Cuộc thi khởi nghiệp HSSV trường nghề năm nay khác biệt gì mùa giải 2020?
(Dân trí) - Bà Trần Minh Huyền - Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, cuộc thi khởi nghiệp Startup Kite năm nay có 5 điểm khác biệt so với năm ngoái.
Startup Kite là hoạt động hàng năm, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, là sân chơi bổ ích, kích thích khả năng sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh và trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV). Startup Kite được tổ chức từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trần Minh Huyền cho biết, 5 điểm khác biệt của Startup Kite 2021 so với năm ngoái cụ thể gồm:
Thứ nhất, Lần đầu tiên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức cuộc thi từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Thứ hai, Startup Kite 2021 có chủ đề "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0" hướng đến các ý tưởng, dự án ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ số trong mọi lĩnh vực nhằm chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật trong bối cảnh Covid-19 và trạng thái bình thường mới.
Thứ ba, với 5 Nhóm tiêu chí chấm điểm (Tính mới, sáng tạo của ý tưởng/dự án; Tính khả thi, tính cạnh tranh của ý tưởng/dự án; Tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật; Thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; Tính hiệu quả kinh tế - xã hội và ứng dụng thực tế) thì Nhóm tiêu chí chuyên môn, ứng dựng khoa học công nghệ và kỹ thuật được chú trọng có điểm cao hơn 4 nhóm còn lại.
Thứ tư, về hình thức tổ chức, thay vì chia khu vực tổ chức như năm trước, cuộc thi tổ chức 03 vòng; sơ tuyển/ bán kết/chung kết. Kết hợp cả 2 hình thức online và offline.
Thứ năm, Các thí sinh/đội thi sinh có các dự án được chọn vào vòng chung kết năm 2021 sẽ được các thành viên của Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ Sao Đỏ tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp và hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, dự án để có thể kêu gọi vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Trần Minh Huyền - Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh: "Đại dịch Covid 19 mang tới nhiều thách thức về thiếu hụt tài chính, giảm hoạt động kinh doanh, gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến nhiều doanh nghiệp nói chung, các startup gặp khó khăn trong việc kêu gọi vốn, rồi cân đối thu chi.
Xét về mặt tích cực đây là hồi chuông cảnh tỉnh doanh nghiệp, các startup phải bắt kịp xu thế chuyển đổi số để phát triển bền vững. Chúng ta có thể xem đây là cơ hội đặc biệt có các Startup công nghệ phát triển.
Như các bạn đã biết, Chủ đề của Cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0", Ban tổ chức kỳ vọng Cuộc thi sẽ thực hiện những bước đầu tiên giúp cho học sinh sinh viên GDNN hình thành lên các ý tưởng/dự án khởi nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghiệp để tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thích nghi và giải quyết những ảnh hưởng của đại dịch Covid và trong bối cảnh bình thường mới.
Chúng tôi tin rằng, chỉ cần có đam mê, sáng tạo, chúng ta sẽ biến thách thức thành cơ hội. Cuộc thi này sẽ là cơ hội cho học sinh, sinh viên GDNN thể hiện đam mê, và phát huy sự sáng tạo của bản thân; bước đầu hiện thực hóa những ý tưởng và dự án để khởi nghiệp tạo một tương lai mà các bạn trẻ mong muốn".
Theo Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cuộc thi hiện đang triển khai ở vòng cấp trường.
"Qua theo dõi của Ban tổ chức nhiều trường đã ban hành kế hoạch tổ chức triẻn khai thực hiện ở cấp trường. Hiện nay các nhóm học sinh sinh viên bắt đầu nghỉ hè nên các em cũng có thời gian để đầu tư cho các ý tưởng/ dự án của mình.
Nhiều trường đã triển khai cuộc thi đến từng khoa, từng học sinh sinh viên, tạo nên một phong trào thi đua sáng tạo khởi nghiệp trong chính ngành học của mình; phân công giáo viên, giảng viên phối hợp các doanh nghiệp là đối tác của nhà trường hướng dẫn các em học sính sinh viên lập ý tưởng, dự án để tham gia Startup Kite .
Ngoài ra, các trường còn thiết lập kênh trao đổi thông tin, hướng dẫn trực tuyến cho học sinh, sinh viên trong dịp hè và cũng là đáp ứng công tác phòng dịch Covid-19 hạn chế gặp mặt nhưng vẫn thường xuyên trao đổi thông tin, hướng dẫn online", bà Huyền chia sẻ.
Startup Kite 2021 bao gồm 3 vòng thi: vòng sơ tuyển, bán kết và vòng chung kết. Vòng sơ tuyển thi viết lập ý tượng, dự án tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc từ tháng 5 đến hết ngày 31/8/2021 với hình thức online hoặc offline.
Vòng bán kết thi thuyết trình và phản biện từ tháng 9 đến tháng 10/2021 tại Hà Nội, có thể đăng ký hình thực thi online hoặc offline để chọn ra các ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc vào vòng chung kết.
Vòng chung kết thi kêu gọi vốn đầu tư ảo (thuyết trình và thương thuyết với các nhà đầu tư) và xử lý tình huống vào tháng 11 năm 2021 với hình thức offline. Đặc biệt, các thí sinh/đội thí sinh được vào vòng chung kết sẽ được tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp và hướng dẫn hoàn thiện ý tưởng/dự án để thi chung kết.
Trước đó, Startup Kite 2020 với hơn 1.000 ý tưởng, dự án đăng ký tham gia, Ban tổ chức đã chọn 38 dự án vào chung kết và trao 01 giải nhất cho ý tưởng Máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động của Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng thành phố Hồ Chí Minh, 02 giải nhì và 02 giải ba, một số dự án đã được các nhà đầu tư, doanh nhân tiếp tục đầu tư phát triển các ý tưởng thành dự án lớn hơn, mang lại giá trị trong tương lai.