Đi tìm tính quốc tế ở trường quốc tế - hành trình chưa hồi kết

Trường Thịnh

(Dân trí) - Đầu tư vào giáo dục là một hành trình gian nan. Bên cạnh du học, cho con học trường quốc tế cũng là một chọn lựa thường được đặt lên bàn cân. Tuy vậy, thực tế có như hình dung?

"Trường quốc tế" - danh xưng thu hút truyền thông

"Trường chuẩn quốc tế với khuôn viên rộng rãi, cơ sở vật chất hiện đại, giáo viên bản ngữ, chương trình học nước ngoài…" những cụm từ này trở nên quen thuộc khi các trường tự giới thiệu về bản thân. Thông qua những câu từ đầy hứa hẹn, hình ảnh hào nhoáng, phụ huynh bắt đầu công cuộc chọn trường cho con. Đặc biệt, khi mang danh "trường quốc tế", những lời giới thiệu trở nên đáng tin cậy hơn bao giờ hết.

Đi tìm tính quốc tế ở trường quốc tế - hành trình chưa hồi kết - 1
Không khó bắt gặp hình ảnh các lớp học đầy đủ trang thiết bị hiện đại cùng giáo viên bản ngữ trên các mẩu quảng cáo về trường quốc tế.

"Nếu có điều kiện, mình sẽ cho con theo học trường quốc tế, vì cơ sở vật chất và chương trình học tốt, cho con lưu loát tiếng Anh. Học phí đúng là cao thật, nhưng theo mình điều này xứng đáng.", chị Ngọc Phạm, 35 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM cho biết. Suy nghĩ của chị Ngọc cũng là suy nghĩ của đa số các bậc phụ huynh khi nghĩ về một tương lai tươi sáng cho con.

Tuy nhiên, thực trạng về "trường quốc tế" có được như mong đợi? Năm 2019, Hà Nội và TPHCM công khai danh sách các trường quốc tế thực dạy chương trình quốc tế. Trong đó, tại Hà Nội, có 11 trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Sở GDĐT Hà Nội theo nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Tại TPHCM, con số này là 22 trường quốc tế, trong đó có 8 trường tư thục được phép thực hiện giảng dạy thí điểm chương trình nước ngoài, 14 trường thực hiện giảng dạy chương trình của Bộ GDĐT Việt Nam được phép dạy bổ sung chương trình nước ngoài. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GDĐT TPHCM, tình trạng các trường ngoài công lập, trường tư thục gắn mác quốc tế khá nhiều, dẫn đến sự nhầm tưởng ở phụ huynh.

Những cú giật mình từ danh xưng "trường quốc tế"

Hồi chuông về chất lượng "trường quốc tế" được gióng lên từ những sự kiện gây tranh cãi. Từ vụ việc học sinh lớp 1 thiệt mạng trên xe đưa đón, kéo theo các trách nhiệm bị bỏ ngỏ, hoặc bức xúc về việc điều chỉnh học phí giữa phụ huynh và nhà trường dẫn đến việc không tiếp nhận học sinh, gây ra tổn thương và dang dở việc học của các em, một lần nữa dấy lên các cuộc thảo luận về "trường quốc tế". Làm sao để phụ huynh phân biệt được "trường quốc tế" thật và "trường quốc tế" trên quảng cáo?

Đi tìm tính quốc tế ở trường quốc tế - hành trình chưa hồi kết - 2
Danh xưng "trường quốc tế" có xứng đáng với chất lượng toàn cầu?

Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020, quy định các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân (Điều 47):

Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu.

Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động. Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non.

Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Như vậy, có thể thấy rằng loại hình "trường quốc tế" vẫn chưa có quy định cụ thể. Bên cạnh đó, tồn tại một sự hiểu phổ biến rằng "trường quốc tế" là trường do các tổ chức nước ngoài thành lập, có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài cho con em là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, hạn chế số lượng học sinh Việt Nam tại trường. Cũng theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP, các trường có yếu tố nước ngoài được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam với tỷ lệ không vượt quá 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục.

Lợi dụng vào những kẽ hở này, việc đặt tên "trường quốc tế" trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, tận dụng lòng tin của phụ huynh để kêu gọi đầu tư giáo dục cho con mà không biết rằng, những ngôi trường này không thực sự tạo ra những điều khác biệt tương xứng, có chăng khác biệt nằm ở chênh lệch chi phí ngất ngưởng. Từ đây, công cuộc tìm kiếm và đầu tư vào giáo dục trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, tốn kém của cải, công sức và thời gian của trẻ và gia đình. Sẽ ra sao khi tiền mất, tật mang, kết quả không như mong đợi chỉ vì sự nhập nhằng trong thị trường loạn chất lượng "trường quốc tế"?