Bạn đọc viết:

Dịch giã lại thon thót lo duy trì sĩ số học sinh

Nguyễn Thanh

(Dân trí) - Thú thật, nỗi lo học sinh bỏ học có lẽ là nỗi niềm chung của không ít giáo viên hiện nay. Mỗi năm, cứ đến dịp hè và tết là y như rằng giáo viên lại quay cuồng với nhiệm vụ duy trì sĩ số.

Một học kỳ đầy biến động sắp trôi qua trong bối cảnh dịch giã khiến việc học tập ở nhiều địa phương bắt đầu trong muôn nỗi lo toan: học trên truyền hình, học trực tuyến cộng hưởng với áp lực đổi mới chương trình sách giáo khoa ở lớp 2 và lớp 6 vừa vào guồng quay tất bật.

Dịch giã lại thon thót lo duy trì sĩ số học sinh - 1

Sinh viên miền núi học online (Ảnh: Dân trí).

Tín hiệu đáng mừng là học sinh nhiều địa phương đang quay trở lại trường học sau khi số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng dần được khống chế. Hòa trong niềm vui chung khi trống trường lại điểm nhịp rộn ràng, giáo viên chúng tôi vẫn còn canh cánh nỗi lo duy trì sĩ số học sinh.

Tin nhắn thở than về ý nghĩa cuộc sống đang mất dần của một học sinh nam dội đến khiến tôi thon thót lo. Vội vàng nhắn tin hỏi han chuyện trò, tôi được biết ý định bỏ học trong con đang lớn dần. Thì ra, anh trai của con sau ngày dài thất nghiệp trong miền Nam do dịch bệnh kéo dài đã không thể chu cấp tiếp tục cho hai đứa em học hành. Vì vậy, con đeo đẳng ý nghĩ bỏ học kiếm việc làm trong những ngày sắp tới để phụ ba mẹ nuôi em gái vừa lên lớp 6 ổn định việc học.

Tôi chủ động gọi điện cho phụ huynh để trao đổi về việc học của cậu học trò hiếu học mà mình quý mến. May mắn là ba mẹ con vẫn chưa quyết định cho con rời ghế nhà trường để sớm bước vào cuộc sống mưu sinh. Tôi dự định trong cuộc họp sắp tới của nhà trường sẽ đề xuất với ban giám hiệu hỗ trợ miễn giảm học phí và vận động học sinh trong lớp động viên, giúp đỡ bạn trong khốn khó cả về vật chất lẫn tinh thần.

Thú thật, nỗi lo học sinh bỏ học có lẽ là nỗi niềm chung của không ít giáo viên hiện nay. Mỗi năm, cứ đến dịp hè và tết là y như rằng giáo viên lại quay cuồng với nhiệm vụ duy trì sĩ số. Bọn trẻ đón người phương xa trở về với áo quần xênh xang cùng những lời rủ rê không ngớt và hứa hẹn không dứt về công việc ổn định, đồng lương cao ngất và nhịp sống sôi động ở mảnh đất xa xôi.

Nhiều đứa trẻ cảnh nhà chưa đến nỗi nào cũng vội vàng mơ về viễn cảnh bỏ học, kiếm tiền. Nhiều gia đình nghe lời rỉ tai cũng vội vã gật đầu đồng ý khi con trẻ ngỏ lời bỏ học khiến giáo viên vất vả vô cùng với nhiệm vụ vận động học sinh đến lớp, cản ngăn bước chân vào đời quá sớm của những cô cậu học trò chưa đủ sức vóc lao động, chưa đủ chín chắn trong nhận thức, hành động.

Năm nay, hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài lại đang trưng ra thêm một khía cạnh khác biệt. Khó khăn chồng chất khó khăn trong ngày dài tháng rộng vừa qua khiến nhiều gia đình lao đao, khốn đốn với gánh nặng chi tiêu, sinh hoạt phí, đặc biệt là những khoản tiền trường của con cái. Chính vì vậy, ý định cắt đứt con đường học hành của trẻ lại càng hiện hữu nhiều hơn dưới những mái nhà. Những lời rủ rê và hứa hẹn về công việc, tương lai lại càng dễ len lỏi vào tai khiến nguy cơ trẻ bỏ học nhiều hơn bao giờ hết.

Sau ngày dài nghỉ hè rồi học online trong gánh nặng cơm áo gạo tiền của mẹ cha cùng những bất ổn tâm lý vì ảnh hưởng của dịch bệnh, bao nhiêu đứa trẻ đang có ý định rời mái trường để học nghề và kiếm sống? Chỉ mong những nghĩ suy chưa chín chắn ấy sẽ sớm được phát hiện để kịp thời cản ngăn.

Mặt khác, bối cảnh học trực tuyến thời gian qua cũng đã phần nào hạn chế những kết nối thầy - trò khiến cơ hội lắng nghe tiếng lòng con trẻ càng mong manh hơn. Và nguy cơ trẻ bỏ học càng hiện hữu khiến lòng người thêm trăn trở.

Mong lắm thay những "người mẹ thứ hai" ở trường vươn dài cánh tay hơn nữa để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của trò trong thời đại công nghệ số. Nếu giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát sao tình hình học tập, quan tâm nhiều hơn đến hoàn cảnh gia đình của trẻ và nắm bắt thông tin về nguy cơ trò bỏ học qua nhiều kênh thông tin liên lạc để sẻ chia, tâm sự, khuyên nhủ kịp thời thì áp lực duy trì sĩ số sẽ phần nào vơi đi.

Và tôi cũng tha thiết mong mỏi các ban ngành liên quan sẽ có những chính sách thiết thực để giảm bớt gánh nặng tiền trường và hỗ trợ thiết thực dành cho trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Để bước chân con trẻ đến trường được nối dài thênh thang…