Cô học trò nghèo đỗ 2 trường ĐH lo không có tiền nhập học

(Dân trí)- 12 năm học bài dưới ánh đèn dầu, kỳ tuyển sinh vừa qua, cô học trò nghèo Nguyễn Thị Lệ Hiền ở thôn Quảng Điền, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Định) đã đậu cả 2 trường ĐH. Giờ đây mẹ con em đang chạy vạy khắp nơi để lo tiền cho Hiền nhập học.

Cô học trò nghèo đỗ 2 trường ĐH lo không có tiền nhập học - 1
Suốt 12 năm học phổ thông, Nguyễn Thị Lệ Hiền học bài dưới ánh đèn dầu. Vậy mà cô học trò nghèo vẫn luôn đạt kết quả cao trong học tập.

Nuôi ước mơ giảng đường trong túp lều rách nát

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông thôn nghèo huyện Tuy Phước (Bình Định), Hiền sớm thiếu vắng sự chăm sóc của cha khi người cha không chịu được kham khổ rồi bỏ ba mẹ con Hiền để theo người đàn bà khác.

Chúng tôi về thăm nhà em vào một buổi trưa nắng oi ả giữa lúc Hiền đang chuẩn bị nấu bữa cơm trưa cho ba mẹ con. Bữa cơm trưa thật đạm bạc chỉ một ít cà muối chấm mắm ruốc, ít tàu mùng cho qua bữa.

“Ngày nào mà chẳng vậy tụi em quen rồi, nhà mình nghèo làm gì có thịt cá ăn thường xuyên được, chỉ lâu lâu mẹ mới mua chút thịt thôi anh à” - Hiền nhỏ nhẹ thổ lộ.

Cô học trò nghèo đỗ 2 trường ĐH lo không có tiền nhập học - 2
Bữa cơm đạm bạc với rau tàu khoai.

Ba mẹ con Hiền sống trong ngôi nhà, nói là nhà nhưng thực ra là một túp lều lụp xụp, rách nát khoảng 6m2 chỉ vừa đặt một chiếc giường nhỏ và một chỗ để Hiền và cậu em út lấy nơi học bài. Túp lều được làm bằng che chắp vá, mái được phủ bằng tấm bạt màu xanh đã cũ trông thật thê thảm, nắng trốn nắng, mưa tránh mưa.

“Em sợ nhất về mùa mưa bãi kéo dài có khi cả tuần ba mẹ con chỉ biết ăn cháo. Nhiều lần mưa lụt căn lều bị ngập, ba mẹ con em phải dìu nhau tá túc vào nhà hàng xóm trong làng” - Hiền tâm sự.

Cô học trò nghèo đỗ 2 trường ĐH lo không có tiền nhập học - 3
Ba mẹ con Hiền sống trong túp lều khoảng 6m2.

Khổ cực như thế vậy mà hai chị em Hiền vẫn học giỏi. Cô học trò ấy đã trải qua 12 năm học bài trong túp lều rách nát không một ánh điện. Từ những ngày hè nóng nực mồ hôi nhễ nhại đến những đêm đông lạnh căm, Hiền vẫn cùng ngọn đèn dầu leo lét ôn bài.

Hàng ngày sau giờ học ở trường, Hiền về giúp mẹ từ việc nhà đến việc đồng, kèm cặp cậu em trai học bài rồi tự ôn thi đại học.

Ba mẹ con Hiền sống nhờ với 2 sào ruộng nhưng con cái nhỏ lại ốm đau liên miên. Bản thân chị Nguyễn Thị Kim Hòa (40 tuổi) - mẹ của Hiền bị bệnh huyết áp thấp, bệnh sản, chân tay bị nấm hễ làm đồng là phù lên đau không chịu nỗi. Ra nắng lâu thì xây xẩm mặt mày nên chị đành phải bán ruộng để lấy tiền lo thuốc thang cho con.

Hàng tháng gia đình Hiền được trợ cấp 180.000 ngàn đồng nhưng với chừng nấy miệng ăn là không đủ trong khi đó con cái ốm đau, học hành trăm thứ tiền khiến cho cuộc sống của ba mẹ con trở nên lay lắt.

Thấy hoàn cảnh ba mẹ con vất vả lại thương hai đứa nhỏ ham học, bà con cũng động lòng thương. Cũng có người cho vài ký gạo, người cho con cá. Những ngày này khi Hiền được tin đỗ ngành Kế toán Trường ĐH Sài Gòn (với số điểm 19,5) và ngành Sư phạm toán Trường ĐH Quy Nhơn, cả ba mẹ con vừa mừng vừa lo chạy vạy khắp nơi để lấy tiền cho Hiền nhập học. 

Thương con lớn rồi mà không có ngôi nhà tử tế để ở, chị Hòa lặn lội đi các chùa xin ủng hộ. Đi cả năm trời chị cũng xin được mấy triệu đồng chị về mua vật liệu xây ngôi nhà nhỏ độ 10m2 nhưng đang xây thì địa phương không cho xây mà không rõ nguyên nhân vì sao.

Cô học trò nghèo đỗ 2 trường ĐH lo không có tiền nhập học - 4
Hiền đang nấu ăn bên khoảnh đất chật chội được quây lại làm gian bếp.

Mơ ước được làm cô giáo

Đỗ 2 trường ĐH Sài Gòn và ĐH Quy Nhơn, Hiền đã chọn học tại ĐH Quy Nhơn để thực hiện ước mơ làm cô giáo. Hiền thổ lộ: “Ban đầu em cũng muốn học ở Sài Gòn sẽ có nhiều cơ hội, tuy khó khăn nhưng ở đâu khó khăn thì ở đó sẽ giúp mình trưởng thành hơn. Nhưng rồi em nghĩ hoàn cảnh gia đình mình nghèo giờ đến tiền tàu xe còn không có huống gì tiền ăn, học phí... Học ở đâu cũng cần tiền nhưng em học ở quê để có thể phụ giúp mẹ và em. Chắc chắn khi đi học em phải đi làm thêm, học ngành Sư phạm Toán nên em sẽ nhờ các anh chị giới thiệu mối cho em dạy kèm để có thêm thu nhập cho mẹ đỡ khổ”.

Sau Hiền là cậu em trai đang học lớp 7, đó cũng là lý do Hiền chọn học tại Quy Nhơn để có thời gian kèm cặp em trai học hành.

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, Hiền ngập ngừng nói: “Mỗi người mỗi cảnh, riêng em ba bỏ mẹ con em đi từ nhỏ, em chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều lúc em đã nghĩ bỏ học nhưng rồi nhìn mẹ cực khổ nuôi hai chị em ăn học, em nghĩ nếu mình bỏ học rồi cũng khổ như mẹ nên nghĩ chỉ còn cách duy nhất là học, học thật giỏi mới đến đáp được công ơn của mẹ”.

Hiền đặt quyết tâm khi vào đại học sẽ cố gắng học giỏi để ra trường với tấm bằng đỏ để dễ xin việc, có một công việc ổn định với nghề giáo viên.
 

Bạn đọc có thể hỗ trợ em Nguyễn Thị Lệ Hiền qua các địa chỉ sau:

 

1. Nguyễn Thị Lệ Hiền (mẹ là Nguyễn Thị Kim Hòa), thôn Quảng Điền, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Định).

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

3. Tài khoản Ngân hàng (Báo Khuyến học & Dân trí)

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0451 001 944 487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

 

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

 

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

4. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP TPHCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269

 
Doãn Công