Đề thi Địa lý tốt nghiệp THPT 2020: Thí sinh đạt 6- 7 điểm khá dễ dàng

Hồng Hạnh – Minh Thu

(Dân trí) - Giáo viên nhận xét, với đề thi Địa lý, thí sinh đạt 6- 7 điểm khá dễ dàng. Tuy nhiên, để đạt được điểm 9, 10, thí sinh phải có khả năng tư duy phân tích mối quan hệ nhân - quả và tổng hợp kiến thức.

Nhận xét đề thi Địa lý tốt nghiệp THPT 2020, giáo viên cho rằng, nhìn chung độ khó của đề thi giảm thể hiện rõ tinh thần chia sẻ và đồng hành của Bộ GDĐT trong hoàn cảnh thí sinh phải học tập và ôn luyện trong đại dịch Covid-19.

Đề thi Địa lý tốt nghiệp THPT 2020: Thí sinh đạt 6- 7 điểm khá dễ dàng - 1

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 (Ảnh: Mai Châm)

Cô Lê Phượng Loan, giáo viên Địa Lý, Trường THPT Vinschool, Hà Nội: Học sinh phải học hiểu, liên hệ thực tế

Nội dung đề thi bám sát kiến thức trọng tâm của lớp 12. Đề không xuất hiện các phần kiến thức, kỹ năng liên quan đến lớp 11. Các kỹ năng chuyên biệt được kiểm tra toàn diện, với hệ thống nhiều câu hỏi sử dụng Atlat địa lý Việt Nam, đọc và phân tích biểu đồ, bảng số liệu.

Cấu trúc đề tương đối trùng khớp với đề minh hoạ. Với đề này, việc đạt được điểm 6- 7 khá dễ. Tuy nhiên, để đạt được điểm 9, 10 thì học sinh phải có khả năng tư duy phân tích mối quan hệ nhân - quả và tổng hợp kiến thức tốt.

So với năm ngoái đề thi năm nay không khó hơn, số câu hỏi nhận biết và thông hiểu có tăng, phù hợp với tình hình thực tế HS đã có thời gian học online và ôn tập gián đoạn do ảnh hưởng của Covid-19.

Đề có 14 câu hỏi sử dụng Atlat, 2 câu liên quan đến sử dụng bảng số liệu (1 câu nhận xét, 1 câu nhận diện biểu đồ), 2 câu biểu đồ (1 câu nhận xét, 1 câu nhận diện biểu đồ). Nhiều câu hỏi lý thuyết khác học sinh vẫn có khả năng sử dụng Atlat và kiến thức thực tiễn để trả lời. Điều đó theo tôi có thể giúp học sinh giảm được việc ghi nhớ đơn thuần mà phải học hiểu, liên hệ thực tế và rèn luyện các kỹ năng chuyên biệt.

Các câu hỏi để phân hoá được năng lực học sinh tập trung từ câu 72 đến 80, đòi hỏi học sinh phải có năng lực tư duy tổng hợp và phân tích tốt. 

Đề thi không có câu hỏi đánh đố, lắt léo. Việc ra đề thi khá tường minh nhưng vẫn có khả năng phân hoá, giúp cho việc xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH thuận lợi.

Cô Trần Thị Thu Hương, Tổ trưởng môn Địa lý Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Cầu Giấy, Hà Nội:  Độ khó của đề thi giảm

Đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, đúng tinh thần tinh giản và cấu trúc đề tham khảo của Bộ GDĐT đã công bố vào đầu tháng 5 năm 2020.

Đề có độ phân hóa phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp và có thể là căn cứ xét tuyển cho học sinh vào các trường đại học và cao đẳng có sử dụng môn thi này.

Số câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu tăng chiếm khoảng 70%. Số câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao giảm so với năm trước chiếm khoảng 30%. Nhìn chung độ khó của đề thi giảm thể hiện rõ tinh thần chia sẻ và đồng hành của Bộ GDĐT trong hoàn cảnh thí sinh phải học tập và ôn luyện trong đại dịch Covid-19.

Đề thi khá dễ thở với thí sinh đúng tiêu chí là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dự đoán phổ điểm từ 6 đến 7,5 điểm.

Đặc trưng của môn Địa lý có 18 câu về kỹ năng sử dụng At lat Địa lý Việt Nam, bảng số liệu và biểu đồ. Đây là những câu mà HS dễ lấy điểm. Mức phân hóa cao là ở các câu cuối của đề thi, thường thuộc phần địa lý tự nhiên và kỹ năng nhận xét biểu đồ bảng số liệu học sinh được học kỹ và ôn luyện trong học kỳ I. Để làm được những câu này đòi hỏi học sinh cần có năng lực đánh giá, phân tích, tổng hợp ở mức độ rất cao.

Cụ thể mã đề 323: Có 14 câu sử dụng Atlat, hai câu biểu đồ, hai câu bảng số liệu. Địa lý tự nhiên 6 câu, dân cư 3 câu, địa lý ngành kinh tế 5, địa lý vùng kinh tế 8. Từ câu 41 đến 68 sắp xếp theo thứ tự từ nhận biết đến thông hiểu. Với những câu này học sinh chỉ cần bám sát kiến thức cơ bản trong SGK và kỹ năng sử dụng Atlat, nhận xét biểu đồ.

Những câu từ 69 đến 80 thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao, yêu cầu HS cần có tư duy tổng hợp kiến thức về địa lý tự nhiên, dân cư, kinh tế và nhận xét biểu đồ, bảng số liệu.

Đề có lồng ghép nhiều vấn đề trong cuộc sống ở những câu 70, 71… về biển đảo, hoạt động xuất nhập khẩu, thiên tai, đô thị hóa.