Chuyện đến trường của trẻ em Việt ở Waterloo mùa dịch Covid-19…

(Dân trí) - Cứ mỗi độ thu sang, khi những lá phong ở Waterloo đồng loạt chuyển đỏ cũng là thời điểm những người Việt xa xứ thuộc tỉnh bang Ontario, Canada trở nên chộn rộn chuẩn bị cho bọn trẻ trở lại trường.

Chuyện sắp xếp cho lũ trẻ đi học trở lại trong mùa thu này hẳn làm đau đầu những người lớn. 

Ngay từ đầu mùa hè, ông tỉnh trưởng và ông bộ trưởng giáo dục tỉnh bang Ontario đã lên sẵn phương án đưa học sinh trở lại trường trong năm học mới trong tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp, khi cứ mỗi ngày trôi qua thì Canada lại có thêm hơn 500 ca nhiễm mới.

Các hội đồng địa phương được yêu cầu phải có kế hoạch triển khai cụ thể cùng các phương án đảm bảo an toàn cho lũ trẻ mà không phải thỏa hiệp với các cơ hội học tập của chúng. 

Chuyện đến trường của trẻ em Việt ở Waterloo mùa dịch Covid-19… - 1
Học sinh ở Waterloo đang trở lại trường học bắt đầu từ đầu tháng 9. Ảnh: Francis Ferland/CBC

Quan trọng nhất, làm sao để các phương án đó thuyết phục được các phụ huynh vốn luôn thường trực nỗi lo lắng về sự an toàn cho tụi trẻ khi phải đến trường trong mùa dịch. 

Ở Waterloo, các cơ quan phụ trách giáo dục gửi thông báo liên tục đến phụ huynh để xin ý kiến, hoặc đơn giản là để phụ huynh nắm thông tin. 

Trong suốt mùa hè vừa qua, có những ngày vài ba thông báo được gửi đi. Đồng thời, người ta cũng gửi liên tục các mẩu thư thoại đến các số điện thoại của phụ huynh. 

Các quan chức phụ trách giáo dục ngày ngày xuất hiện trên truyền thông với những thông tin cập nhật về tinh hình dịch bệnh và công tác chuẩn bị cho năm học mới. 

Thầy cô hiệu trưởng các trường tiểu học và trung học trong vùng được các nhóm phụ huynh mời đến nhà cộng đồng để nói chuyện về kế hoạch cho năm học mới.

Các thầy cô rất sẵn lòng, tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng sắp xếp được thời gian. Có cô giáo còn bày tỏ sự thông cảm với phụ huynh khi phải nhận hàng loạt thông báo hàng ngày, và mong phụ huynh cũng thông cảm với ban giám hiệu nhà trường, khi mà chính họ cũng phải liên tục nhận chỉ đạo, nhiều khi chỉ đạo sau lại phủ nhận chỉ đạo ngay trước đó. 

Tất cả chỉ nhằm theo sát với tình hình lây lan của Covid-19 để từ đó có các ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa cho học sinh. 

Cũng cần nói thêm rằng, chính sự có mặt của các thầy cô hiệu trưởng và thái độ ân cần, bình tĩnh của họ đã làm an lòng các ông bố bà mẹ, vốn luôn mong đợi và đòi hỏi những gì tốt nhất cho lũ trẻ.   

Chuyện đến trường của trẻ em Việt ở Waterloo mùa dịch Covid-19… - 2

Giáo viên ở các trường học tại Canada tích cực lau dọn, vệ sinh lớp học để đón học sinh vào năm học mới. Ảnh: Christinne Muschi/Bloomberg.

Việc dạy và học mùa dịch cũng có những khác biệt so với thời điểm bình thường. Các thầy cô phải thiết kế lại các giờ học và giáo án sao cho vừa có thể dạy trên lớp, vừa có thể dạy trực tuyến, vừa dùng cho những học sinh muốn tự học.

Các tiết thể dục phải giảm bớt một số hoạt động nhóm nhằm tuân thủ quy định giãn cách; các bài học và thực hành về việc giữ gìn sức khỏe mùa dịch được tăng cường.

Tuy vậy, những điều chỉnh này có vẻ không làm khó các thầy cô khi mà họ đã thực hiện một chương trình giáo dục linh hoạt từ nhiều năm rồi, và vì vậy, đã có quá nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

Năm học này, Bí Đỏ, Kayn và Tony nhà tôi chọn cách học kết hợp giữa việc đến lớp và học trực tuyến ở nhà. Lý do chính mà chúng mang ra thuyết phục với bố mẹ đó là: ngoài việc phải chôn chân ở nhà như suốt mùa hè vừa rồi, chúng muốn vừa có thêm thời gian để gặp gỡ bạn bè, thêm đàn đúm, lập hội, họp nhóm. 

Nhân nói về hội nhóm, mỗi trường trung học ở Waterloo có đến vài chục loại hình hội, nhóm, câu lạc bộ với đủ loại chủ đề, từ CLB “Những thủ tướng Canada tương lai”, đến nhóm bảo vệ gấu Bắc cực, làm búp bê, chơi cầu lông,... 

Thầy cô giáo và học sinh cùng nhau tổ chức, tự đi quyên tiền, tự triển khai các hoạt động. Năm ngoái, Bí Đỏ trông rụt rè thế mà cũng đã đăng ký và tham gia một cách tích cực đến ba câu lạc bộ.

Chuyện đến trường của trẻ em Việt ở Waterloo mùa dịch Covid-19… - 3
Lũ trẻ mong muốn được trở lại như thời gian trước dịch: đến trường và tự do tham gia các hoạt động tập thể. Ảnh: Nguyễn Hùng

Các thầy cô bận rộn lau dọn bàn ghế, sắp xếp các đường đi lối lại trong trường đế đảm bảo lưu thông một chiều, đặt các biển báo trong hành lang và trong nhà vệ sinh, các trạm rửa tay và hộp khẩu trang khắp nơi dọc hành lang và trong lớp học.

Đã vậy, do các lớp học phải chia đôi số học sinh, các thầy cô còn phải gọi điện thoại cho từng phụ huynh thông báo thời khóa biểu đã được điều chỉnh.

Bận rộn là thế, vậy mà cũng chưa thấy thầy cô nào tỏ vẻ bực bội hay nổi cáu với những câu hỏi và thắc mắc dường như bất tận của phụ huynh. Nói chung, thầy cô ở đây thực sự là những anh hùng.

Mặc dù những người trẻ chẳng phải lo gì, nhưng rõ ràng là chúng nó có vẻ miễn cưỡng vì phải thực hiện những biện pháp an toàn. Quy định mới của bộ giáo dục yêu cầu học sinh phải mang khẩu trang khi ở trong trường, và không được được phép ngồi chung nhóm lớn vào mỗi giờ ăn trưa trong nhà ăn (cafeteria).

Chúng nó phải vào trường bằng đúng cổng của môn học đã đăng ký, và đi thẳng đến phòng học, không được lang thang tụm năm tụm bảy với bạn bè như trước.

Có vài cô cậu học sinh than phiền rằng, trường học như thế còn gì là tự do và vui, và nhấm nháy nhau sẽ hẹn hò nhau bên ngoài trường học.

Ngay từ trong hè, Tony đã háo hức chờ ngày vào học đầu tiên được tổ chức một cách trang trọng cho học sinh đầu cấp trung học. Theo truyền thống của nhà trường, lứa học sinh mới sẽ được các anh chị học sinh lớp trên đón tiếp, dẫn đi giới thiệu chỗ nọ chỗ kia trong trường, được mời ăn trưa trong cafeteria để có cơ hội làm quen với bạn mới.

Thế nhưng cách đây mấy ngày, cu cậu trở về nhà với tâm trạng có vẻ không vui vì ngày đầu tiên ở trường chỉ là gặp được mười mấy đứa bạn trong phòng học rộng thênh thang. 

Waterloo là thế, dù cuộc sống có nhiều đổi thay vì dịch bệnh, nhiều điều phải lo toan, nhưng điều quan trọng nhất chẳng có gì có thể thay đổi được, đó là việc học của những đứa trẻ.

Chúng nó vẫn có thể tự do lựa chọn cho mình những môn học yêu thích trong số gần một trăm môn học cho mỗi năm. Năm nay, sau nhiều ngày đắn đo tìm hiểu, Tony và Kayn mỗi đứa chọn một môn về thương mại, Bí Đỏ thì tập trung các môn trọng điểm để chuẩn bị cho kì thi vào đại học. 

Một năm học mới lại bắt đầu. Đứa nào đứa nấy đi học về nhà mặt hớn hở kể đủ chuyện vui buồn trên trường theo đúng kiểu học trò. Dường như đối với chúng nó, Corona virus là chuyện đáng lo của người lớn chứ chả liên quan gì đến trẻ con. 

Còn người Việt ở Waterloo thì vẫn thế. Bên cạnh những lo toan thường nhật thì việc chuẩn bị cho tụi nhỏ đi học trở lại khiến mỗi người ở đây cũng cảm thấy đôi chút xao xuyến trong lòng.

Nhất là khi bước chân trên vỉa hè ngập tràn màu lá phong đỏ ối, trong đầu chợt ngân nga những câu văn đầy hoài niệm của Thanh Tịnh thuở nào: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”.

Chào mùa thu từ Waterloo!