Định giá sách giáo khoa, GS Nguyễn Minh Thuyết nói doanh nghiệp... ngã ngửa

Hoàng Hồng

(Dân trí) - GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên bộ sách Cánh Diều cho rằng việc định giá SGK nhưng không có khung giá có thể chặn đứng quá trình xã hội hóa sản phẩm này.

Mới đây, trong dự thảo Luật Giá sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá sách giáo khoa tối đa song không đề cập giá tối thiểu.

Việc định giá trần mà không có giá sàn theo ý kiến của Bộ Tài chính là để đảm bảo quyền lợi của người mua sách là học sinh, phụ huynh.

Chia sẻ bên lề hội nghị báo cáo viên tham gia tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa bộ Cánh Diều, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên bộ sách bày tỏ quan điểm lo ngại trước vấn đề này.

Định giá sách giáo khoa, GS Nguyễn Minh Thuyết nói doanh nghiệp... ngã ngửa - 1

GS Nguyễn Minh Thuyết: "Đã định giá thì phải có khung giá để NXB không thể nâng giá sách giáo khoa lên quá cao nhưng phải có giá tối thiểu để chống cạnh tranh không lành mạnh" (Ảnh chụp màn hình).

"Khi Quốc hội đã thống nhất thì có lẽ không nên bàn thêm. Nhưng hỏi về quan điểm cá nhân thì tôi xin trao đổi rằng, ngay từ đầu, khi đưa ra Nghị quyết 88 để khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, Quốc hội không kèm một câu "sách sẽ được nhà nước định giá".

Giao việc phải rõ ràng các điều kiện để doanh nghiệp xem có làm nổi không. Giờ việc biên soạn các bộ sách mới thực hiện đã 3-4 năm rồi lại đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng định giá, tôi nghĩ không hợp lý", Chủ biên bộ sách Cánh Diều nêu quan điểm. 

Về cách thức định giá, theo ông Thuyết, đã định giá thì phải có khung giá, trong đó quy định giá tối đa để nhà xuất bản không thể nâng giá sách giáo khoa lên quá cao, cũng phải có khung giá tối thiểu để chống cạnh tranh không lành mạnh.

Nếu không định giá tối thiểu thì các doanh nghiệp đang có ưu thế chiếm thị trường, nhiều vốn, hoàn toàn có thể đại hạ giá sách một thời gian để chèn ép các doanh nghiệp khác. Nếu chuyện đó diễn ra thì không thể thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa được.

Cũng tại hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết đề cập thêm việc chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới sau 3 năm vận hành.

Về chương trình, theo ông, không có chuyện thực hiện y nguyên nội dung đã xây dựng rồi 20 năm sau lại đổi chương trình khác. Bản chất chương trình mới sẽ áp dụng như các nước phát triển là điều chỉnh dần các nội dung để làm sao luôn cập nhật được cái mới, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. 

Ông Thuyết cũng nhấn mạnh nguyên lý, không chỉ có các nhà xuất bản hay công ty tư nhân làm sách giáo khoa mà ngay cả những cá nhân có hứng thú và có đủ năng lực, điều kiện cũng có thể viết sách để sách giáo khoa ngày một tốt hơn.

Các giáo viên cũng được tham gia biên soạn sách giáo khoa như ở tất cả các nước phát triển, dựa trên những thành tựu của sách cũ và cải tiến thêm.

"Từ đó để thấy, nếu chặn khả năng đẩy giá sách giáo khoa bằng cách định giá và các thủ tục phiền hà thì quá trình xã hội hóa sách sẽ bị chặn đứng, không tiến được tới đích cuối cùng", GS Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai trên toàn quốc từ năm học 2020-2021 ở lớp 1 với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa". Từ năm 2021-2022 trở đi, chương trình được thực hiện lần lượt với các lớp 2, 3, 6, 7, 10.

Bên cạnh những tranh cãi liên quan đến nội dung của các bộ sách, việc giá sách giao khoa mới tăng cao gấp 2-3 lần sách cũ cũng khiến phụ huynh, xã hội bức xúc. Đặc biệt là tình trạng mỗi bộ sách đính kèm quá nhiều sách tham khảo khiến "giá chồng giá".

Dư luận đã dấy lên bất bình khi sách giáo khoa lớp 10 hiện có giá 246.000-301.000 đồng/bộ tùy tổ hợp môn học, cao hơn bộ sach giáo khoa cũ 80.000-140.000 đồng. Mức giá này chưa bao gồm sách tiếng Anh và các sách chuyên đề.