Cha mẹ nên làm gì khi phong cách nuôi dạy con xung đột?

Dương Huệ Anh

(Dân trí) - Một vấn đề được người này xem là "không có gì to tát" có thể lại là chuyện nghiêm trọng với người kia. Xung đột giữa cha mẹ trong phong cách nuôi dạy con bắt đầu từ đó.

Cha mẹ nên làm gì khi phong cách nuôi dạy con xung đột? - 1

Xung đột trong việc nuôi dạy con cái có thể gây ra hỗn loạn trong hôn nhân (Ảnh: Adobe).

Bạn đang cấm con xem TV nhưng khi đi làm về lại thấy chồng và con đang ngồi xem TV, và con bạn giải thích rằng là bố cho xem, còn chồng thì chỉ trích bạn ngay trước mặt con: "Lỗi của con không có gì to tát cả, nếu là anh thì anh sẽ không xử lý như vậy".

"Không có gì to tát" đối với một người, có thể là vấn đề lớn đối với người kia. Tuy nhiên, không nên phá vỡ kỷ luật của đối phương trước mặt con. Và mặc dù khi còn nhỏ, bạn đã nói rằng mình sẽ không bao giờ dạy con như cha mẹ mình đã từng, nhưng bạn và người bạn đời của mình vẫn có xu hướng lặp lại kiểu dạy con như cha mẹ, bất kể tốt xấu. Đó là kiểu nuôi dạy con quen thuộc đối với bạn, và chúng tạo nên vùng an toàn của bạn.

Hơn nữa, với cách dạy của cha mẹ mình, bạn vẫn trở thành một người không tồi, nên bạn đã áp dụng luôn phong cách đó với con mình.

Chúng ta làm theo những gì chúng ta biết

Theo bản năng, bạn sẽ dạy con theo cách bạn đã từng được nuôi dạy: bạn từng được nuôi dưỡng theo cách này, còn bạn đời của bạn thì theo cách khác. Sự thật này không tránh khỏi sự khác biệt trong cả kỳ vọng và phương pháp nuôi dạy con của cả hai người. Thứ bạn mang vào cuộc hôn nhân của bạn là nguồn gốc gia đình và cách cha mẹ bạn nuôi dưỡng bạn. Và ngay cả khi bạn không thích những gì cha mẹ bạn đã làm, bạn vẫn sẽ làm theo những gì mình biết.

Trong suy nghĩ của bản thân, ta sẽ cảm thấy điều đó chính đáng. Trước đây, bạn chưa từng làm cha mẹ, vì vậy bạn phản chiếu lại tất cả cảm xúc và giá trị từ nhà của bạn vào gia đình mới của mình. Suy cho cùng, đó là con người của bạn và những gì bạn mang lại cho cuộc hôn nhân của bạn.

Khi đứng trước vô vàn lựa chọn cách nuôi dạy con cái, bạn sẽ có xu hướng tìm kiếm sự quen thuộc. Những kỳ vọng của ta thường va chạm vào một bức tường gọi là "Cha mẹ khác", và ta không hiểu tại sao bạn đời của mình không thể nhìn mọi thứ theo cách của bản thân. Xung đột trong việc nuôi dạy con cái có thể gây ra hỗn loạn trong hôn nhân và là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến ly hôn.

Dưới đây là một số điều cần làm khi phong cách nuôi dạy con của bạn và của đối phương có sự xung đột:

Thường xuyên cởi mở với bạn đời: Giao tiếp chính là chìa khóa cho mọi chuyện.

Hiểu con: Mỗi đứa trẻ cần một phong cách nuôi dạy khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Ví dụ, bạn sẽ phải kỷ luật một đứa trẻ nhút nhát theo cách rất khác so với một đứa trẻ hung hăng.

Tự giáo dục: Hãy chắc chắn rằng bạn nhận thức được con bạn đang trải qua những gì trong thời đại ngày nay, thay vì chỉ phỏng đoán hoặc dựa trên kiến thức từ trải nghiệm thời thơ ấu của bạn. Nói chuyện với các phụ huynh khác và tìm hiểu về các nhóm đồng trang lứa của con bạn.

Tham gia vào quá trình thấu cảm: Hãy bố trí một không gian, chẳng hạn như nhà bếp, để bạn và bạn đời có thể thường xuyên trao đổi về các vấn đề trong gia đình.

Nhà bếp là trái tim của một ngôi nhà. Ở đây, bạn đang tạo ra những truyền thống và phong cách giáo dục mới phù hợp với gia đình mới của mình. Hãy thành thật, và đừng cảm thấy bị xúc phạm khi bạn đời của bạn đang nói.

Việc này sẽ giúp bạn có cơ hội suy ngẫm về điều tốt, xấu trong quá trình lớn lên của chính mình, và bạn đời của bạn cũng có cơ hội làm điều tương tự.

Lập kế hoạch nuôi con phù hợp với hoàn cảnh: Bạn sẽ đưa ra một tiêu chí nuôi dạy con quan trọng nhất đối với mình, không thể bỏ đi, và bạn đời của bạn cũng làm vậy. Sau đó, hai người cùng thương lượng phần còn lại cho đến khi bạn có một kế hoạch mới kết hợp phong cách nuôi dạy con của cả hai.

Kiên trì với kế hoạch nuôi con: Hãy kiên định. Từ đó, trẻ sẽ biết những gì sẽ xảy ra và hậu quả ra sao. Khi đã hoàn tất những gì bạn sẵn sàng làm trong việc hợp nhất hai gia đình, bạn hãy ngồi xuống với con và cùng nói về các quy tắc. Rèn cho con vào nề nếp sẽ khiến chúng có nhiều khả năng tuân theo các quy tắc mà chúng đã tham gia tạo ra.

Luôn thể hiện sự thống nhất trước mặt con: Đừng bất đồng với nhau hoặc thắc mắc về quyết định nuôi dạy con của nhau trước mặt con cái. Nếu bạn có điều gì không đồng ý thì hãy nói chuyện đó với họ ở nơi con không nghe thấy.

Tìm kiếm sự giúp đỡ: Nếu không thể giao tiếp, chẳng hạn nếu bạn hoặc bạn đời phá vỡ kỷ luật của người còn lại trước mặt con, thì bạn có thể cần phải tìm ra lý do đằng sau hành vi của mình. Có thể sự tức giận đang lấn át. Nếu vậy thì đã đến lúc gặp chuyên gia trị liệu. Tìm kiếm chuyên gia sẽ giúp bạn và đối phương trở lại điểm trung gian, nơi bạn có thể học cách nói chuyện và hỗ trợ lẫn nhau.

Theo Thrive Global

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm