Đẩy mạnh vai trò của trường đại học về tư vấn pháp lý cho Chính phủ

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, cần phát huy vai trò của trường đại học, các giáo sư tại trường đại học để tăng cường đội ngũ chuyên gia pháp lý tư vấn cho Chính phủ về thương mại và đầu tư quốc tế.

Tại hội thảo: "Luật sư tư vấn cho Chính phủ về thương mại và đầu tư quốc tế: Kinh nghiệm thế giới và đề xuất mô hình cho Việt Nam" tổ chức ngày 2/6, các chuyên gia, đại biểu đã cùng thảo luận để tìm ra mô hình phù hợp, hiệu quả nhất với tình hình Việt Nam hiện nay.

Hội thảo do trường Đại học Ngoại Thương cùng Dự án "Nâng cao năng lực xây dựng pháp luật của Văn phòng Chính phủ" và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Hà Nội phối hợp tổ chức.

Cần có mô hình luật sư tư vấn cho Chính phủ về thương mại và đầu tư quốc tế

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương cho biết, nhu cầu của Chính phủ cũng như cơ quan Nhà nước về việc được tư vấn, đại diện để giải quyết các vấn đề pháp lý về thương mại, đầu tư quốc tế ngày càng lớn. Trong khi đó, ở Việt Nam, vẫn chưa có một mô hình cụ thể tạo điều kiện cho các cơ quan Nhà nước sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của các luật sư, chuyên gia về thương mại và đầu tư quốc tế.

Đẩy mạnh vai trò của trường đại học về tư vấn pháp lý cho Chính phủ - 1
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo "Luật sư tư vấn cho Chính phủ về thương mại và đầu tư quốc tế: Kinh nghiệm thế giới và đề xuất mô hình cho Việt Nam" được tổ chức sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, luật sư, giảng viên, đại diện các cơ quan của Chính phủ, các Bộ ngành trao đổi, thảo luận tìm ra mô hình phù hợp. Từ đó, tăng cường sự tham gia của các luật sư, chuyên gia pháp lý vào tư vấn, đại diện giúp Chính phủ giải quyết tốt những vấn đề pháp lý về thương mại, đầu tư quốc tế.

PGS Tuấn nhấn mạnh tới việc phát huy vai trò của các trường đại học, các giáo sư tại trường đại học trong mô hình đề xuất. Theo ông, các trường đại học sẽ giúp tăng cường đội ngũ chuyên gia pháp lý, tham gia vào hoạt động đào tạo bồi dưỡng, tạo môi trường cho các hoạt động kết nối và tạo trụ cột 3 bên Chính phủ - trường đại học - cộng đồng doanh nghiệp.

"Trường Đại học Ngoại thương có đủ điều kiện cần thiết để thực hiện những dự án, chương trình nâng cao năng lực cho các cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp về thương mại và đầu tư quốc tế. Nhà trường cũng sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực tham gia sâu hơn nữa vào hoạt động tư vấn cho các bên liên quan về lĩnh vực quan trọng này", PGS Tuấn nói.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc dự án "Nâng cao năng lực xây dựng pháp luật của Văn phòng Chính phủ", Văn phòng Chính phủ và dự án GIZ đã thống nhất triển khai các hoạt động nghiên cứu về thực tiễn và nhu cầu xây dựng đội ngũ luật sư tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế.

Trong giai đoạn từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022, nghiên cứu có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia từ Đại học Ngoại thương Hà Nội và GS. Julian Scheu, chuyên gia về luật đầu tư quốc tế tại ĐH Cologne và Paris 1. Hội thảo tổ chức ngày 2/6 là dịp để báo cáo kết quả nghiên cứu cũng như cùng trao đổi, thảo luận thêm xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho hay, điều cần hướng đến sau hội thảo là hình thành một đội ngũ luật sư giúp Chính phủ trong việc bảo vệ các lợi ích công khi Chính phủ thực hiện việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại đầu tư. Đặc biệt, khi Chính phủ là nguyên đơn hoặc bị đơn trong các vụ tranh chấp quốc tế.

"Cần trả lời các câu hỏi sau. Khi Chính phủ cần tham vấn hoặc cần có luật sư để đại diện cho mình trong các tranh chấp quốc tế thì sử dụng đội ngũ luật sư như thế nào? Đó là luật sư tư nhân hay những công chức viên chức làm việc trong đơn vị của Nhà nước, Chính phủ? Sử dụng họ như thế nào, cơ chế bồi dưỡng đào tạo ra sao? Chúng ta cần một tổ chức hay là một danh sách bao gồm các luật sư giỏi, công ty luật giỏi có tiếng để sử dụng khi cần thiết? Cơ chế, chế độ chính sách thù lao cho họ ra sao", ông Sỹ nêu vấn đề.

Đẩy mạnh vai trò của trường đại học về tư vấn pháp lý cho Chính phủ - 2
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đưa ra một số câu hỏi cần làm rõ trong vấn đề xây dựng mô hình luật sư tư vấn cho Chính phủ.

Mô hình nào phù hợp cho Việt Nam?

Trình bày tham luận tại hội thảo, luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng Luật sư IDVN, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đã đề xuất về mô hình phù hợp nhất với tình hình Việt Nam hiện nay, gồm 3 nội dung chính.

Thứ nhất, giữ nguyên mô hình phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, chủ trì trong quá trình đàm phán, giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế, với sự tham gia, giám sát từ Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành, UBND tỉnh liên quan theo từng vụ việc.

Thứ hai, đối với các vụ tranh chấp lớn, trước mắt vẫn cần vai trò chủ đạo của các hãng luật nước ngoài để đảm bảo về năng lực, kinh nghiệm; kết hợp với các hãng luật trong nước có năng lực phối hợp giải quyết vấn đề về pháp luật và thực tiễn đặc thù của Việt Nam. Cơ chế này tạo tiền đề để từng bước xây dựng năng lực trong nước, đồng thời bảo đảm hiệu quả và năng lực giải quyết tranh chấp quốc tế.

Thứ ba, thành lập Hội đồng chuyên gia với cơ chế thành viên tích hợp các luật sư, chuyên gia và nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,… nhằm tư vấn cho Chính phủ trong quá trình đàm phán, thực thi các hiệp định thương mại đầu tư, giải quyết các tranh chấp thương mại đầu tư quốc tế, đặc biệt là giai đoạn đàm phán và giải quyết tranh chấp tiền tố tụng. Đây là cơ hội để từng bước xây dựng năng lực trong nước. Tuy nhiên, cần chú ý việc bảo mật thông tin và tốc độ giải quyết các vụ việc tranh chấp.

Tại phiên bàn tròn thảo luận, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Bộ môn Pháp luật kinh doanh quốc tế, trường Đại học Ngoại thương; Tổng thư ký Trung tâm Hòa giải Thương mại quốc tế Việt Nam cho rằng, cần xây dựng được mô hình kết hợp 3 trụ cột, gồm các chuyên gia của Chính phủ, luật sư đến từ các công ty luật và các chuyên gia pháp lý, giáo sư luật đến từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu về luật. Từ đó, tạo chân kiềng, trụ cột vững chắc, cùng phối hợp các nguồn lực.

"Các trường đại học hiện đã sẵn sàng trở thành một "trụ cột" cung cấp các tư vấn, dịch vụ phục vụ cộng đồng, trong đó có tư vấn cho Chính phủ. Đó là trách nhiệm của các trường đại học cũng như các trường đều có chiến lược về vấn đề này", PGS nói.

Đẩy mạnh vai trò của trường đại học về tư vấn pháp lý cho Chính phủ - 3
Các đại biểu tham dự hội nghị.

TS Nguyễn Thị Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam thì ủng hộ duy trì cơ chế liên ngành hiện nay, khi các Bộ ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương đóng vai trò chủ chốt, chủ trì trong quá trình đàm phán, giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, theo TS, cũng cần có các cơ chế liên ngành đối với các luật sư công ty luật, các Hội, các chuyên gia đầu ngành để họ cung cấp ý kiến tư vấn.

Về vấn đề thành lập Hội đồng chuyên gia, bà Hoàng Anh cho rằng trước nhất nên lập ra một lộ trình. "Việc có một Hội đồng là rất tối ưu, nhưng để thành lập Hội đồng cần trả lời các câu hỏi: Ai thành lập hội đồng đó? Cơ chế hoạt động như thế nào? Thù lao ra sao?... Vì vậy trước khi đi đến Hội đồng, tôi ủng hộ làm danh sách luật sư giỏi để Chính phủ sử dụng khi cần thiết. Cơ chế giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào từng vụ việc cụ thể, một danh sách rất rộng sẽ cho chúng ta sự lựa chọn phù hợp. Danh sách này Chính phủ phải là người đứng sau, quyết định cuối cùng", TS Hoàng Anh nêu ý kiến.