Chủ tịch nước nhắc lại kỷ niệm thời sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Mai Châm

(Dân trí) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Chủ tịch nước trở lại trường xưa thăm hỏi, động viên các cán bộ, giáo viên và sinh viên.

Tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022) do Trường Đại học Kinh tế quốc dân (KTQD) tổ chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự và thăm hỏi các thầy cô giáo, động viên các thế hệ sinh viên nhà trường.

Chủ tịch nước nhắc lại kỷ niệm thời sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân - 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về thăm trường xưa nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (Ảnh: T.T).

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước cho biết: "Trường Đại học KTQD là nơi tôi đã theo học Khóa 15 Khoa Công nghiệp (1973 - 1977). Tôi và những người đã theo học dưới mái trường này luôn tự hào từng là sinh viên Trường Đại học KTQD".

"Tôi luôn có niềm tin vào các thế hệ sinh viên Trường Đại học KTQD cũng như sinh viên các trường đại học của Việt Nam. Tôi mong các em hãy phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, trách nhiệm với xã hội, tích cực học tập, tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại, rèn luyện kỹ năng, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến và khởi nghiệp", Chủ tịch nước tiếp lời.

Chủ tịch nước mong các em sinh viên luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"; thực hiện lời dạy này của Bác Hồ chính là góp phần thiết thực vào việc hiện thực hóa "Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".

Chủ tịch nước cho rằng, trong những năm qua, giáo dục đại học của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển giáo dục đại học vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Để thực hiện tốt hơn nữa, công cuộc đổi mới giáo dục đại học, Chủ tịch nước đề nghị một số điểm sau đây.

Chủ tịch nước nhắc lại kỷ niệm thời sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân - 2

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng ba cho các tập thể, cá nhân (Ảnh: T.T).

Thứ nhất, cần chuyển mạnh giáo dục đại học từ truyền đạt kiến thức sang giáo dục rèn luyện kỹ năng, phương pháp tư duy và tự học, tự tìm tòi bổ sung kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Trong quá trình đào tạo, sinh viên đóng vai trò trung tâm, chủ động; giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng sinh viên cách thu nhận kiến thức và vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn.

Thực hiện điều này không chỉ liên quan đến đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, mà đòi hỏi đổi mới căn bản mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, giáo trình và học liệu, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học cần dành sự quan tâm đặc biệt đến điều này, coi đây là vấn đề quan trọng hàng đầu cần tập trung giải quyết để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.  

Thứ hai, mỗi cơ sở giáo dục đại học phải thực sự trở thành lực lượng đi tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu của xã hội và xu thế phát triển khoa học công nghệ trên thế giới. Cần đặc biệt chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động nghiên cứu và tư vấn.

Bên cạnh việc quan tâm đến tăng các công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có uy tín (công bố quốc tế) để cải thiện thứ bậc trong xếp hạng đại học của các tổ chức quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học cần quan tâm tới thực hiện các nghiên cứu khoa học nhằm góp phần thiết thực vào giải quyết các vấn đề thời sự cấp thiết và các vấn đề có tầm chiến lược dài hạn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.  

Thứ ba, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Đội ngũ giáo viên của mỗi cơ sở giáo dục đại học phải là những người có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm.

Để đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản đó, mỗi người giáo viên phải tự giác, chủ động thường xuyên tự rèn luyện trong môi trường làm việc cụ thể. Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để mỗi giáo viên cống hiến hết khả năng trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng công tác.

Về phần mình, Đảng và Nhà nước đồng thời với việc đặt yêu cầu ngày càng cao với đội ngũ giáo viên và các cơ sở giáo dục đại học, cũng hết sức quan tâm đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần, để thúc đẩy nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, để mỗi giáo viên yên tâm gắn bó với nghề và cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người.

Thứ tư, đổi mới quản trị đại học là tiền đề triển khai hệ thống các giải pháp khắc phục các hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học. Trong đổi mới quản trị đại học, tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cần song hành với thực hiện cơ chế tự chủ đại học.

Trong những năm qua việc thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ tại một số trường đại học công lập, trong đó có Trường Đại học KTQD, đã thu được những kết quả tích cực ban đầu, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu giải quyết.

Để tiếp tục thực hiện đúng thực chất cơ chế tự chủ trong khuôn khổ đổi mới quản trị đại học, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của giáo dục đại học, tôi đề nghị cần nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ và thiếu nhất quán; các cơ sở giáo dục đại học rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược phát triển theo đúng yêu cầu tự chủ và đổi mới quản trị đại học phù hợp yêu cầu hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chủ tịch nước nhắc lại kỷ niệm thời sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân - 3

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: T.T).

Đáp lại những lời động viên, căn dặn của Chủ tịch nước, đại diện cho các cán bộ, giáo viên nhà trường, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ sự xúc động và mong rằng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cùng với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với sự phát triển của nhà trường.