Đại học tìm giải pháp phát triển thương mại và phân phối ở Việt Nam
(Dân trí) - Hơn 300 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà khoa học, trường đại học trong nước và Hàn Quốc đã bàn thảo vấn đề thương mại thúc đẩy doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19.
Ngày 09/03/2022, Trường Đại học Thương mại phối hợp với Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trường Đại học Quy Nhơn và Đại học Quốc gia Chung Nam - Hàn Quốc đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế thường niên với chủ đề "Thương mại và phân phối" lần thứ 3 năm 2022 (The 3rd International Conference: Commerce and Distribution - CODI 2022).
Hội thảo có sự tham gia của hơn 300 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế về vấn đề thương mại và phân phối trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó dự báo triển vọng thị trường và đề xuất chính sách, giải pháp khôi phục, thúc đẩy phát triển thương mại và phân phối cho các lĩnh vực, ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam.
Hội thảo được chia thành 03 phiên (02 phiên tiếng Anh và 01 phiên tiếng Việt) với 15 bài báo cáo của các diễn giả đến từ các trường đại học trong và ngoài nước với các chủ đề khác nhau như: phân tích thực tiễn chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam nói chung và chuyển đổi số trong doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thương mại, logistics, nông nghiệp, du lịch,... nói riêng;
Xu hướng tiêu dùng, hành vi tiêu dùng, sự hài lòng của khách hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19; những vấn đề lý luận và thực tiễn về logistics trong thương mại và phân phối, tác động của logistics đến hoạt động thương mại và phân phối; chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong các ngành hàng; phân tích tác động của các hiệp định thương mại, hàng rào kỹ thuật trong xuất khẩu hàng hóa; phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu;
Mối quan hệ giữa đổi mới công nghệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc với hiệu quả nâng cao năng lực cạnh tranh; thành tựu và thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế; về thể chế, chính sách, luật pháp về thương mại và phân phối đối với phát triển kinh tế; vai trò của Nhà nước trong việc ban hành các chính sách thúc đẩy lưu thông hàng hóa; ảnh hưởng của chính sách thương mại và phân phối quốc tế đối với Việt Nam; thương hiệu doanh nghiệp, truyền thông và marketing nhằm phát triển thương mại và phân phối...
PGS,TS Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, thương mại và phân phối được xem là mắt xích quan trọng kết nối sản xuất và tiêu dùng. Hoạt động thương mại và phân phối không chỉ thúc đẩy lưu thông hàng hóa và dịch vụ mà còn hỗ trợ ngược trở lại quá trình sản xuất để tạo nên chuỗi cung ứng giá trị bền vững. Bên cạnh đó, thương mại và phân phối còn góp phần mở rộng quan hệ thương mại quốc tế, tăng cường xuất khẩu hàng hóa. Như vậy, hoạt động thương mại và phân phối chính là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng, giai đoạn vừa qua, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã minh chứng những tác động quan trọng đến hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và đến hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Đặc biệt, khủng hoảng của chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra càng cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm kết nối doanh nghiệp với khách hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn và "lúng túng" trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 để ứng phó hiệu quả trước đại dịch Covid-19.
"Hội thảo "Thương mại và phân phối" là điều kiện để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước, các nhà khoa học sẽ bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện và xác đáng hơn, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại và phân phối ở Việt Nam. Đồng thời, Hội thảo này thông qua việc kết nối các chuyên gia, học giả, giảng viên, người học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế - sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế và thương mại ở các trường đại học" - PGS.TS Nguyễn Hoàng bày tỏ.
Hội thảo đã phân chia thực hiện tập trung vào các chủ đề chính gồm:
- Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhằm phát triển thương mại và phân phối.
- Thị trường và hành vi của khách hàng trong lĩnh vực thương mại và phân phối.
- Logistics trong thương mại và phân phối, tác động của logistics đến hoạt động thương mại và phân phối.
- Mô hình phân phối thương mại, kênh phân phối thương mại, cơ sở thương mại phân phối của doanh nghiệp; Hệ thống thương mại và phân phối sản phẩm, dịch vụ trong chuỗi giá trị toàn cầu. - Dự báo triển vọng thị trường thương mại, phân phối trong nước, khu vực và thế giới và những đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, phân phối.
- Những thể chế, chính sách, luật pháp, cơ sở pháp lý về vấn đề thương mại và phân phối đối với sự phát triển kinh tế địa phương, quốc gia và quốc tế; Vai trò của Nhà nước trong việc ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa trên phạm vi thị trường nội địa và quốc tế; Ảnh hưởng chính sách thương mại và phân phối quốc tế khi Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới.
- Phát triển thương hiệu, truyền thông và marketing nhằm phát triển thương mại và phân phối.