học giáo dục) và sự biến đổi mau lẹ của đời sống, thời gian tồn tại của một chương trình giáo dục phổ thông ngày càng được rút ngắn, từ 10 năm cuối thế kỷ XX nay chỉ còn 5 - 6 năm, thậm chí ngắn hơn. Cũng theo đề án, giai đoạn 2014 đến tháng 6/2016 sẽ hoàn thành nghiên cứu cơ sở khoa học về đổi mới CT, SGK, hoàn thành việc biên soạn SGK thử nghiệm các môn học lớp 1, lớp 6 và lớp 10; hoàn thành việc xây dựng kế hoạch chạy thử nghiệm CT, SGK và đánh giá chương trình...

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, thông tin này chắc chắn sẽ làm nhiều người lo lắng, vì một đề án được chuẩn bị trong vòng 8 năm (từ nay đến 2022) với rất nhiều công sức và chi phí như đề án này mà chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 5 - 6 năm thì rất lãng phí. Một nước còn nghèo như nước ta khó có thể liên tục thay đổi CT, SGK như vậy. Theo tôi, đề án cần đưa ra được giải pháp thiết kế CT, SGK mới thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng này. Ví dụ: thiết kế với phần cứng, phần mềm và độ mở linh hoạt, cho phép tiếp nhận những yếu tố mới mà không thay đổi nhiều.

Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Hữu Châu nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định, trong đề án có những thông tin chưa thật sự thuyết phục, đôi chỗ còn áp đặt. Cụ thể, trong mục “Xu thế quốc tế về xây dựng CT và SGK” có nhận định “cuối thế kỉ 20 đến nay thời gian tồn tại một chương trình giáo dục chỉ còn 5 - 6 năm. Không rõ thông tin đó lấy từ nguồn nào. Đây chỉ là cá biệt của một nước hoặc đối với chương trình của một vài môn học chứ nhất quyết không phải là xu thế chung của thế giới. Một chương trình chưa thực sự trải nghiệm qua ít nhất một vòng cho cả hệ thống 12 năm, mới chỉ được nửa hệ thống (5 - 6 năm) đã thay đổi, đó là chuyện cực kì vô lý.

GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội kiến nghị: “Trước sự thay đổi to lớn của giáo dục hiện nay thì rất cần phải có những tổng kết, đánh giá, khách quan, lại phải có sự so sánh, đối chiều những ưu điểm, nhược điểm trong CT, SGK giáo dục phổ thông hiện hành với CT, SGK của một số nước trên tinh thần: hiện đại, tiên tiến, ổn định, phù hợp với điều kiện Việt Nam để trên cơ sở đó đề ra phương thức đổi mới nhất quán, tương đối ổn định trong tương lai”.

Hồng Hạnh