Đề thi Vật lý vừa sức nhưng hơi dài

(Dân trí) - Chiều nay, sau khi kết thúc buổi thi môn Lý với hình thức trong thời gian 90 phút, một số thí sinh than đề khó. Trong khi đó, cũng có nhiều thí sinh nhận định đề thi Lý năm nay vừa sức nhưng hơi dài. Sáng mai, thí sinh thi môn cuối của đợt 1.

Tại Hội đồng thi ĐH Quảng Nam, sau khi kết thúc thi môn Lý trắc nghiệm với thời gian làm bài 90 phút, hầu hết các thí sinh đều nhận định đề thi Lý năm nay khó hơn năm ngoái. Một số thí sinh cho biết các em đã không làm được nên... chọn bừa đáp án.

Thí sinh tại Hội đồng thi ĐH Quảng 
Thí sinh tại Hội đồng thi ĐH Quảng Nam ra về sau khi thi môn Vật Lý. (Ảnh Công Bính).

Thí sinh Văn Hồng Hạnh (SBD 538, thi vào ngành Sư phạm Toán) khi được hỏi đề thi khó hay dễ thì cho biết: So với đề thi năm ngoái em làm thử thì đề thi năm nay khó hơn, các thí sinh khó kiếm điểm trên trung bình với môn này.

Còn thí sinh Võ Đức Nhi (SBD 01509, thi vào khối A) cũng than phiền đề thi khó hơn năm trước, em chỉ làm được “tàm tạm” nên khó hy vọng có điểm cao.
 
Kết thúc thời gian 90 phút làm bài thi môn thi Vật Lý chiều nay 4/7, các thí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2013 tại cụm thi Vinh nhận định, đề Lý vừa sức nhưng hơi dài.
 
Đề thi Vật Lý vừa sức nhưng hơi dài
Thí sinh tại điểm thi trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Nghệ An rời phòng thi môn Vật Lý (Ảnh: Nguyễn Duy).

Chiều nay, trên 23.200 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2013 tại cụm thi Vinh đã hoàn thành xong bài thi môn Vật Lý. Ghi nhận của PV Dân trí tại điểm thi trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Nghệ An, lực lượng thanh niên tình nguyện và CSGT được bố trí trước cổng trường để đảm bảo ATGT và an ninh trật tự.

Thí sinh cùng bạn tranh luận lại đề thi (Ảnh: Doãn Hòa)
Thí sinh cùng bạn tranh luận lại đề thi (Ảnh: Doãn Hòa)

Sau tiếng trống báo hết thời gian làm bài, thí sinh Hoàng Văn Chí cho biết: “Cấu trúc đề Vật lý năm nay có 50 câu hỏi, trong đó có 40 câu hỏi trong phần chung. Các câu hỏi phần lớn đều nằm trong chương trình học lớp 12. Em thấy đề không khó hơn năm ngoái nhưng hơi dài, một số câu hỏi về Điện yêu cầu phải tính toán lâu hơn”. Dù học lực Khá nhưng Chí chỉ làm được khoảng 60% đề thi Vật Lý.

Trong khi đó, tại điểm trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh), mặc dù trống báo hết thời gian 90 phút làm bài nhưng cũng có khá ít thí sinh ra sớm. Nhiều em lo lắng vì kết thúc hai môn thi trong ngày thi đầu tiên làm bài không tốt. Khi được hỏi, nhiều em nhận định, đề Vật Lý tương đối dài và có tính phân loại học sinh khá, giỏi. 

Thí sinh Hoàng Thị Trang - dự thi vào trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng, đề Vật lý không khó cũng không có những câu đánh đố nhưng hơi dài, yêu cầu thí sinh phải tính toán nhiều. Mặc dù làm gần hết đề thi nhưng Trang không mấy tự tin vào bài làm của mình. “Em làm được khoảng 40 câu trong 50 câu, các câu còn lại em không làm được đành phải vòng đại vì hết thời gian, em nghĩ môn này mình khoảng được 6,7 điểm”, Trang cho biết.
 
Kết thúc buổi thi môn Vật lý chiều nay, các thí sinh dự thi khối A vào ĐH Đà Nẵng tại điểm trường THCS Kim Đồng (Đà Nẵng) được hỏi nhận định đề Vật lý năm nay không dễ “ăn” điểm cao.
 
Đề thi Vật Lý vừa sức nhưng hơi dài
Các thí sinh thi tại Đà Nẵng vừa tan buổi thi môn Vật lý cho rằng đề có nhiều câu khó nên không dễ ăn điểm cao

Theo thí sinh Võ Công Trình, dự thi khối A vào ĐH Bách Khoa Đà Nẵng cho biết: “Đề Lý có 50 câu hỏi trắc nghiệm, với thời gian làm bài thi 90 phút như vậy là vừa. Nhìn chung đề Lý không quá khó so với đề thi môn Lý các năm mà em đã giải thử. Tuy nhiên, có đến 5-6 câu rất khó nên không dễ ăn điểm cao môn này”.

Thí sinh trao đổi về bài làm sau buổi thi môn Vật lý. (Ảnh: Khánh Hiền).
Thí sinh trao đổi về bài làm sau buổi thi môn Vật lý. (Ảnh: Khánh Hiền).
 
Thí sinh Nguyễn Thị Trinh, từ Quế Sơn (Quảng Nam) ra Đà Nẵng dự thi ĐH khối A cũng nhận định đề Lý có nhiều câu phân hóa thí sinh rất khó như câu số 26. Em chỉ làm chắc được khoảng 60 -70%, còn 7 câu em chưa tính ra được, phải chọn đáp án cầu may thôi”. Trinh cho biết điểm trung bình môn Vật lý lớp 12 em được 8,1 điểm.

Chiều nay, sau 90 phút làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lý, tại HĐCT trường CĐ Sư phạm Nha Trang (TP Nha Trang), khác với buổi thi Toán sáng nay, nhiều thí sinh thở phào nhẹ nhõm.

Thí sinh Đặng Thị Thu Hoa (học sinh trường chuyên Nguyễn Du, TP Đắk Lắk) dự thi ngành Quản trị du lịch Lữ hành (ĐH Nha Trang), vui vẻ bước ra khỏi phòng thi cho biết, do đề thi trắc nghiệm nên tâm lý em làm bài khá thoải mái hơn. Các câu lý thuyết đa phần nằm trong chương trình học, riêng các câu giải toán thì có phần lắt léo, đòi hỏi thí sinh phải suy luận và thao tác máy tính phải nhanh nên phần này em không được tự tin lắm. Tuy nhiên, điểm môn này của em cũng từ 6 - 7 điểm.

Cùng suy nghĩ với Hoa, thí sinh Quang Hòa cho rằng, đề này tuy không khó nhưng thời gian khá hạn hẹp, nếu thí sinh nào không để ý mà đánh dấu câu trả lời vào bài thi rồi mới chép qua giấy bài làm thì khả năng sẽ không kịp giờ liền. Với đề thi này em tầm khoảng 6 điểm, hầu như phòng em đều không có thí sinh nào ra trước 2/3 thời gian làm bài hết.
 
Đề thi Vật Lý vừa sức nhưng hơi dài

Dưới cái nắng có phần gay gắt, đa phần các thí sinh sau khi kết thúc môn thi Vật lý đều nhận định đề năm nay không khó so với năm trước, tuy nhiên để đạt điểm cao thì đòi hỏi thí sinh phải học chuyên Lý, nhưng bù lại là đề trắc nghiệm nên vẫn còn một phần may mắn dành cho thí sinh đánh bừa đáp án.

Thi xong môn Vật lý chiều nay, các thí sinh tại TPHCM ra về với hiếm hoi nụ cười trên môi. Đa phần thí sinh nhận định đề năm nay khó tương đương năm trước. Nhiều em cho biết không đủ thời gian để làm bài vì đề 50 câu nhưng phải tính toán nhiều dù kiến thức đa phần trong chương trình lớp 12.

Thí sinh tại điểm thi trường TH Trần Quốc Thảo của trường ĐH Kiến trúc TPHCM.
Thí sinh tại điểm thi trường TH Trần Quốc Thảo của trường ĐH Kiến trúc TPHCM.

Em Nguyễn Ngọc Minh Trường (Khánh Hòa) dự thi vào ngành Kỹ thuật xây dựng của ĐH Kiến trúc TPHCM cho biết nếu học sinh học lực trung bình chắc chỉ được 4-5 điểm là cùng. Em làm được 60%, còn lại 40% là... đánh bừa vì không kịp thời gian.

Các thí sinh tại TPHCM sau môn thi Vật lý. (Ảnh: Lê Phương - Quốc Anh)
Các thí sinh tại TPHCM sau môn thi Vật lý. (Ảnh: Lê Phương - Quốc Anh).
 
Tương tự, em Nguyễn Thị Mai Linh ở Lâm Đồng dự thi tại điểm thi của trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM cho biết làm xong bài em không thấy tự tin lắm. Dù kiến thức không mới nhưng phải tính toán nhiều. Cũng như nhiều bạn khác, Linh chỉ cảm thấy tự tin làm chắc chắn được 50%. Em cũng nhận định của em Nguyễn Đức Thịnh (TPHCM) thi vào ngành Quản lý đô thị. Em này cho biết mình chỉ chắc chắn được 25 câu, còn lại thì đành “bó tay”.

Chiều nay, kết thúc môn thi Lý, các thí sinh tại các điểm thi Trường THPT Việt Đức và Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) nhận định đề thi Lý năm nay có tính phân loại cao.

Thí sinh Trần Thị Minh Thư - đến từ Nam Định, dự thi khối A khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thi tại Hội đồng thi THPT Việt Đức cho biết: “Em thấy đề năm nay có nhiều câu khó. Số câu khó chiếm khoảng 20%, đấy là những câu mất rất nhiều thời gian vào làm. Cũng có nhiều câu cần ứng dụng thực tế. Em chỉ làm được 80%”.

Em Nguyễn Thị Thu Thủy - học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành - Yên Bái, dự thị khối A khoa Cơ Khí Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thi tại Hội đồng thi THPT Việt Đức cho hay: “Em thấy đề có tính phân loại cao. Câu nào dễ thì rất dễ, khó thì rất khó. Có khoảng 12 -13 câu rất khó, khoảng 5-6 câu có thể khoanh luôn ngay khi đọc”.
 
Thí sinh tại Hà Nội xem lại bài. (Ảnh: Phương Hoài)
Thí sinh tại Hà Nội xem lại bài. (Ảnh: Phương Hoài).
 
Thí sinh Lê Văn Thiện - học sinh Trường THPT Đinh Chương Dương, Thanh Hóa, dự thi khối A1 khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thi tại Hội đồng thi THCS Trưng Vương cho rằng đề thi năm nay có phần khó hơn năm trước. “Em thấy có khoảng 20% đề thi khó hẳn, em chỉ làm được tầm 5-6 điểm. Môn này khó khăn hơn môn Toán, chủ yếu cũng vì là môn trắc nghiệm nên cần kĩ năng tính nhanh và tính nhẩm nhiều nữa. Thời gian để nghĩ những câu khó cũng ít nếu không nhanh chóng làm những câu dễ”.
 
Theo nhận định của nhiều thí sinh tại Quảng Bình, đề thi môn Vật Lý năm nay không quá khó nhưng hơi dài, nhiều thí sinh tỏ ra phấn khởi vì “gỡ” được điểm cho môn Toán sáng nay.
 
Kết thúc 90 phút làm bài thi, các thí sinh rời phòng thi với nhiều tâm trạng. Một số em tỏ ra khá tự tin vì làm được bài thi, còn một số em lại lo lắng vì đề thi khó so với lực học của mình.
 
Thí sinh Lê Văn Trọng, thi vào ngành Nuôi trồng thủy sản cho biết, đề thi Vật Lý có 60 câu, trong đó có 50 câu thuộc kiến thức cơ bản và 10 câu thuộc kiến thức nâng cao. Đề thi không quá khó nhưng hơi dài. Môn Toán sáng nay rất khó nên em không làm được, còn môn Vật Lý chiều nay em làm được 60% bài thi.
Thí sinh hoàn thành môn thi Vật Lý (Ảnh: Đăng Đức)

Thí sinh hoàn thành môn thi Vật Lý (Ảnh: Đăng Đức).
 
Thí sinh Phạm Thị Thanh Nhàn, thi ngành Quản trị - Kinh doanh cho biết, đề thi Vật Lý như vậy là vừa sức. Hầu hết nội dung đề thi đều tập trung ở chương trình lớp 12, một phần nhỏ thuộc kiến thức lớp 11. Nếu ôn tập kỹ cũng có thể làm được 70% bài thi.
 
Cùng suy nghĩ với Nhàn, em Phan Thị Hoài cho hay, trong đề thi Vật Lý bao hàm nhiều nội dung kiến thức lớp 11 nên nhiều thí sinh sẽ bị quên. Đặc biệt, phần hệ phương trình sin, cos… rất khó. Hoài cho rằng đề thi này mình chỉ làm được 7 điểm.

Tại cụm thi Quy Nhơn, thời tiết buổi chiều nắng nóng it nhiều ảnh hưởng nhiều đến thí sinh làm bài thi dù vậy các thí sinh vẫn cố gắng hoàn thành bài thi. Theo ghi nhận, nếu như môn Toán buổi sáng, hầu hết thí sinh cho là khó thì môn Lý chiều nay, nhiều thí sinh thi khối A cho biết đề ra vừa sức. Thí sinh có thể hi vọng đỗ đại học cao nếu ngày mai làm bài tốt môn Hóa.

Đề Lý vừa tầm thí sinh cười tươi rời phòng thi. (Ảnh Doãn Công: Đ. Nguyễn)
Đề Lý vừa tầm thí sinh cười tươi rời phòng thi. (Ảnh Doãn Công - Đ. Nguyễn).

Tại Hội đồng thi trường ĐH Quy Nhơn, trái với tâm trạng sau buổi thi môn Toán với nhiều thí sinh than rằng đề thi khá khó, có thí sinh nộp giấy trắng ra về thì với môn Vật Lý, các thí sinh rời phòng thi với tâm lý khá thoải mái.

Thí sinh Nguyễn Thị Hằng, quê ở Phú Yên thi vào ngành Sư phạm Hóa ĐH Quy Nhơn chia sẻ: “Đề thi không khó cũng không dễ, học sinh có học lực khá sẽ làm được 6-7 điểm. Đề thi ra 50 câu thì có khoảng 5 câu khá khó tập trung vào phần dòng điện xoay chiều, dao động cơ học, vật lý hạt nhân. Các câu này em làm không chắc đúng lắm nhưng vẫn cố gắng làm xong. Buổi sáng em làm Toán cũng tạm nên môn Vật Lý mục tiêu em đặt ra là thi 5 điểm nhưng chắc em làm trên 5 điểm. Ngày mai mới là môn tủ nên em sẽ cố gắng làm điểm cao”.

Thí sinh trao đổi bài sau buổi thi Lý. (Ảnh: Đ. Nguyễn)
Thí sinh trao đổi bài sau buổi thi Lý. (Ảnh: Đ. Nguyễn).
 
Tại điểm thi trường THCS Ngô Văn Sở, kết thúc 90 môn Lý trắc nghiệm, nhiều thí sinh ra rời phòng thi với tâm trạng vui vẻ. Thí sinh Phan Thị Dương quê Gia Lai cho biết: “Buổi sáng môn Toán khá khó dù cố gắng làm xong hết nhưng về nhà xem kết quả em chỉ được hơn 4 điểm. Buổi chiều thi môn lý em cũng hơi lo sợ khó như môn toán thì khó mà đỗ nhưng khi phát đề thi, em nhắm thấy làm được nên cũng tự tin hơn. Em làm bài vừa đủ thời gian chắc bài thi cũng được 7 điểm”.
 
Sau 90 phút làm bài thi môn Vật Lý, các thí sinh dự thi tại Đồng Nai nhận định đề thi năm nay tương đối dài, yêu cầu tính toán chi tiết, tỉ mỉ.

Thí sinh Nguyễn Thị Thoa, dự tuyển vào ngành Giáo dục tiểu học, trường ĐH Đồng Nai cho biết: “Đề thi có khoảng 8 câu khó, mang tính chất phân loại thí sinh. Đề thi cũng yêu cầu thí sinh phải tính toán kỹ lưỡng để tránh nhầm lẫn giữa các đáp án”. Thoa cho biết, em học khá vững môn Vật Lý và tự tin đúng đáp án khoảng 70%.

 
Đề thi Vật Lý vừa sức nhưng hơi dài
Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc bài thi môn Vật Lý tại điểm thi Đại học Đồng Nai (TP Biên Hòa, Đồng Nai). (Ảnh: Minh Hậu).
 
Thí sinh Nguyễn Hoàng Anh, dự tuyển vào ngành Công nghệ Thông tin ĐH Đồng Nai nhận xét, đề Vật Lý dài. Đối với thí sinh có học lực khá thì có thể đúng đáp án khoảng 65 đến 70%, học sinh trung bình rất khó lấy được điểm 5. Vì đề thi dài nên nhiều bạn chung phòng thi với em quyết định chọn đáp án theo kiểu may rủi để kịp giờ nộp bài. Nhiều thí sinh cũng nhận định rằng đề Vật Lý năm nay tương đối vừa sức.
 

Sau 90 phút làm bài môn Vật Lý, thí sinh dự thi tại các điểm thi của ĐH Thái Nguyên bước ra khỏi phòng thi với những nụ cười. So với buổi sáng nay, thì buổi chiều các thí sinh làm bài thoải mái hơn.

Thí sinh kết thúc môn Lý tại điểm thi trường ĐH Việt Bắc. (Ảnh: Thanh Luân)
Thí sinh kết thúc môn Lý tại điểm thi trường ĐH Việt Bắc. (Ảnh: Thanh Luân).

Theo thí sinh Lê Thu Trang quê Thái Nguyên thi tại điểm thi trường Đại học Việt Bắc cho biết: “Em thấy đề Lý có nhiều câu khó, câu dễ.  Đây không phải là môn em học tốt, với đề thi này em làm được 60%. Ngày mai thi môn tiếng Anh là môn sở trường của em, chỉ cần làm tốt là em có thể đỗ vào đại học”.

Thí sinh trao đổi bài sau buổi thi. (Ảnh: Thanh Luân)
Thí sinh trao đổi bài sau buổi thi. (Ảnh: Thanh Luân).

Còn thí sinh Nguyễn Văn Tuyên thi vào trường Đại học Công nghiệp cho hay: “Đề thi môn Lý dài, em làm còn 8 câu không chắc chắn phải khoanh đáp án theo cảm tính. Em hi vọng môn Lý em sẽ được 7 điểm”.

Tại Thanh Hóa, kết thúc 90 phút làm bài thi, tại cơ sở 1, trường ĐH Hồng Đức, nhiều thí sinh rời phòng thi với nét mặt khá căng thẳng. Do thời tiết trong buổi thi chiều nay nắng nóng và oi bức nên có tác động đến các thí sinh và các bậc phụ huynh chờ con em thi. Nhiều thí sinh nhận định đề thi môn Lý năm nay nhìn chung khó.

Các thí sinh kết thúc ngày thi đầu tiên (
Các thí sinh kết thúc ngày thi đầu tiên (Ảnh: Nguyễn Thúy).

Bạn Trương Thị Phương, thí sinh quê Hoằng Hóa, thi vào trường ĐH Hồng Đức cho rằng: “Đề thi cũng khó và hơi dài so với thời gian làm bài”.

Còn em Nguyễn Duy Vũ, thí sinh quê ở thành phố Thanh Hóa lại nhận định: “Đề Vật lý năm nay thì các thí sinh trung bình cũng làm được khoảng 6 điểm”.


 
 
Kết thúc buổi thi môn Vật Lý chiều nay 4/7, thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên cho biết, so với năm ngoái thì đề thi Vật lý năm nay có phần "dễ thở” hơn, nếu chịu khó ôn tập, chắc chắn sẽ đạt được điểm trung bình, từ 40 đến 50% số điểm.
 
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên ra về sau môn thi Lý, chiều 4/7. (Ảnh: Viết Hảo)
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên ra về sau môn thi Lý, chiều 4/7. (Ảnh: Viết Hảo).

Thí sinh Hoàng Bảo Trung (TP Buôn Ma Thuột) dự thi ngành Quản trị kinh doanh tại điểm thi Trường ĐH Tây Nguyên nhận định: “Theo em đề thi môn Vật lý trong kỳ tuyển sinh năm nay có khoảng 10 câu khó, phần lớn rơi vào các phần điện xoay chiều, sóng điện từ. Với đề thi này thì em làm được khoảng 40% so với yêu cầu của đề”.

Trong khi đó, sĩ tử Đồng Hữu Trọng (quê Krông Buk, Đắk Lắk) chia sẻ: “Đề thi Vật lý năm nay nhìn chung dễ hơn so với năm ngoái, trong đó phần bài tập chiếm khoảng 65% đến 70%. Đề thi này theo em có khoảng 1/4 số câu hỏi khó, mang tính phân loại thí sinh, dành cho học sinh khá giỏi. Bản thân em đã hoàn thành bài thi nhưng với các câu hỏi khó, xác suất đúng là rất thấp. Theo tính toán sơ bộ của em, thì đề thi này em làm được khoảng 50% số điểm”.

Một số thí sinh khác dự thi vào trường ĐH Tây Nguyên cũng có chung nhận định, so với năm ngoái thì đề thi Vật lý năm nay có phần dễ hơn, nếu thí sinh chịu khó ôn tập thì sẽ đạt được điểm trung bình.
 
Ghi nhận buổi thi môn Vật Lý tại Huế, chỉ có vài em nhận định đề dễ, đa số thí sinh đều cho rằng đề tương đối hóc búa, dài và khó. Tuy nhiên nếu học khá vẫn có thể làm tốt và kiếm điểm trung bình.

Thí sinh Thúy Hà dự thi hội đồng thi ĐH Sư phạm cho biết: “Đề có 50 câu thì có khoảng trên dưới 10 câu khó và tương đối đánh đố, phải học chắc và nắm vững lý thuyết cũng như thực hành mới làm được những câu hỏi này.”

Đề khó khiến nhiều thí sinh phải rất tập trung làm bài khá căng thẳng. (Ảnh: Anh Việt - Đại Dương)
Đề khó khiến nhiều thí sinh phải rất tập trung làm bài khá căng thẳng. (Ảnh: Anh Việt - Đại Dương).
 
Vào 15h45, khi các thí sinh ùa ra khỏi cổng trường, đa số sĩ tử ra sau đều nhận định đề thi năm nay dài và khó hơn so với năm trước. Có nhiều câu hỏi học búa ở phần điện xoay chiều. Một thí sinh lắc đầu nhận xét: “Đề ra không rập khuôn mà bắt tính toán phức tạp, cần nhiều thời gian, nhiều câu có cách làm hơi lạ, nếu không học chắc sẽ không thể tìm ra đáp số. Em nghĩ đây là một đề thi khó”.
 

Đề thi Vật Lý có tính phân loại cao

 

Nhận xét về đề thi đại học môn Vật lí năm 2013 (mã đề 528), giảng viên, Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Mạnh Nghĩa cho biết: “So với một vài năm trở lại đây, đề thi Vật Lý năm nay cơ bản hơn, sát với chương trình phổ thông hơn. Ngoài câu 29 cần dùng đến kiến thức vật lí lớp 10 và kiến thức cơ bản về địa lí, các câu còn lại kiến thức gần trọn trong chương trình lớp 12. Điểm đặc biệt trong đề thi năm nay là đã khai thác được gần như tất cả kiến thức cơ bản trong toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa, điều này khiến cho học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể làm tốt 50 đến 70% bài”.

 

Theo thầy Nghĩa, đề thi có tính phân loại học sinh của đề thi thể hiện ở những câu hỏi cần sử dụng nhiều kiến thức tổng hợp, yêu cầu học sinh cần có kiến thức một cách hệ thống. điều này được thể hiện rõ qua những câu: câu 2 về dao động, câu 14 sóng cơ học. câu 7, 23, 25 về điện xoay chiều.

 

Nét mới trong đề thi năm nay là có đề cập nhiều đến phần thực nghiệm. Tinh thần của thực nghiệm thể hiện rất rõ qua các câu 12, câu 13, câu 22, câu 23, câu 35 với rất nhiều ý hỏi được in đậm "gần giá trị nào nhất". Câu 31 được đánh giá là câu hay khi hỏi về vận tốc của phần tử sóng thông qua đồ thị. Đây là điều chưa có trong đề thi các năm trước. Việc xử lí kết quả đồ thị sẽ giúp học sinh tiếp cận với cách xử lí kết quả thực nghiệm. Điều này thể hiện rõ ý tưởng của Ban ra đề thi muốn gắn thực nghiệm với lý thuyết trong việc giảng dạy vật lí.

 

Thầy Nghĩa cho hay, nhìn chung đề thi vật lí năm nay không quá khó với học sinh, tuy nhiên đề thi vẫn có tính phân loại cao.

Theo Th.S. Trần Văn Quang - giáo viên bộ môn Vật Lý Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), so với đề thi năm trước, đề thi năm nay số lượng các câu hỏi dễ nhiều hơn, nhưng mức độ của các câu hỏi khó thì nặng hơn, một số câu hỏi gần như “cho điểm”. Có thể nói “câu dễ thì dễ đến không ngờ mà câu khó thì khó đến không tưởng”.

Trong đề xuất hiện nhiều câu hỏi khó và lạ (có khoảng 8 câu như thế), để giải được những bài toán này đòi hỏi học sinh phải nắm chắc công thức và có kỹ năng biến đổi tốt.

Tuy nhiên, với mức độ đó, học sinh trung bình - khá có thể đạt được 6 đến 7 điểm.

 

Hồng Hạnh (ghi)

 
Sáng mai, các thí sinh thi môn cuối của đợt 1 kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013.
 
Nhóm PV