Đại dịch Covid-19: Biến giấc mơ du học trời Tây thành du học online

Bích Nhàn

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 khiến nhiều du học sinh đã phải chấp nhận việc "du học tại chỗ" hay thậm chí là thay đổi cả định hướng học tập.

Những dự định không thành

Hơn 2 năm sau khi thế giới ghi nhận ca nhiễm đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà ngày càng có sự xuất hiện của nhiều biến chủng nguy hiểm. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phải thay đổi các chính sách về kinh tế, chính trị, xã hội,… để có những đối sách phù hợp với tình hình thực tiễn. Và giáo dục cũng có nhiều sự thay đổi trong phương thức tổ chức. Điều này đã gây gián đoạn cho quá trình học tập của các du học sinh Việt ở nước ngoài, cũng như các học sinh, sinh viên có dự định du học.

Trong bối cảnh nhiều nước vẫn còn đóng cửa biên giới quốc tế, các du học sinh cũng rơi vào các tình cảnh éo le khi không thể di chuyển và nhập học tại nước ngoài, đặc biệt là đối với các bạn đi du học theo hình thức tự túc.

Thanh Huyền (20 tuổi, du học sinh Nhật Bản) chia sẻ: "Sau khi học xong cấp 3 vào năm 2019, mình quyết định đi du học Nhật Bản. Khi ở Việt Nam thì mình đã tự học tiếng Nhật tại các lớp ở trung tâm và đã thi đỗ cấp bậc N5 (một cấp độ trong chứng chỉ tiếng Nhật JLPT), đủ điều kiện đi du học. Bởi vì mình đi du học tự túc nên mình cần trải qua phỏng vấn và sau khi thông qua phỏng vấn mới xin được COE (giấy chứng nhận tư cách lưu trú tại Nhật Bản). Tuy nhiên, đến khi xin visa thì dịch bùng phát nên mình đã không xin được và phải hoãn lại kế hoạch học tập tại Nhật".

Khác với Thanh Huyền, Thu Ngân, sinh viên ngành Báo chí, Trường Đại học HSE (Higher School of Economics, Nga) đã có 3 năm học tập tại trường. Khi châu Âu có đợt bùng dịch đầu tiên vào tháng 3/2020 và Nga ghi nhận gần 100 ca nhiễm, trường của Ngân đã quyết định chuyển hết tất cả chương trình học sang hình thức online. Lo lắng Nga sẽ hạn chế bay trong thời gian tới và cũng bởi gia đình không yên tâm khi bạn ở một mình tại nước ngoài, khi dịch có dấu hiệu ngày càng phức tạp, Thu Ngân đã quyết định bay về Việt Nam.

Bạn cho biết: "Sau khi về Việt Nam, mình học online các giáo trình môn chuyên ngành báo chí. Các thầy cô luôn dành sự hỗ trợ rất nhiệt tình với những sinh viên nước ngoài như mình nên mình vẫn đạt được kết quả học tập tốt. Tuy nhiên, trong quá trình học thì đôi khi mình vẫn gặp khó khăn trong việc tìm tài liệu, đồng thời nhiều lúc đường truyền mạng kém nên mình cũng bị bỏ lỡ mất một số nội dung bài học".

Đại dịch Covid-19: Biến giấc mơ du học trời Tây thành du học online - 1
Thu Ngân (phải) trong một hoạt động ẩm thực của trường tại Nga (Ảnh: NVCC)

Có thể thấy, mặc dù học trực tuyến giúp sinh viên không bị gián đoạn học tập nhưng nó cũng tồn tại nhiều vấn đề. Một trong những nhược điểm lớn nhất là không thể tạo ra môi trường học tập phù hợp, dẫn đến việc tiếp thu kiến thức cũng như tích lũy các kỹ năng cần có đối với ngành học của các du học sinh không đạt được như kỳ vọng ban đầu.

Đây là trường hợp của Nguyễn Phong, sinh viên năm 3 ngành Quản trị du lịch, Trường Đại học PRUE (Plekhanov Russian University of Economics, Nga). Thông thường, khoa của bạn sẽ tổ chức một số buổi ngoại khóa để giúp sinh viên có những trải nghiệm thực tế và rèn luyện thêm các kỹ năng mềm. Tuy nhiên, khi số lượng ca nhiễm tại Nga có dấu hiệu tăng cao, các buổi ngoại khóa đã bị hủy bỏ hết nhằm đảm bảo an toàn.

Bản thân Phong hiện nay cũng đang ở Việt Nam, do đó cũng không thể đi thực tập để phát triển cơ hội việc làm sau này. "Học online như này thì các bài tập nặng hơn về lý thuyết, việc thực hành không thể diễn ra và khiến mình thiếu sự trải nghiệm. " - Phong nói thêm.

Những bước ngoặt khác nhau

Việc du học trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp có nhiều điều khác biệt so với thời điểm thông thường. Những khó khăn, trắc trở trên con đường học tập tại nước ngoài vào lúc này đã vô tình tạo ra nhiều bước ngoặt và đặt ra những sự lựa chọn khác nhau cho các du học sinh.

Đối với Như Quỳnh (21 tuổi, du học sinh trường Đại học Sư phạm An Huy, Trung Quốc), bạn đã quyết định xin học bổng du học sang Trung Quốc sau khi học đại học tại Việt Nam một năm. Tuy nhiên, khi thi chứng chỉ HSK (kỳ thi kiểm tra trình độ ngôn ngữ tiếng Trung cho người muốn đến Trung Quốc học tập và làm việc) thì rơi vào lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam và bị hoãn lấy bằng. May mắn Như Quỳnh vẫn kịp hoàn thành hồ sơ du học trước khi hết hạn, vậy nhưng từ khi khai giảng, nhập học cho tới việc học tập hiện nay, mọi thứ đều diễn ra bằng hình thức trực tuyến.

Việc học online đôi khi khiến Như Quỳnh bị mất hứng thú học vì sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên cũng có nhiều hạn chế. Hơn nữa, bạn cũng không nhận được trợ cấp từ trường mà phải tự xoay sở các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, Như Quỳnh vẫn cố gắng duy trì và tự trau dồi thêm tiếng Trung để bắt kịp chương trình giảng dạy. "Mình thường ưu tiên nghe radio và nhạc tiếng Trung để luyện thêm khả năng nghe và cách phát âm. Phương pháp này giúp mình cải thiện nhiều kỹ năng và các thầy cô chưa từng phàn nàn về cách phát âm của mình bao giờ" - Như Quỳnh chia sẻ.

Đại dịch Covid-19: Biến giấc mơ du học trời Tây thành du học online - 2

Minh Ngọc trong một giờ học online khi còn du học Úc (Ảnh: NVCC)

Một bước ngoặt khác cũng xảy ra đối với Minh Ngọc, sinh viên năm 3 tại Học viện William Angliss (Úc). Ngọc quyết định trở về Việt Nam vào tháng 4 năm 2020 khi Melbourne - thành phố nơi bạn sống - ghi nhận số ca lây nhiễm tăng vọt mỗi ngày. Cho đến hết năm 2020, Melbourne vẫn không có một kế hoạch cụ thể nào để đón sinh viên quốc tế quay lại học mà tiếp tục hình thức học online. Sau khi bảo lưu hai kỳ vì cảm thấy việc học online không hiệu quả và khá phí tiền, đến tháng 6 năm 2021, Minh Ngọc đã dừng việc đi du học tại Úc và chuyển sang học trường RMIT (TP.Hồ Chí Minh).

Bạn cho biết: "Trong thời gian bảo lưu, mình đã tiếp xúc và thử sức ở nhiều lĩnh vực. Khi đó mình phát hiện bản thân có hứng thú đặc biệt với ngành truyền thông hơn là với ngành học cũ là Quản trị khách sạn. Vì vậy mình đã nhân cơ hội này để chuyển ngành luôn. Mình vẫn có ý định du học tại Úc theo chương trình trao đổi của RMIT, có thể vào năm sau nếu tình hình dịch bệnh hai nước ổn định hơn. Còn hiện tại, mình muốn tập trung vào việc học và cố gắng lấy được điểm cao cho các bài tập".

Trong thời điểm các quốc gia trên thế giới tiếp tục thắt chặt các hoạt động xuất nhập cảnh, nhiều du học sinh đã phải chấp nhận việc "du học tại chỗ" hay thậm chí là thay đổi cả định hướng học tập. Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, không biết đến bao giờ việc du học mới được thực hiện theo đúng nghĩa của nó.