"Cuộc đua" vào lớp 1: Con học ôn kín tuần, bố mẹ cãi nhau vì quá áp lực

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Kỳ tuyển sinh vào lớp 1 tại Hà Nội được nhiều phụ huynh đánh giá "căng như dây đàn" khiến cả con trẻ và bố mẹ đều phải gánh những áp lực riêng.

"Con không vào lớp 1 nữa được không mẹ?"

Cậu con trai sắp sửa vào lớp 1 của chị Bích Ngọc (sống tại Quận Hoàng Mai, Hà Nội) gào lên trong buổi tập viết được mẹ mở tại nhà hàng ngày. Cậu bé vừa học vừa ngáp, nước mắt ngắn dài xin mẹ: "Con không vào lớp 1 nữa được không mẹ?".

Cuộc đua vào lớp 1: Con học ôn kín tuần, bố mẹ cãi nhau vì quá áp lực - 1

Học sinh học tập hăng hái trong buổi học tại một trường tiểu học (Ảnh minh họa: M.H)

Lo lắng con không theo kịp bạn bè, mỗi tối, chị Ngọc đều kiên nhẫn dạy con tập đọc, tập viết và làm toán. Cậu con trai ở tuổi ẩm ương vốn hiếu động, khá thiếu tập trung, lại chưa hứng thú với chuyện học hành nên điệp khúc con thì sụt sùi nước mắt, mẹ thì sốt ruột quát mắng vẫn cứ lặp lại mỗi tối.

Anh Quân (chồng chị Ngọc) xót con, không muốn đè nặng áp lực chuyện "phải biết viết, biết đọc" khi con còn chưa vào tiểu học, nên anh nhiều lần góp ý nhưng đều chẳng có kết quả thống nhất. Chị Ngọc thường xuyên sử dụng những câu mệnh lệnh như: "Viết đi"; "Đọc to lên"; "Tập trung vào, học trước quên sau như thế này à"...

Càng ngày cậu bé càng sợ phải ngồi vào bàn học dù tối nào mẹ cũng cật lực quát tháo. Nhiều lúc không thể nhịn được, anh Quân lên tiếng cãi nhau với vợ về cách dạy con nên mỗi khi đến giờ học không khí trong gia đình đều rất căng thẳng.

Con gầy rạc vì áp lực tiền tiểu học

Ngay từ đầu năm nay, gia đình chị Hà (sống tại Huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã lên kế hoạch ôn tập cho con chuẩn bị vào lớp 1, sau khi tham khảo kinh nghiệm của nhiều phụ huynh đi trước. Bên cạnh chuyện học viết, học tính toán, chị Hà còn đăng ký cho con học thêm tiếng Anh.

Cứ 18h hàng ngày, vị phụ huynh trẻ vội vã cơm nước xong xuôi để đưa rước bé Na (con gái chị Hà) đi học ngoại ngữ. Con có mặt tại trung tâm học thêm lúc 18h30, buổi học kết thúc sau đó 2 tiếng đồng hồ. 21h, sau khi ăn uống, tắm rửa xong, bé phải ngồi vào bàn để luyện viết, học số. Na kết thúc một ngày học vào lúc 22h30.

Cuộc đua vào lớp 1: Con học ôn kín tuần, bố mẹ cãi nhau vì quá áp lực - 2

Nhiều phụ huynh áp lực vì chuyện chọn trường cho con vào lớp 1 (Ảnh: Shutterstock).

Các hoạt động này đã được ấn định hàng ngày, dù muốn hay không thì bé Na vẫn phải tuân thủ. Cô bé 6 tuổi cảm thấy áp lực, thậm chí bé còn bị sụt cân, táo bón bởi gánh trên vai kỳ vọng của bố mẹ.

Từ khi bắt đầu ôn luyện, bé sụt mất 1kg. Mặc dù sau đó, chị Hà đã mua đồ bồi dưỡng nhưng con vẫn không tăng cân nổi. Phụ huynh này tâm sự: "Thật sự thì cuộc đua vào lớp 1 còn căng thẳng hơn hồi tôi đồng hành cùng anh của bé thi đại học. Dù không muốn con học hành vất vả quá nhưng tôi hy vọng con có bước chạy đà tốt cho cuộc đời nên mới đăng ký cho con học thêm trước khi vào lớp 1.

Chồng tôi tan làm muộn nên việc đưa đón con đi học thêm đều chủ yếu một mình tôi gánh vác. Nghĩ đến chuyện học hành của con mà sốt ruột và áp lực quá".

Bố mẹ "tranh cãi nảy lửa" chuyện chọn trường cho con

Chị T.M. - một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 năm học 2023-2024 tại Quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, cả tháng nay nhà chị luôn trong trạng thái "rối như canh hẹ" vì chuyện chọn trường, chọn lớp cho cậu con trai sinh năm 2017.

Theo tìm hiểu trên các hội, nhóm có con chuẩn bị vào lớp 1, chị T.M. lọc ra danh sách các trường được "đồn" là giáo viên giỏi, chất lượng đào tạo tốt. Từ danh sách đó mới bàn tính đến các điều kiện khác như: Khoảng cách từ nhà đến trường, mức chi phí phải chi trả…

Sau cùng, chị quyết định "chốt" nộp hồ sơ cho con theo học tại một ngôi trường cách nhà khoảng 2km. Song, chồng chị lại không đồng ý vì lý do "ngược đường đi làm của bố mẹ, như thế sẽ rất bất tiện trong khoản đưa đón".

"Suốt một tháng nay, cứ hễ nhắc đến chuyện nộp hồ sơ vào trường tiểu học cho con là vợ chồng tôi lại cãi nhau, khó tìm được tiếng nói chung. Chồng tôi thì muốn cho con học gần nhà, nhưng trong quan điểm của tôi, khoảng cách không phải là yếu tố quyết định.

Chồng tôi nói, nếu tôi cứ nhất nhất giữ nguyên quyết định thì sẽ không đưa đón con, mặc kệ tôi tự sắp xếp. Tôi có thể đi sớm hơn một chút, đưa con đi học rồi mới đến công ty cũng không có vấn đề gì cả, miễn sao con vào được ngôi trường tốt", chị thở dài.