"Cần lắng nghe tiếng nói từ tập thể trường ĐH Tôn Đức Thắng"

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Để giải quyết triệt để những khúc mắc đang có ở ĐH Tôn Đức Thắng nhằm mở đường cho trường phát triển, các cấp quản lý cần chỉ đạo tổng kết khẩn trương việc thực hiện thí điểm tự chủ tại trường.

Cần lắng nghe tiếng nói từ tập thể trường ĐH Tôn Đức Thắng - 1

Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Cần tổng kết thực hiện thí điểm tự chủ tại trường ĐH Tôn Đức Thắng

Thay mặt Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội cho biết, để giải quyết triệt để những khúc mắc đang có ở trường ĐH Tôn Đức Thắng nhằm mở đường cho trường tiếp tục phát triển, các cấp quản lý có thẩm quyền cần chỉ đạo cho tổng kết khẩn trương việc thực hiện thí điểm tự chủ tại trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Trước khi tổng kết cần có đoàn Thanh tra Chính phủ đến đánh giá tình hình thực tế của trường xem những gì làm được và chưa làm được, ưu và khuyết điểm như thế nào, cần khẳng định, bổ sung và điều chỉnh những gì về cơ chế tự chủ, kể cả pháp luật nhà nước và chức năng nhiệm vụ cũng như cách hoạt động của tổ chức Đảng trong một trường đại học tự chủ nên thế nào cho hiệu quả nhất. Đồng thời, xem xét về quyết định hành chính đối với chức danh hiệu trưởng như thế nào là đúng.

"Trong tình hình hiện tại, lãnh đạo các cấp cần động viên, khuyến khích và bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo, tận tâm tận lực vì lợi ích chung và không tham ô, hối lộ. Các kết luận đúng sai về thanh tra, kiểm tra ở đây cần được xem xét một cách khách quan trên cơ sở chủ trương cho người được thực hiện thí điểm tự chủ của Chính phủ và lắng nghe tiếng nói từ tập thể trường ĐH Tôn Đức Thắng" - Phó Chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Trần Xuân Nhĩ, đây là việc không chỉ liên quan đến một trường mà là một vấn đề chung rất quan trọng đối với chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước về đổi mới nền giáo dục và thực hiện tự chủ cho các đơn vị công lập mà nếu không làm tốt thì giáo dục đại học của Việt Nam sẽ khó khăn và lúng túng lâu dài, không có lối ra để phát triển mạnh mẽ và bền vững. 

Ngoài ra, Hiệp hội cho rằng, không cần thiết phải vội vàng thành lập ngay Hội đồng trường ĐH Tôn Đức Thắng lúc này vì vẫn có cách nhanh hơn là tốt hơn để bảo đảm ổn định hoạt động thường xuyên của trường  như ký bằng tốt nghiệp cho hơn 2000 sinh viên đã tốt nghiệp để các em đi xin việc làm; tổ chức hội nghị giảng viên - viên chức... là hủy ngay quyết định cách chức và phục hồi chức vụ Hiệu trưởng cho GS Lê Vinh Danh vì như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều đại biểu tại kỳ họp vừa qua đã khẳng định là các quyết định can thiệp hành chính này của cơ quan chủ quản là hoàn toàn trái với Luật số 34/2018 và Nghị định 99/2019. 

Thay mặt Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội kiến nghị: "Hội đồng trường ĐH Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2020 - 2025 chỉ nên thành lập khi trường đã có Đảng ủy mới. Công việc quan trọng hàng đầu để ổn định trường hiện nay là triển khai ngay Đại hội Đảng bộ trường và chọn ra một Ban Chấp hành Đảng ủy mới; muốn vậy việc giải quyết giải quyết khiếu nại của đồng chí Lê Vinh Danh và nhiều đảng viên khác về hình thức kỷ luật Đảng vừa qua cần phải ưu tiên làm trước để mang đến sự minh bạch và công bằng cho các đảng viên trước khi Đại hội Đảng bộ về công tác nhân sự".

Khó khăn khi lựa chọn người đứng đầu

Trong bản báo cáo của Bộ GD&ĐT về tình hình hoạt động của trường Đại học Tôn Đức Thắng công bố ngày 5/2, về khó khăn, vướng mắc hiện nay của Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong việc triển khai thành lập Hội đồng trường (HĐT) và kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý, Bộ GD&ĐT cho rằng, Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường ĐHTĐT chưa được ban hành mới để cập nhật các quy định phù hợp với Luật 34.

Theo quy định của Nghị định 99, trong trường hợp này tập thể lãnh đạo sẽ phải thống nhất được với đại diện TLĐ và các thành viên đương nhiên khác của HĐT một số nội dung chi tiết về cơ cấu, số lượng và quy trình giới thiệu, bầu thành viên HĐT.

Tập thể lãnh đạo có vai trò chỉ đạo quy trình thành lập HĐT, nhưng hiện nay chỉ có 03 người, trong đó 02 người là ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy trường và 01 người thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng. Đảng ủy trường nhiệm kỳ mới chưa được bầu nên Đảng ủy trường nhiệm kỳ 2015-2020 được lưu nhiệm, trong đó có nhiều người đã bị kỷ luật đảng.

Quy hoạch các chức danh Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐT và các chức danh lãnh đạo chủ chốt khác chưa được phê duyệt. Nhân sự dự kiến được phê duyệt quy hoạch chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, công nhận chức vụ lãnh đạo, quản lý (nhất là về tiêu chuẩn cao cấp lý luận chính trị). Quy trình xem xét kỷ luật, khiếu nại về hình thức kỷ luật của các cấp có thẩm quyền đối với một số đảng viên, cán bộ chủ chốt có thể còn kéo dài.

Việc điều hành Trường ĐH TĐT được giao cho một viên chức là Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014-2019 nhưng hiện không có chức danh lãnh đạo, quản lý chính thức nên gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của Trường chưa đồng thuận việc quyết định hay không quyết định giao Quyền Hiệu trưởng cho một người trong thời gian chưa có HĐT.

Việc lựa chọn một nhân sự đứng đầu bộ máy lãnh đạo, quản lý ngay trong thời gian tới sẽ rất khó khăn. Thực tế cho thấy, uy tín đối với đội ngũ cán bộ, viên chức cũng như vai trò và ảnh hưởng đối với sự phát triển Trường ĐH TĐT của cá nhân đồng chí Lê Vinh Danh là khá lớn so với các đồng chí khác trong bộ máy lãnh đạo, quản lý Trường ĐH TĐT.

Bộ GD&ĐT đề xuất hướng giải quyết

Bộ GD&ĐT cho rằng, để giải quyết những khó khăn trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 5363/BGDĐT-TCCB ngày 11/12/2020 gửi Trường ĐHTĐT hướng dẫn thành lập Hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý theo hướng như sau:

Tập thể lãnh đạo Trường ĐHTĐT khẩn trương thực hiện quy trình thành lập HĐT, trong đó để khuyết một số vị trí thành viên đương nhiên. Nếu chưa có nhân sự đáp ứng ngay tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh Chủ tịch HĐT thì chỉ thực hiện giới thiệu và bầu các thành viên HĐT và đề nghị TLĐ công nhận HĐT; chưa tiến hành thủ tục giới thiệu và bầu Chủ tịch HĐT.

Sau khi thành lập, HĐT thống nhất với tập thể lãnh đạo quy trình giới thiệu nhân sự và quyết nghị giao một người phù hợp đảm nhiệm vị trí Quyền Hiệu trưởng từ nguồn nhân sự tại chỗ; hoàn thiện và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động mới, trong đó bổ sung tiêu chuẩn và quy trình nhân sự đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp với quy định của Đảng, quy định của pháp luật và hướng dẫn của TLĐ. Thực hiện quy trình giới thiệu và bầu Phó Chủ tịch phụ trách điều hành HĐT; quy trình bổ nhiệm một số vị trí Phó Hiệu trưởng để Trường ĐHTĐT sớm ổn định hoạt động.

Khi có nhân sự đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn Hiệu trưởng thì có thể thực hiện quy trình nhân sự Hiệu trưởng và bổ sung thành phần đương nhiên trong HĐT. Khi có nhân sự đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn Chủ tịch HĐT thì thực hiện quy trình giới thiệu bổ sung, kiện toàn HĐT; tiến hành bầu Chủ tịch HĐT và đề nghị TLĐ công nhận. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Đảng ủy trường xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy cấp trên về việc xem xét các tiêu chuẩn, vận dụng giải quyết cho phù hợp đặc điểm thực tế của Trường ĐHTĐT.