Đề Văn năng khiếu được khen hay: "200 năm nữa chỉ còn 5 cuốn sách sống sót"

(Dân trí) - Mọi thứ thay đổi nhanh đến nỗi sách hôm nay sẽ bị lãng quên trong 100 năm tới. Chỉ rất ít cuốn sách còn được tìm đọc. 200 năm nữa, trong số sách thời đại này chỉ còn 5 cuốn sống sót được.

Sáng 27/5, thí sinh vừa thi môn Văn chuyên vào lớp 10, Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TPHCM. 

Đề Văn năng khiếu được khen hay: 200 năm nữa chỉ còn 5 cuốn sách sống sót - 1

Thí sinh tham dự kỳ thi vào Trường Phổ thông Năng khiếu 2021 (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Đề Văn chuyên gồm hai câu sau: 

Câu 1: "Chúng ta đọc rất ít các tiểu thuyết ra đời cách nay 200 năm. Mọi thứ thay đổi nhanh đến nỗi sách hôm nay sẽ bị lãng quên trong 100 năm tới. Chỉ rất ít cuốn sách còn được tìm đọc. 200 năm nữa, trong số sách thời đại này chỉ còn 5 cuốn sống sót được". 

Hãy viết một bài nghị luận bày tỏ suy nghĩ về nhận định trên và tìm một số tác phẩm mà bạn cho là bất biến với thời gian.

Câu 2: "Trong tác phẩm văn học, những hình ảnh đẹp thường là kết tinh của năng lực tưởng tượng, năng lực đó chắp cánh cho tâm hồn vượt khỏi những giới hạn nhất định, nói hết thực và mộng, hôm nay với hôm qua và ngày mai, điều đang có với điều đã có và điều sẽ có.

Nhờ tưởng tượng, các nhà thơ đã đem lại những sáng tạo về hình tượng, cảm xúc và ngôn ngữ, gây được những khoái cảm thẩm mỹ nơi người đọc". 

Bạn suy nghĩ thế nào về nhận định trên?

Thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TPHCM nhận định đề thi rất hay, rất thú vị. Đề không khó, học sinh chỉ cần nắm kiến thức ở mức vừa phải, có kỹ năng làm bài là có thể hoàn thành tốt.  

Ấn tượng nhất trong đề nằm ở câu 1, cũng là câu phân hóa học sinh giỏi, khá. Để làm tốt câu này học sinh phải đọc rất nhiều sách, nhất là những dòng sách kinh điển, cổ điển vài trăm năm trước mới có thể đưa dẫn chứng, thuyết phục. Chứ không chỉ cần giỏi Văn, làm Văn hay. 

"Hơn nữa, để làm tốt câu này, không nhất thiết thí sinh phải tán thành ý kiến của nhận định này, thí sinh cần đưa ra góc nhìn, phản biện của mình. Ý kiến có thể khác, trái chiều với nhận định này lại càng hay", thầy Kim Bảo nhấn mạnh.